Toàn cảnh Vinhomes Royal Island qua những khung hình từ trên cao
(VNF) - Dự án Vinhomes Royal Island đã được mở bán từ cuối tháng 3 với quy mô 877 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD nằm trọn trên đảo Vũ Yên.
Năm 2020, trong bối cảnh thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19 thì thị trường bất động sản công nghiệp vẫn sôi động ở nhiều tỉnh, thành phố. Tiếp đà tăng trưởng này, bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ phát triển mạnh hơn trong năm 2021, đặc biệt sẽ thúc đẩy sự bùng nổ quỹ đất công nghiệp tại khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Chỉ riêng 3 tháng đầu năm nay, thống kê của VietnamFinance cho thấy có 25 dự án khu công nghiệp được phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 46.584 tỷ đồng và tổng diện tích hơn 5.824ha.
Cụ thể, tại Bắc Ninh, Thủ tướng Chính phủ đã duyệt chủ trương 4 dự án gồm: khu công nghiệp Thuận Thành I (diện tích 249,75ha, tổng vốn đầu tư 2.847 tỷ đồng) của Viglacera; khu công nghiệp Yên Phong II-A (151,27ha, tổng vốn hơn 1.830 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần hạ tầng Western Pacific; khu công nghiệp Gia Bình (306ha, tổng vốn 2.578 tỷ đồng) của Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bắc Ninh; khu công nghiệp Gia Bình II (quy mô 250ha, tổng vốn 3.956,8 tỷ đồng) của Tập đoàn Hanaka.
Tại Hải Dương, Thủ tướng cũng duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án: khu công nghiệp Gia Lộc (quy mô 197,94ha, tổng vốn 2.062 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Quang; khu công nghiệp Quốc Tuấn - An Bình (180ha, tổng vốn 1.947 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1; khu công nghiệp Phúc Điền (diện tích 214,57ha, tổng vốn 1.802 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần đầu tư Trung Quý - Bắc Ninh; khu công nghiệp Kim Thành (diện tích 164,98ha, tổng vốn 1.160 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần COMA 1.
Tại Vĩnh Phúc, Thủ tướng đồng ý chủ trương 4 dự án gồm: khu công nghiệp Sông Lô I (diện tích 177,36ha, tổng vốn 1.253 tỷ đồng) của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển hạ tầng Sông Lô; khu công nghiệp Sông Lô II (165ha, tổng vốn 1.520 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc; khu công nghiệp Tam Dương I - khu vực 2 (162,33ha, tổng vốn 1.326 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà; khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa khu vực II - giai đoạn 1 (diện tích 145,27ha, tổng vốn 774,8 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần đầu tư Amane.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng duyệt chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp tại các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Long An... (Xem thêm)
UBND TP. Hải Phòng đã có Văn bản số 1817/UBND-QH2 ngày 24/3/2021 gửi Công ty Cổ phần Vinhomes về việc dừng khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án khu đô thị mới tại khu vực Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên.
Theo đó, ngày 31/12/2019, UBND TP. Hải Phòng đã có văn bản đồng ý chủ trương Vinhomes khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án khu đô thị mới tại khu vực Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên. Theo đề nghị của Vinhomes gửi UBND thành phố ngày 15/3/2021, UBND thành phố đã có ý kiến dừng việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án của công ty tại khu vực trên.
Được biết, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc sông Cấm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1131/QĐ-TTg ngày 24/6/2016, nhằm tạo ra bước đột phá trong phát triển đô thị Hải Phòng.
Theo quy hoạch 1/2.000, khu đô thị mới Bắc sông Cấm đến năm 2025 có quy mô diện tích 324ha, dân số khoảng 17.500 người. Khu vực nghiên cứu quy hoạch nằm chủ yếu ở phía Bắc sông Cấm và một phần phía Nam sông Cấm thuộc các xã Hoa Động, Tân Dương, Dương Quan (huyện Thủy Nguyên); phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) và phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền). (Xem thêm)
Bức xúc trước hàng loạt vấn đề còn tồn tại tại dự án chung cư Dreamland Bonanza (số 23 Duy Tân, Hà Nội), hàng trăm cư dân tại đây đã quyết định xuống đường để phản đối và yêu cầu chủ đầu tư dự án đối thoại trực tiếp.
