Be vay 60 triệu USD từ ngân hàng Đức, cạnh tranh với Grab tại Việt Nam

Thuỷ Bình - 05/09/2022 16:51 (GMT+7)

(VNF) - Công ty khởi nghiệp gọi xe Be Group JSC cho biết đã nhận được khoản vay ít nhất 60 triệu USD để mở rộng hoạt động tại Việt Nam, cạnh tranh với thế thống trị của Grab.

VNF
Be Group được chấp thuận khoản vay 60 triệu USD từ Deutsche Bank AG.

Theo bà Vũ Hoàng Yến, Giám đốc điều hành Be Group, doanh nghiệp đã được chấp thuận một khoản vay từ Deutsche Bank AG, tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất Đức, bao gồm một điều khoản cho phép tăng nguồn tài chính lên tới 100 triệu USD, Bloomberg đưa tin hôm 5/9.

Khoản tiền này sẽ được sử dụng để mở rộng và nâng cao các dịch vụ chính của doanh nghiệp, bao gồm dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và ngân hàng kỹ thuật số.

Cũng theo bà Yến, khoản vay của Be sẽ giúp công ty “thách thức” sự thống trị của Grab trong ngành gọi xe tại Việt Nam.

Lĩnh vực gọi xe tại Việt Nam hiện đang chứng kiến sự cạnh tranh mới mẻ từ các công ty như Go-Jek của Indonesia hay FastGo Vietnam JSC, đặc biệt sau khi Việt Nam nới lỏng các hạn chế phòng dịch Covid-19.

Theo công ty nghiên cứu Mordor Intelligence, thị trường được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ gộp hàng năm hơn 28% trong vòng 5 năm tới.

Ra mắt vào năm 2018, Be Group đã mở rộng sang lĩnh vực giao hàng, tạp hóa trực tuyến, bảo hiểm, gói dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính và hoạt động tại 28 tỉnh thành Việt Nam. Đến nay, ứng dụng của công ty đã được cài đặt trên hơn 20 triệu thiết bị di động.

Công ty dự kiến sẽ vượt qua 10 triệu người dùng tích cực trong năm tới, bà Yến nói. Be đặt mục tiêu tăng gấp đôi con số đó vào năm 2026.

Bà Yến cho biết công ty có 30% đến 40% thị phần gọi xe tại Hà Nội và 25% đến 35% tại TP. HCM. Theo công ty nghiên cứu Statista, Grab có trụ sở tại Singapore chiếm khoảng 75% thị phần đặt xe tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2020.

Tháng trước, Grab đã báo cáo một khoản lỗ lớn hơn dự kiến trong quý II, một dấu hiệu cho thấy những thách thức trong việc thu lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh đặt xe và giao hàng. Đây cũng là cơ hội để các đối thủ của công ty Singapore dồn sức cho “trận chiến” thị phần tại quốc gia Đông Nam Á.

Xem thêm >> Tùy tiện áp phí gây bức xúc, cách nào quản Grab?

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác