Ngân hàng

BIDV giảm lợi nhuận, tăng dự phòng mùa Covid-19

(VNF) - BIDV đang chấp nhận giảm lợi nhuận để gia tăng "bộ đệm" dự phòng nợ xấu, trong bối cảnh hệ lụy từ dịch Covid-19 còn phức tạp và khó lường.

BIDV giảm lợi nhuận, tăng dự phòng mùa Covid-19

BIDV giảm lợi nhuận, tăng dự phòng mùa Covid-19

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 vừa được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) công bố cho thấy, lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 của ngân hàng này đạt 4.454 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự suy giảm này không nằm ngoài xu hướng chung của ngành trong bối cảnh các ngân hàng chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 từ nhiều phía.

Như trường hợp của BIDV, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm khiến dư nợ cho vay của ngân hàng này chỉ tăng 2% trong nửa đầu năm nay. Cùng với các biện pháp giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, đồng thời việc các khoản nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN không được ghi nhận lãi dự thu đã khiến thu nhập lãi (biểu thị doanh thu thuần mảng tín dụng) của BIDV chỉ tăng 3,4%.

Trong khi đó, chi phí lãi (biểu thị giá vốn của mảng tín dụng) lại tăng tới 10,3% (một phần do chi phí trả lãi trái phiếu tăng vốn cấp 2 tăng mạnh) đã khiến chênh lệch thu nhập lãi - chi phí lãi, hay thu nhập lãi thuần, từ mảng tín dụng giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống gần 16.100 tỷ đồng.

Bù đắp cho sự suy giảm nguồn thu tín dụng, các hoạt động phi tín dụng đem về cho BIDV tổng cộng gần 6.000 tỷ đồng lãi thuần trong nửa đầu năm nay, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do sự khởi sắc ở mảng mua bán chứng khoán đầu tư và mua bán chứng khoán kinh doanh.

Như vậy, tổng thu nhập hoạt động của BIDV đạt trên 22.000 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,8% so với 6 tháng đầu năm 2019. Trừ chi phí hoạt động và chi phí dự phòng, lợi nhuận trước thuế còn lại 4.454 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, như đã đề cập phía trên.

Một trong những thành quả đáng chú ý nhất của BIDV trong nửa đầu năm nay là việc ngân hàng này đã tất toán toàn bộ trái phiếu tại VAMC. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất cuối tháng 6/2020 của BIDV ở mức 2%, tương đương tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2019 (tính cả nợ xấu tại VAMC).

Trong kỳ, nhờ vẫn tiếp tục giữ lượng trích lập dự phòng ở mức cao, trên 10.000 tỷ đồng, nên số dư dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tính đến cuối tháng 6/2020 của BIDV tăng mạnh lên mức trên 18.200 tỷ đồng (nửa đầu năm, ngân hàng dùng 4.485 tỷ đồng dự phòng để xóa nợ xấu). Điều này đã giúp BIDV nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/nợ xấu) lên mức 80%, từ mức 64% cuối năm 2019.

Tựu trung, BIDV đang chấp nhận giảm lợi nhuận để gia tăng "bộ đệm" dự phòng nợ xấu, trong bối cảnh hệ lụy từ dịch Covid-19 còn phức tạp và khó lường.

Tin mới lên