Bế tắc làm ăn, dân dồn tiền gửi vào ngân hàng nhiều hơn
Minh Anh -
08/05/2023 23:23 (GMT+7)
(VNF) - Lãi suất huy động tăng cao, trong khi việc đầu tư BĐS, chứng khoán hay mở rộng làm ăn khó khăn đã khiến tiền gửi của người dân tại các ngân hàng tăng mạnh. Trong 2 tháng đầu năm nay, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư đã lên gần 6,18 triệu tỷ đồng, chính thức vượt tiền gửi của các tổ chức kinh tế.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 2/2023, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ thức tín dụng đạt gần 11,8 triệu tỷ đồng, giảm hơn 23.800 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tương đương giảm 0,2%.
Tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ thức tín dụng giảm có nguyên nhân từ nhóm khách hàng là tổ chức kinh tế. Trong 2 tháng đầu năm, tiền gửi của các doanh nghiệp tại hệ thống ngân hàng đã giảm tới hơn 338.000 tỷ đồng (tương đương giảm 5,68%). Đây là mức giảm mạnh nhất trong 3 năm gần đây
Điều này phần nào phản ánh sự khó khăn của các doanh nghiệp giai đoạn hiện nay. Không ít khách hàng đã phải đã hạn chế việc vay vốn do lãi suất tăng cao. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn phải rút bớt tiền gửi ngân hàng để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong 2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã rút ròng hơn 338 nghìn tỷ đồng tiền gửi khỏi hệ thống ngân hàng, số dư giảm xuống còn 5,61 triệu tỷ đồng.
Cùng với đó, dòng tiền vào các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản cũng co hẹp lại.
Trong khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm mạnh thì tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư lại bật tăng. Kể từ khi lãi suất huy động bật tăng mạnh từ cuối năm 2022, tiền nhàn rỗi của người dân liên tục chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, ghi nhận lượng tiền gửi của dân cư tăng thêm hơn 314 nghìn tỷ đồng (+5,36%) và đánh dấu 15 tháng liên tiếp tăng trưởng dương.
Tính đến cuối tháng 2, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư đã lên gần 6,18 triệu tỷ đồng, chính thức vượt tiền gửi của các tổ chức kinh tế (5,61 triệu tỷ đồng).
Nguyên nhân khiến tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư tăng mạnh là do lãi suất tiết kiệm lên cao.
Trong giai đoạn cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, lãi suất huy động của các ngân hàng tăng cao, phổ biến ở mức 9-10%/năm, thậm chí có ngân hàng tăng tới 11-12%/năm. Đến cuối tháng 3 đầu tháng 4, làn sóng hạ lãi suất mới bắt đầu diễn ra mạnh mẽ sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành.
Lãi suất tăng cao đã thu hút mạnh người gửi tiền. Điều này đã góp phần thúc tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng tăng trưởng mạnh hơn và là động lực chính giúp tổng tiền gửi tại các nhà băng tăng lên.
Còn theo báo cáo tài chính của 27 ngân hàng giao dịch trên sàn chứng khoán, tính đến cuối quý I/2023, các nhà băng có hơn 8,58 triệu tỷ đồng tiền gửi khách hàng, tăng 3,6% so với đầu năm. Trong đó, top 10 ngân hàng có nhiều tiền gửi khách hàng nhất hiện đang nắm giữ 6,75 triệu tỷ đồng tiền gửi khách hàng, chiếm tỷ trọng gần 78,9% trong 27 ngân hàng.
BIDV vẫn nắm giữ vị trí đầu bảng với hơn 1,49 triệu tỷ đồng tiền gửi khách hàng, tăng khoảng 23,7 nghìn tỷ (tương đương 1,6%) so với đầu năm.
Vietcombank đã thay thế VietinBank ở vị trí á quân. Đến cuối quý I/2023, tiền gửi khách hàng của Vietcombank đạt hơn 1,28 triệu tỷ đồng, tăng 3,1% so với đầu năm. Còn VietinBank ghi nhận chỉ tiêu này là hơn 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 1,9%.
Sacombank đang dẫn đầu khối tư nhân trong bảng xếp hạng ới gần 478,79 nghìn tỷ đồng tiền gửi khách hàng, tăng 5,3% so với đầu năm.
MB ở vị trí thứ 5 với 445,41 nghìn tỷ đồng tiền gửi khách hàng, tăng 0,4% so với đầu năm.
ACB đứng ở vị trí tiếp theo với hơn 422,76 nghìn tỷ đồng tiền gửi.
Nắm giữ hơn 391,4 nghìn tỷ đồng tiền gửi khách hàng, tăng 8,24%, SHB đứng ở vị trí thứ 7.
Các vị trí tiếp theo trong top 10 ngân hàng có nhiều tiền gửi khách hàng là Techcombank (387,3 nghìn tỷ đồng); VPBank (331,18 nghìn tỷ đồng); HDBank (249,8 nghìn tỷ đồng).
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone