Bị Mỹ xác nhận ‘không còn tự chủ’, Hong Kong có thể bị tước những ưu đãi nào?

Minh Đăng - 28/05/2020 09:11 (GMT+7)

(VNF) - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 27/5 cho biết Mỹ không còn coi Hong Kong độc lập về chính trị với Trung Quốc, điều này có thể đồng nghĩa với việc Hong Kong sẽ không còn được hưởng quy chế đặc biệt từ Mỹ.

VNF
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 27/5 cho biết Mỹ không còn coi Hong Kong độc lập về chính trị với Trung Quốc.

"Hôm nay, tôi đã báo cáo với Quốc hội rằng Hong Kong không còn độc lập với Trung Quốc, căn cứ vào các diễn biến trên thực địa”, hãng tin Reuters dẫn tuyên bố ngày 27/5 của ông Pompeo.

Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh thêm rằng việc Trung Quốc dự kiến thông qua Luật An ninh quốc gia, đồng nghĩa với việc áp đặt thêm những hạn chế đối với quy chế tự trị của Hong Kong. Điều này sẽ không cho phép Washington tiếp tục ứng xử với Hong Kong như luật pháp Mỹ từng quy định trước thời điểm vùng lãnh thổ này được Anh trao trả về Trung Quốc tháng 7/1997.

Giới quan sát cho rằng động thái này có thể gây hậu quả sâu rộng đến quy chế thương mại đặc biệt mà Mỹ dành cho Hong Kong.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong hồi tháng 11 năm ngoái. Theo đó, Ngoại trưởng Mỹ hàng năm có trách nhiệm tiến hành đánh giá về việc liệu Hong Kong có đủ tự trị để xứng đáng được Mỹ đối xử đặc biệt về thương mại theo Đạo luật Chính sách Hong Kong 1992 hay không.

Từ năm 1992, Mỹ đã có quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại riêng biệt với Hong Kong, vùng lãnh thổ được coi là một trung tâm tài chính toàn cầu, giống như New York (Mỹ) và London (Anh).

Hong Kong đang được hưởng những ưu đãi như được mua các công nghệ nhạy cảm, đảm bảo trao đổi tự do giữa đồng đô Mỹ và đô Hong Kong, đàm phán các thỏa thuận thương mại và đầu tư độc lập với Bắc Kinh. Trạng thái đặc biệt còn giúp cư dân Hong Kong tránh các hạn chế về thị thực áp dụng cho cư dân Trung Quốc đại lục.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, thặng dư thương mại của Mỹ với Hong Kong trong năm 2017 đạt mức 32,6 tỷ USD, lớn nhất trong các đối tác thương mại của Mỹ. Hong Kong nhập khẩu chủ yếu máy bay, tàu vũ trụ, hàng điện máy, ngọc trai, vàng, kim cương, đồ mỹ thuật, thịt, trái cây và hạt của Mỹ, trong khi các công ty Mỹ đóng góp đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào vùng lãnh thổ này.

Hiên chưa rõ việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không công nhận “quy chế đặc biệt” của Mỹ đối với Hong Kong có ý nghĩa như thế nào đối với mối quan hệ của Washington với cả Bắc Kinh cũng như vùng lãnh thổ này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là người quyết định có tước ưu đãi Hong Kong đang được hưởng hay không.

Trước đó, ông Trump ngày 26/5 đã đưa ra cảnh báo Mỹ sẽ có phản ứng mạnh mẽ với dự luật an ninh của Trung Quốc và sẽ công bố biện pháp trong tuần này.

Dự luật an ninh mới với Hong Kong được trình lên quốc hội Trung Quốc trong phiên khai mạc kỳ họp quốc hội tại Bắc Kinh hôm 22/5.

Theo South China Morning Post, dự luật an ninh quốc gia mới nhằm ngăn chặn, chấm dứt và trừng phạt các hành vi ly khai, chống phá, khủng bố, can thiệp nước ngoài và tất cả các hoạt động nổi loạn nhằm lật đổ chính quyền.

Dự luật cũng sẽ yêu cầu chính quyền Hong Kong lập các cơ quan mới để bảo vệ chủ quyền và cho phép các cơ quan từ đại lục hoạt động tại đặc khu khi cần.

Dự luật dự kiến được thông qua vào ngày bế mạc kỳ họp thường niên của quốc hội Trung Quốc 28/5.

Xem thêm >> Mỹ vượt ngưỡng 100.000 người chết vì Covid-19, tỷ lệ phản đối ông Trump cao nhất từ đầu năm

Theo Reuters, AFP
Cùng chuyên mục
Tin khác