Tài chính quốc tế

Bị Trung Quốc chiếm ngôi trên thị trường công nghệ xanh, EU lập tức ra đòn

(VNF) - Cuộc điều tra mới của Liên minh châu Âu (EU) về tuabin gió của Trung Quốc diễn ra khi Bắc Kinh nắm quyền thống trị thị trường toàn cầu về tấm pin mặt trời.

Ủy ban châu Âu (EC) đã mở một cuộc điều tra mới về các khoản trợ cấp mà các nhà cung cấp tuabin Trung Quốc dành cho các công viên gió ở châu Âu, ghi nhận động thái mới nhất của khối này chống lại các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ sạch của Trung Quốc.

Trung Quốc đã vượt qua EU vào năm 2020 để trở thành nhà sản xuất lắp đặt năng lượng gió lớn nhất và hiện chiếm hơn một nửa số tuabin gió đang hoạt động trên thế giới.

Trong bài phát biểu ngày 9/4, Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Margrethe Vestager cho biết hoạt động vận hành tuabin gió của Trung Quốc tại 5 quốc gia EU gồm Tây Ban Nha, Hy Lạp, Pháp, Romania và Bulgaria sẽ bị giám sát chặt chẽ. Bà cũng kêu gọi EU tận dụng tối đa các công cụ thương mại mà mình có để bảo vệ lợi ích công nghiệp trước khi quá muộn.

Trung Quốc đã vượt qua EU vào năm 2020 để trở thành nhà sản xuất lắp đặt năng lượng gió lớn nhất và hiện chiếm hơn một nửa số tuabin gió đang hoạt động trên thế giới.

Ở góc độ rộng hơn, Bắc Kinh đang tìm cách khẳng định mình là nước dẫn đầu toàn cầu về loại công nghệ sạch mà EU sẽ dựa vào để đạt được quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh.

Các tuabin gió lắp đặt tại EU hầu hết được sản xuất trong khối, nhưng các nhà sản xuất Trung Quốc đã nhanh chóng chiếm khoảng 2/3 thị phần toàn cầu vào năm 2022. Đối với các tấm pin mặt trời, các nhà sản xuất Trung Quốc chiếm hơn 90% thị trường EU.

Cuộc điều tra của EU sẽ dựa trên một công cụ mới, được gọi là Quy định trợ cấp nước ngoài. Quy định này đã cho phép EC kể từ tháng 7/2023 đánh giá liệu trợ cấp nước ngoài có cho phép các công ty đưa ra những đề nghị có lợi quá mức trong đấu thầu công hay không.

Quy định này cũng đã được triển khai để chống lại gã khổng lồ đường sắt nhà nước Trung Quốc CRRC khiến công ty này phải rút khỏi cuộc đấu thầu của Bulgaria vào tháng trước.

Tuần trước, EC đã mở hai cuộc điều tra về việc liệu các nhà thầu Trung Quốc trong cuộc đấu thầu công khai một công viên năng lượng mặt trời ở Romania có được hưởng lợi quá mức từ các khoản trợ cấp hay không.

Một cơ quan đại diện cho lợi ích kinh doanh của Trung Quốc tại châu Âu đã bày tỏ "sự không hài lòng sâu sắc" đối với cái mà họ gọi là chủ nghĩa bảo hộ và sự thiếu minh bạch từ EU khi khối này đưa ra các quy định mới để chống lại viện trợ nhà nước từ các tác nhân nước ngoài.

Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU cho biết trong một tuyên bố gửi qua email rằng việc EU “liên tục triển khai các công cụ mới chống lại các doanh nghiệp Trung Quốc” thể hiện “một hành động ép buộc kinh tế”.

"Hành động này gửi một tín hiệu bất lợi tới thế giới, cho thấy sự phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp Trung Quốc và ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ", tuyên bố nhấn mạnh thêm.

Thách thức vị trí dẫn đầu

Châu Âu từng dẫn đầu về nguồn năng lượng tái tạo, nhưng sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc kể từ năm 2018 đã gây thiệt hại hàng tỷ USD cho các công ty năng lượng gió hàng đầu, bao gồm Vestas của Đan Mạch và Siemens Gamesa thuộc sở hữu của Đức, buộc họ phải cắt giảm chi phí mạnh mẽ.

Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Margrethe Vestager.

Hiện tại, Trung Quốc đã chiếm hơn một nửa thị trường tuabin gió toàn cầu. Theo một ước tính, trong khoảng thời gian 4 năm, thị phần lắp đặt trên toàn thế giới của Trung Quốc đã tăng từ 37% lên hơn 55% vào năm 2022.

Trong khi đó, các công ty châu Âu có thị phần giảm từ 55% xuống 42% trong cùng kỳ.

Cơ quan thương mại WindEurope có trụ sở tại Brussels cho biết trong một tuyên bố với POLITICO: “Có một nguy cơ rất thực tế là việc mở rộng năng lượng gió sẽ được thực hiện ở Trung Quốc chứ không phải ở châu Âu”. Các chuyên gia cho rằng đó là nhờ trợ cấp của nhà nước Trung Quốc.

EU muốn tránh một sai lầm mà họ đã mắc phải trong thập kỷ qua, khi các nhà sản xuất tấm pin mặt trời của Trung Quốc gần như đã loại bỏ các đối thủ cạnh tranh châu Âu của họ .

Nhiều năm chính sách công nghiệp nội địa của EU không đổi, cùng với chính sách mở cửa cho công nghệ xanh đã dẫn đến làn sóng các tấm pin mặt trời của Trung Quốc tràn vào thị trường EU.

Sau đó là sự bủng nổ của xe điện Trung Quốc. Không ngạc nhiên trước cuộc điều tra đang diễn ra của EC về các khoản trợ cấp của nhà nước đối với những chiếc xe điện sản xuất tại Trung Quốc này,

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao đã trấn an các giám đốc điều hành xe điện Trung Quốc trong chuyến thăm Paris đầu tuần qua rằng lợi ích thị trường của họ là xứng đáng.

Ông Wang cho biết trong cuộc gặp với các ông chủ hãng xe điện rằng: “Sự phát triển nhanh chóng của các công ty xe điện Trung Quốc không phụ thuộc vào lợi thế cạnh tranh nhờ trợ cấp mà vào sự đổi mới công nghệ bền vững, chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn diện cũng như sự cạnh tranh toàn diện trên thị trường”.

Mối lo ngại lớn hơn đối với EU là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm củng cố quan hệ đối tác kinh tế với Nga, khi chiến sự Ukraine khiến nước này ngày càng bị cô lập với phương Tây.

Trong cuộc họp báo ngày 9/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, khẳng định Trung Quốc và Nga “sẽ tích cực tìm kiếm các điểm hội tụ vì lợi ích của hai nước” và “chung tay đảm bảo sự ổn định cho chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu”.

Xem thêm >> Tổng thống Mỹ Joe Biden không cho phép lặp lại 'cú sốc Trung Quốc’

Tin mới lên