Trao đổi với VietnamFinance, chị N.T.N, cư dân tại Dreamland Bonanza, cho biết khi quảng bá, giới thiệu về dự án và cả trong hợp đồng mua bán, chủ đầu tư khẳng định chung cư này có vị trí tại 23 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Tuy nhiên sau khi nhận nhà, cư dân đến làm thủ tục đăng ký tạm trú, chuyển khẩu... thì lại được hướng dẫn sang quận Nam Từ Liêm vì tòa nhà này không thuộc quận Cầu Giấy. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến việc cư dân đi xin nhập học cho con tại quận Cầu Giấy.
Chưa hết, cư dân tại Dreamland Bonanza cũng phản ánh việc họ đã phải đóng 100% giá trị căn hộ nhưng đã gần 1 năm qua chủ đầu tư dự án vẫn chưa tiến hành hội nghị nhà chung và thành lập ban quản trị tòa nhà. Chủ đầu tư dự án đến nay cũng chưa bàn giao sổ hồng dù cho người dân tại đây dù đã bàn giao căn hộ gần 1 năm (từ tháng 4/2020).
Kèm theo đó, cư dân cũng phản ánh hàng loạt vấn đề về việc diện tích của căn hộ không đúng với thực tế, phí dịch vụ quá cao... (Xem thêm)
Thanh tra Chính phủ đề nghị xem xét thu hồi 13 dự án trong khu đô thị phía Nam TP. HCM đã được giao đất từ cách đây 20 năm nhưng chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai, chưa đầu tư xây dựng... Một số dự án này, có ít nhiều liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước trước đây.
Tính đến thời điểm kiểm tra, có 97 dự án cấp 1 đầu tư tại Khu đô thị phía Nam Thành phố với diện tích 2.216ha/2.578 ha tương đương 80% diện tích và 2 khu tái định cứ với diện tích 80,9ha đang triển khai.
Theo Thanh tra Chính phủ, hầu hết các dự án đầu tư tại khu đô thị phía Nam TP. HCM không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án có sử dụng đất do UBND TP. HCM và Ban quản lý khu Nam chỉ định, chấp thuận địa điểm đầu tư, chấp thuận dự án đầu tư, không có hồ sơ, văn bản thẩm định năng lực của nhà đầu tư.
Việc đầu tư tràn lan, dàn trải, dẫn đến hiện nay chưa có dự án nào hoàn thành. Hầu hết các dự án được giao đất hơn 20 năm nhưng đang trong tình trạng dở dang, chưa hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện đầu tư xây dựng, không bảo đảm tiến độ. Đa số dự án đều vi phạm về thủ tục đầu tư, các dự án được chấp thuận đầu tư khi chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng. (Xem thêm)
UBND thành phố Hà Nội vừa công bố kết quả việc rà soát, kiểm tra, thanh tra các dự án trên địa bàn các quận, huyện đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chưa triển khai hoặc chậm tiến độ.
Theo kết luận của thành phố, có 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai, trong đó, có 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất và 88 dự án chưa có quyết định.
Cùng với đó, có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai do Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp.
UBND thành phố Hà Nội cho biết từ tháng 7/2018 đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đã thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 379 dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm phát luật đất đai.
Kết quả, có 29 dự án với tổng diện tích 1.844,3ha đất tại các quận huyện trên địa bàn Hà Nội bị đề nghị thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư. Trong đó, huyện Thạch Thất là nơi bị thu hồi nhiều nhất với 12 dự án (Xem thêm)
Hà Nội phát hiện có 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Trong đó, có 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất; 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai.
Đáng chú ý, trong các dự án nói trên có một loạt dự án của Tập đoàn Nam Cường gồm: khu đô thị Chương Mỹ (567ha, chậm giải phóng mặt bằng); khu đô thị Cổ Nhuế (phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm - chậm giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông, khớp nối hạ tầng kỹ thuật).
Ngoài ra, Hà Nội cũng kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo pháp luật với dự án xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam đoạn qua Thạch Thất, Quyết định thu hồi khu đô thị Quốc Oai, huyện Quốc Oai.
Đồng thời, thành phố kiến nghị ra hạn 24 tháng, nộp nghĩa vụ tài chính đối với dự án bệnh viện quốc tế 500 giường tại Dương Nội do Nam Cường làm chủ đầu tư. (Xem thêm)
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, mặc dù Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam nhưng sốt đất vẫn diễn ra, giá bất động sản tại một số thành phố không những không giảm mà lại còn tăng.
