Bế tắc các kênh đầu tư: Lãi suất giảm mạnh dân vẫn dồn tiền gửi ngân hàng

Minh Anh - 08/07/2023 08:37 (GMT+7)

(VNF) - Dù lãi suất hạ nhiệt song tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt. Tính đến cuối thán 4, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng hơn 467.000 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.

VNF

Số liệu mới công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy dòng tiền từ dân cư tiếp tục đổ về các tổ chức tín dụng.

Theo đó, tính đến cuối tháng 4/2023, tổng tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt 6,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 467.000 tỷ đồng (tương đương 7,96%) so với cuối năm 2022. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

Tháng 4/2023 cũng đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp ghi nhận mức tăng lượng tiền gửi của dân cư tại ngân hàng. So với tháng 3, trong tháng 4, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng đến 52.028 tỷ đồng.

Điều này cho thấy gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn đang là lựa chọn an toàn hàng đầu với cư dân trong bối cảnh các kênh đầu tư như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán không còn hấp dẫn như trước.



Đáng chú ý, tiền gửi của dân cư tại ngân hàng tăng cao trong bối cảnh NHNN liên tục hạ lãi suất điều hành giúp các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành từ 0,5 - 2%. Tính đến hết tháng 6, lãi suất huy động bình quân giảm 0,7 - 0,8%, lãi vay giảm 1 - 1,2%. Các ngân hàng thương mại cổ phần vốn nhà nước đi đầu trong việc giảm lãi suất, nhiều ngân hàng công bố mức giảm rất sâu.

Lãi suất tiết kiệm 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng dần biến mất trên thị trường. Hiện không còn ngân hàng để mức lãi này. Mức phổ biến với kỳ hạn 12 tháng cho hình thức gửi tại quầy là 6,5-7,5%/năm, còn gửi online là 6,7-7,7%/năm.

Ở chiều ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng lại đánh dấu xu hướng giảm sâu. 2 tháng đầu năm, tiền gửi của nhóm này giảm 338.000 tỷ đồng, đến tháng 3 tăng trở lại 48.000 tỷ đồng song không giữ được đà tăng này.

Đến tháng 4, tiền gửi của các tổ chức kinh tế sụt giảm 8.833 tỷ đồng, xuống còn 5,654 triệu tỷ đồng, giảm 5,02% so với cuối năm 2022.

Các chuyên gia nhận định, nhiều doanh nghiệp quý đầu năm kinh doanh ảm đạm, gặp khó về dòng tiền. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp phải rút tiền gửi tại ngân hàng để xử lý những khó khăn trước đây. Đây là nguyên nhân khiến tiền gửi của nhóm này sụt giảm.

Theo Cục Đăng ký kinh doanh, vốn kinh doanh được đánh giá là một trong những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối diện.

Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng đầu năm 2023 giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022. Cũng như thấp hơn mức bình quân 6 tháng đầu năm giai đoạn 2018-2022. Ngoài ra, số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2017.

Tại buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chiều 6/7, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hệ thống ngân hàng đã dành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đơn cử như chính sách giảm lãi, miễn lãi, giảm phí chia sẻ với doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua tổng cộng 60 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, nhiều giải pháp về lãi suất, tín dụng, cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ được triển khai. 

Theo số liệu mới nhất từ NHNN, đến cuối tháng 6/2023, dư nợ nền kinh tế đạt 12,423 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so 2022. Dư nợ đối với doanh nghiệp khoảng 6,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,66% so 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế). Dư nợ đối với DNNVV đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối 2022, chiếm khoảng 18,5% dư nợ nền kinh tế. 

Cùng chuyên mục
Tin khác