Bí quyết thành công của 'Vua làm bánh' Buddy Valastro

Lê Anh - 25/12/2017 16:25 (GMT+7)

(VNF) – Buddy Valastro là cái tên nổi lên như cồn từ năm 2009, sau khi chương trình truyền hình thực tế "Cake Boss" của ông được phát trên kênh TLC của Mỹ. Đôi bàn tay tài hoa của ông được cho là "có phép lạ" khi làm nên những chiếc bánh "chỉ có trong chuyện cổ tích".

VNF
Buddy Valastro nổi tiếng sau khi chương trình "Cake Boss" được phát sóng.

Được mệnh danh là "Vua làm bánh", vị đầu bếp tài hoa người Mỹ này chỉ khiêm tốn nhận mình là "một người làm bánh đến từ Hoboken", ông đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức, thậm chí đứng trên bờ vực phá sản với tiệm bánh đầu tiên của mình.

Từ một cửa hiệu nhỏ với 30 nhân viên, Buddy Valastro hiện đang điều hành một hệ thống cửa hiệu với tổng cộng 2 nghìn nhân viên và liên tục lập nên kỷ lục với những chiếc bánh kỳ diệu của mình.

Ông đã chia sẻ 7 điều đã đưa ông đến thành công ngày hôm nay:

Tự hào về mọi thứ mình làm

"Bạn phải tự hào và trân trọng tất cả những việc mình làm, dù đó là việc vệ sinh bồn cầu hay làm một chiếc bánh cưới năm tầng", Valastro nói.

Ông nhấn mạnh: "Nếu bạn luôn chú ý đến từng chi tiết và đặt trái tim cũng như linh hồn vào mọi việc bạn làm, bất kể bạn làm gì, bạn sẽ thành công".

Tìm thấy công việc trong mơ

Valastro đã nhận ra "cơ duyên" với nghề làm bánh từ khi còn rất nhỏ. Cha ông có một tiệm bánh nhỏ, ngày ngày ông đều đến tiệm bánh để hỗ trợ cho cha mình.

Buddy Valastro coi việc làm bánh là "công việc trong mơ" của mình.

"Cha tôi không bao giờ nói với tôi rằng: con trai, lớn lên con sẽ trở thành một người làm bánh như cha. Ông chỉ nói với tôi rằng: Con sẽ phải thức dậy vào mỗi buổi sáng để đi làm, hãy tìm công việc mà con thực sự đam mê".

Chỉ chú tâm vào một việc

Mặc dù khả năng có thể đảm nhiệm nhiều việc một lúc giống như một tài sản đáng giá trong sự nghiệp của nhiều người, với Buddy, thành công của ông chỉ đến từ một công việc duy nhất.

Ông chia sẻ: "Khi tôi làm bánh, tôi tập trung tuyệt đối vào công việc mình làm, chỉ có chiếc bánh trước mặt và tôi, tôi không còn nghe thấy âm thanh gì xung quanh mình", ông nói thêm: "Khi tôi lùi lại và nhìn vào thành quả của mình, tôi đã phải tự thốt lên "Wow, mình đã tạo ra điều kỳ diệu này"!

Tin vào bản thân

"Công việc làm bánh không dễ dàng gì, tôi luôn phải lao động cật lực", Valastro nói.

Ông nói thêm: "Nhưng nếu bạn luôn tin tưởng vào chính mình và làm việc chăm chỉ, mỗi sáng thức dậy bạn sẽ cảm thấy tràn ngập hứng khởi để bắt đầu một ngày làm việc mới, chắc chắn bạn sẽ thành công".

Luôn nhớ tới điểm xuất phát

Chương trình "Cake Boss" của Valastro đã được phát liên tục trên truyền hình từ năm 2009 cho tới nay. Trang Facebook cá nhân của ông có hơn 5,5 triệu người hâm mộ, tuy nhiên Valastro luôn ghi điểm xuất phát của mình.

Một chiếc bánh ngọt mô hình xe tăng được tạo nên bởi bàn tay tài hoa của Buddy Valastro.

"Khi bạn là người của công chúng, cuộc sống của bạn sẽ rất áp lực. Mặc dù mọi người luôn khiến tôi cảm giác mình như một ngôi sao nhạc rock, tôi chỉ đơn thuần là một người làm bánh đến từ Hoboken", ông nói.

Biết được giới hạn của mình

Năm 27 tuổi, Valastro đã phải nhập viện vì làm việc quá sức. Nằm trong phòng cấp cứu ông đã có thời gian suy nghĩ về những căng thẳng liên tiếp ông đã phải đối mặt trong một thời gian dài.

"Qua nhiều năm, tôi đã dần thích nghi với những áp lực đó, khi biết được giới hạn chịu đựng của mình, tôi dừng lại và dành 5 phút để "làm sạch" trí não".

Đối mặt với thách thức

Cha của Valastro đã qua đời khi ông 17 tuổi, ông đã phải tạm gác việc học trung học để tiếp quản công việc gia đình. Vào thời điểm đó, tiệm bánh của cha ông có 30 nhân viên.

"Tôi chưa sẵn sàng làm ông chủ," ông nói, "Khi bạn rơi vào một tình huống như thế, bạn sẽ buộc phải thích nghi".

Trang Facebook cá nhân của Buddy Valastro có hơn 5,5 triệu người theo dõi.

Cừa hàng của Valastro đã phải cạnh tranh với nhiều tiệm bánh khác, những nhân viên của ông cũng tỏ ra e ngại rằng cửa hàng sớm muộn gì cũng sẽ đóng cửa.

"Bỗng một ngày tôi tự nhủ rằng: "Không có vấn đề gì cả, nhất định chúng tôi sẽ không thất bại, tôi sẽ là người đầu tiên đến cửa tiệm vào mỗi buổi sáng, và là người ở lại cuối cùng".

Ông đã tự mình học tập, trau dồi kiến thức, tham khảo ý kiến từ những người đi trước. "Sau khoảng ba năm, mọi thứ đã được kiểm soát", ông nói.

Theo CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.