Tài chính

Bí ẩn giao dịch của cổ phiếu Masan

(VNF) - Tuy không còn tăng nóng như tuần đầu tháng 10, nhưng tuần qua cổ phiếu Masan (MSN-HOSE) vẫn khiến nhà đầu tư ngây ngất. Điều lý thú nhất trong những biến động ngoài sức tưởng tưởng của MSN là màn bí ẩn vẫn đang phủ bóng khiến đa số nhà đầu tư không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Bí ẩn giao dịch của cổ phiếu Masan

Thanh khoản của MSN trong hai tuần qua là lớn chưa từng có.

Mặc dù phiên cuối tuần qua cổ phiếu MSN điều chỉnh giảm 1,4% trong sự “hả hê” của không ít nhà đầu tư lỡ nhịp đang tò mò quan sát biến động kỳ lạ của cổ phiếu này, thì tính chung hai tuần, những ai đu đúng sóng đã có lợi nhuận 47,87%.

Đây là hai tuần kỳ diệu chưa từng có của cổ phiếu này, dù trong quá khứ cũng vài lần giá bùng nổ ở mức độ gây sốc. Chẳng hạn thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4/2018 (lúc VN-Index đạt đỉnh lịch sử), giá MSN cũng có hai tuần tăng mạnh liên tiếp 23,37%. Kỷ lục đầu tháng 4/2011 MSN cũng có 2 tuần tăng liên tiếp 35,18% hay như hai tuần đầu tháng 9/2011 giá tăng 34%.

MSN bắt đầu đột biến từ ngày 5/10 và gây chú ý ngày 7/10 khi thanh khoản đột ngột lên cao nhất trong lịch sử. Không phải nhà đầu tư nào cũng kịp phản ứng để nhảy vào mua đúng nhịp, vì đa phần còn nghi ngờ quá cao. Thực vậy, chưa bao giờ MSN đạt thanh khoản cao như vậy mà duy trì liên tục như hai tuần qua. Nhịp T+3 đầu tiên đúng vào lúc giá MSN quay lại đỉnh cao nhất 2020 và những nhà đầu cơ ngắn hạn hài lòng và chốt lời. Tuy nhiên sau đó bất ngờ mới thật sự diễn ra khi cổ phiếu này tiếp tục tăng không ngừng nghỉ và đạt đỉnh cao nhất 13 tháng.

Dĩ nhiên cũng giống bất kỳ cổ phiếu phát sinh giao dịch bất thường nào gây chú ý, nhà đầu tư cũng bắt đầu tìm kiếm các thông tin khả dĩ lý giải hiện tượng MSN. Một số thông tin không chính thức bắt đầu được lan truyền, đầu tiên là trên các diễn đàn, các nhóm, nhưng sau đó được truyền thông chính thống nhắc đến như là một tin đồn. Đó là việc Masan có kế hoạch bán cổ phần tại MSR (đăng ký giao dịch trên UpCom) và VCM (sở hữu hệ thống siêu thị mua lại của Vingroup).

Một kết quả thường thấy trong việc tìm kiếm lý do để lý giải các biến động giá cổ phiếu là, diễn biến giá tăng sẽ có thông tin tích cực, ngược lại, diễn biến giá giảm sẽ thấy thông tin tiêu cực. Nói cách khác, nhà đầu tư muốn tìm thấy thông tin loại nào thì sẽ có thông tin loại đó xuất hiện. Dù sau đó vài tờ báo dẫn thông tin Masan phủ nhận kế hoạch bán cổ phần nói trên, giá MSN vẫn còn tăng tiếp hai phiên nữa và chỉ điều chỉnh vào cuối tuần qua.

Không còn thông tin nào để bấu víu, nghi ngờ còn lại là kết quả kinh doanh. Cho đến lúc này MSN vẫn chưa có báo cáo lợi nhuận chính thức, nhưng các nhà đầu tư vẫn cho rằng đâu đó các nhóm nhà đầu tư lớn có thể biết trước và thực hiện đánh lên đón thông tin chính thức. Lối giải thích phù hợp với nhận định hay hi vọng của chính mình là tâm lý thông thường. Ngay lập tức, muốn là có, xuất hiện các bài viết lý giải yếu tố cơ bản của Masan đang tốt như thế nào, từ những thay đổi gần đây tới tầm nhìn dài hạn, thậm chí lật ngược lại cả những phân tích “xấu xí” về việc mua lại chuỗi Vinmart năm ngoái.

Đối với các nhà đầu tư có kinh nghiệm thì các kiểu phân tích dài hạn này không có nhiều ý nghĩa để lý giải hiện tượng ngắn hạn. Đơn giản vì những triển vọng lạc quan đó được tung ra hôm nay hay 6 tháng trước hay 6 tháng tới đây cũng không khác gì nhau. Những kiểu thông tin như vậy chỉ giúp những ai đang tin được củng cố thêm về mặt tâm lý.

msn

Thanh khoản của MSN là điều đáng ngưỡng mộ nhất trong "game" này, chứ không phải giá. Biểu đồ tuần (weekly) thể hiện đột biến thanh khoản rất rõ.

Điều bí ẩn trong giao dịch ở MSN không phải là tại sao giá tăng hay tăng mạnh như vậy, mà là nguồn tiền khổng lồ được sử dụng trong giao dịch. Cổ phiếu đầu cơ thì được làm giá như cơm bữa trên thị trường, nhưng chưa có cổ phiếu nào được giao dịch quy mô lớn như MSN mà lại kéo dài liên tục. Riêng tuần qua, giá trị giao dịch của MSN tổng hợp 5 ngày lên tới trên 2.100 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với mức trung bình của tháng 9. Tuần đầu tháng 10 (từ 5-9/10), MSN cũng đã giao dịch tổng cộng gần 1.500 tỷ đồng.

Trong hoạt động đầu cơ thì dòng tiền là điều quyết định và thanh khoản hàng ngày càng lớn thì càng có nhiều nhà đầu cơ “khủng” tham gia. Dĩ nhiên cũng có vài trường hợp “ảo” như ROS ngày xưa, nhưng với một mã có lượng lưu hành trôi nổi lớn như MSN, nhiều tổ chức đầu tư nắm giữ, thì khả năng thao túng rất khó xảy ra. Vì vậy để đẩy giá lên như với MSN, cần một lượng tiền thực sự lớn và đó mới là yếu tố đáng quan tâm để có quyết định đầu cơ theo hay không.

Trên thực tế, khi càng có nhiều nhà đầu cơ tham gia một “game” nào đó, quy mô dòng tiền đầu cơ càng lớn thì thời gian để thoát ra càng dài, nghĩa là những người tham gia , dù là nhỏ lẻ, cũng không quá lo sợ về một kịch bản giảm sàn mất thanh khoản. Tuy nhiên cần nhìn nhận thẳng thắng rằng, cho đến khi bất kỳ thông tin bí ẩn nào đó đang được ém lại lộ ra, đây vẫn chỉ là một cuộc chơi đầu cơ thuần túy. Điều đó có nghĩa là phải đánh giá sức mạnh qua dòng tiền, chứ không phải thông tin và khi dòng tiền hết lực, đó là thời điểm để tháo chạy, bất kể tin tốt hay xấu.

Tin mới lên