Bị xử phạt vì trốn thuế, Môi trường đô thị Đà Nẵng làm ăn ra sao?
Phước Nguyên -
20/03/2024 11:55 (GMT+7)
(VNF) - Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Đà Nẵng theo quyết định của UBND TP. Đà Nẵng. Mới đây, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng bị Cục Thuế Đà Nẵng phát hiện và xử phạt về hành vi trốn thuế.
Cụ thể, doanh nghiệp này đã bị Cục Thuế Đà Nẵng xử phạt vì đã có hành vi vi phạm hành chính trốn thuế, sử dụng không hợp pháp 34 số hoá đơn của Công ty TNHH TM tổng hợp Đăng Huấn để kê khai thuế dẫn đến làm giảm số thuế giá trị gia tăng phải nộp, số tiền hơn 71 triệu đồng và làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, số tiền gần 89 triệu đồng.
Xác định hành vi vi phạm, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng bị xử phạt 320 triệu đồng. Đồng thời, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng bị buộc phải nộp đủ số tiền thuế trốn và tiền phạt hơn 480 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Đà Nẵng theo quyết định của UBND TP. Đà Nẵng và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0400228640 điều chỉnh lần 2 ngày 01/10/2015 của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng.
Từ khi thành lập đến nay, doanh nghiệp đã có 3 lần điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 12/12/2018. Công ty là đơn vị hạch toán độc lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Điều lệ Công ty và các quy định pháp lý hiện hành có liên quan.
Công ty đã được chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu phổ thông trên hệ thống Upcom tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào ngày 5/4/2017 với mã chứng khoán là DNE.
Trụ sở chính của doanh nghiệp này nằm tại 471 Núi Thành, P. Hoà Cường Nam, Q. Hải Châu, Đà Nẵng với lĩnh vực kinh doanh chính là Thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Người đại diện theo pháp luật là ông Võ Minh Đức, chức vụ Giám đốc.
Tính đến thời điểm đầu năm 2023, doanh nghiệp có vốn đầu tư của chủ sở hữu đạt 57,7 tỷ đồng, trong đó, UBND TP. Đà Nẵng chiếm đến 29 tỷ đồng; Công ty cổ phần môi trường Việt Nam chiếm 7 tỷ đồng; ông Nguyễn Văn Tuấn là 3,9 tỷ đồng; số còn lại là của các cổ đông khác.
Cũng tại thời điểm này, công ty này có 10 đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán báo số, gồm: Xí nghiệp Môi trường Sông Biến; Xí nghiệp Môi trường Hòa Vang; Xí nghiệp Môi trường Cẩm Lệ; Xí nghiệp Môi trường Ngũ Hành Sơn; Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà; Xí nghiệp Môi trường Thanh Khê; Xí nghiệp Môi trường Hải Châu; Xí nghiệp Quản lý Bải & Xử lý chất thải; Xí nghiệp Vận chuyển; Xí nghiệp kinh doanh Dịch vụ và Xử lý môi trường.
Thành viên HĐQT của Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng hiện có: Ông Phạm Thanh Phúc (Chủ tịch HĐQT); ông Võ Minh Đức (Tổng Giám đốc); bà Hoàng Thị Ngọc Hiếu (Phó Tổng Giám Đốc); ông Phan Công Tư; ông Nguyễn Văn Tuấn; ông Nguyễn Thành Nam.
Theo ghi nhận, Đến nay, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2023. Thông tin về tình hình tài chính mới nhất là dữ liệu của năm 2022.
Theo dữ liệu báo cáo tài chính năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận mức doanh thu khủng với 240 tỷ đồng, giảm nhẹ 14 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp thu về 19 tỷ đồng, giảm 5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
Chi phí quản lý doanh nghiệp đội lên gần 14 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở mức 5,9 tỷ đồng, giảm đến gần một nửa của năm 2021 (đạt 10,7 tỷ đồng).
Bản lưu chuyển tiền tệ cũng cho thấy, doanh nghiệp này đang đẩy mạnh tiền chi cho các hoạt động mua sắm xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác với 13,5 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, Môi trường đô thị Đà Nẵng cho thấy sự cân bằng giữa nợ (75 tỷ đồng) và vốn (75 tỷ đồng). Đáng lưu ý, nợ phải trả của doanh nghiệp này lại nằm chủ yếu ở nợ ngắn hạn với 65 tỷ đồng, trong khi đó nợ dài hạn chỉ ở mức 10 tỷ đồng.
Tài sản ngắn hạn tính đến thời điểm 31/12/2022 giảm từ 99 tỷ đồng xuống còn 77 tỷ đồng. Tuy nhiên, phải thu ngắn hạn của khách hàng là mục chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản ngắn hạn với 31 tỷ đồng.
(VNF) - Cầu vượt qua cửa biển Thuận An đang dần được hoàn thành, trên vùng cửa biển mênh mông, cây cầu và tuyến đường nổi lên như 1 nét chấm phá tuyệt đẹp. Công trình cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy phát triển vùng ven biển Thừa Thiên Huế. Xin giới thiệu những hình ảnh mới nhất về cầu vượt biển dài nhất miền Trung của tác giả Minh Tú tham dự cuộc thi 'Đánh thức những miền đất'.