Theo ông Hà, có hai nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên. Thứ nhất là kênh đầu tư bất động sản vẫn rất hấp dẫn.
"Tôi cho rằng, bất động sản là kênh đầu tư mà người Việt tin tưởng, chỉ sau vàng và chứng khoán", ông nói.
Thứ hai, nguồn cung bất động sản tại một số địa phương như các thành phố lớn còn thiếu hụt đã đẩy giá bất động sản tăng cao.
Đáng chú ý, ông Hà cho biết sốt đất không chỉ ở các khu vực có quy hoạch rõ ràng, có giấy phép xây dựng, mà "cơn sốt" còn xảy ra ở những vị trí không nằm trong quy hoạch, đất thổ cư trong làng xóm, thậm chí đất phi nông nghiệp như đất trồng rừng... Những cơn sốt này xuất hiện chủ yếu bởi các thông tin quy hoạch như sân bay, đường cao tốc giao thông, dự án của doanh nghiệp lớn.
"Mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng sốt đất đã tàn phá kinh tế, xã hội, công ăn việc làm của người dân… Những cơn sốt đất mà chúng ta đã chứng kiến ở Ba Vì, hay như mới đây ở Bình Phước là những ví dụ điển hình", ông Hà nhấn mạnh.
Vị này cũng cho rằng trong những "cơn sốt" đất, ngoài cái lợi vẫn có những thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư non trẻ, thiếu kinh nghiệm, đầu tư theo số đông. Do đó, nhà nước, lãnh đạo địa phương cần phải quan tâm và kiểm soát điều này. (Xem thêm)
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 176-TB/TU về kết luận của Thường trực Thành ủy về tình hình, kết quả triển khai thực hiện một số dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Thường trực Thành ủy giao Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát cụ thể đối với từng dự án, công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020.
Trong đó, nêu rõ hình thức đầu tư, tiến độ theo mục tiêu ban đầu, tình hình triển khai thực hiện đến nay, các khó khăn, vướng mắc và chỉ rõ các nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan để có các giải pháp quyết liệt khắc phục cho bằng được.
Đối với dự án khu đô thị Nam đường vành đai 3 (giai đoạn 2) - The Manor Central Park, phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) và xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì), Thường trực Thành ủy giao Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo rà soát toàn bộ nguồn gốc, quá trình triển khai thực hiện, khó khăn, vướng mắc của dự án khu đô thị Nam đường vành đai 3 và dự án xây dựng đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An theo hình thức BT.
Trên cơ sở đó, xem xét, giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư theo đúng các quy định của pháp luật; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với các nội dung vượt thẩm quyền. (Xem thêm)
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã thống nhất chủ trương Công ty Cổ phần Him Lam khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án khu biệt thự sinh thái tại xã Chư Hreng, thành phố Kon Tum với diện tích khoảng 47ha.
Theo đó, phạm vi, địa điểm khảo sát tại khu vực phía Đông Nam đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 24, xã Chư Hreng, thành phố Kon Tum. Thời gian khảo sát, nghiên cứu 3 tháng.
Ngoài dự án FDI, những năm gần đây Kon Tum thu hút nhiều “ông lớn’ trong nước như Vingroup, FLC, TH với các dự án: tổ hợp trung tâm thương mại kết hợp nhà ở thương mại của Vincom đã hoàn thành đưa vào sử dụng; dự án tổ hợp khách sạn trung tâm thương mại, dịch vụ FLC Kon Tum 1.332 tỷ đồng đang được triển khai; dự án chăn nuôi bò sữa tập trung của TH với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng trên diện tích 441ha đã khởi công…
Vào cuối năm 2020, Tập đoàn Alphanam cũng bày tỏ muốn tìm hiểu, đầu tư vào các dự án về xây dựng khách sạn, khu resort, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và phát triển hạ tầng đô thị... Doanh nghiệp mong muốn được tạo điều kiện để tiếp tục khảo sát, tìm hiểu, sớm triển khai các dự án đầu tư tại Kon Tum. (Xem thêm)
(VNF) - Dự án Vinhomes Royal Island đã được mở bán từ cuối tháng 3 với quy mô 877 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD nằm trọn trên đảo Vũ Yên.