Tài chính quốc tế

Biển Đỏ ‘dậy sóng’: Chi phí vận chuyển từ Á sang Âu tăng 400%

(VNF) - Theo Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni, sự gián đoạn trong vận chuyển qua Biển Đỏ đã làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa trên một số tuyến đường từ Trung Quốc đến châu Âu lên khoảng 400%.

Biển Đỏ ‘dậy sóng’: Chi phí vận chuyển từ Á sang Âu tăng 400%

Ông Paolo Gentiloni cho biết sự gián đoạn ở Biển Đỏ đã khiến thời gian giao hàng trên một số tuyến đường tăng lên tới 15 ngày.

Ông Gentiloni bày tỏ hy vọng rằng các cuộc khủng hoảng trên một trong những tuyến thương mại quan trọng nhất thế giới sẽ không dẫn đến lạm phát gia tăng đáng kể ở EU, nhưng nói thêm rằng “sự gián đoạn nguồn cung hơn nữa có thể dẫn đến giá cao hơn”.

Tuyến đường qua Biển Đỏ kết nối châu Á tới châu Âu, qua kênh đào Suez và Địa Trung Hải, được xem là huyết mạch của thương mại quốc tế. Kênh đào Suez xử lý khoảng 12% thương mại toàn cầu và các tàu đi từ châu Á tiếp cận kênh đào qua eo biển Bab-el-Mandeb rộng 30km.

Khoảng một nửa số hàng hóa vận chuyển qua kênh là hàng container. Tuyến đường này cũng rất quan trọng với các chuyến hàng dầu từ vịnh Ba Tư đến châu Âu và Bắc Mỹ.

Phiến quân Houthi có trụ sở tại Yemen đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào các tàu thương mại di chuyển qua Biển Đỏ kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Israel-Hamas vào tháng 10. Hoạt động của Houthi nhằm đáp trả việc Israel bắn phá Gaza.

Do đó, nhiều công ty vận tải biển lớn đã ngừng sử dụng Kênh đào Suez và thay vào đó chuyển hướng tàu quanh Mũi Hảo Vọng ở miền nam châu Phi. Ông Gentiloni cho biết điều này có thể kéo dài thời gian vận chuyển trên biển thêm từ 10 đến 15 ngày.

Thời gian vận chuyển kéo dài sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến thời gian xử lý hàng tại các cảng ở Anh và trung tâm lớn ở châu Âu như Rotterdam, Antwerp hay Hamburg. Với tuyến dài hơn đó, họ phải đối mặt với nhiều vấn đề về tiếp nhiên liệu và mua đồ bổ sung, vì nạn quan liêu, quá tải và cơ sở vật chất kém.

Các hãng tàu lớn như Maersk của Đan Mạch hay Hapag-Lloyd của Đức đã tạm dừng mọi hoạt động vận chuyển qua khu vực cho đến khi có thông báo mới.

Các cuộc tấn công cũng được cho là đã khiến giá container trung bình tăng gấp đôi trên toàn cầu trong tháng qua, trong khi giá cước tàu chở nhiên liệu đến một số điểm đến đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm.

Tháng trước, các ngoại trưởng EU đã đạt được thỏa thuận dự kiến ​​triển khai sứ mệnh hải quân ở Biển Đỏ để bảo vệ các tàu chở hàng. Đức, Pháp và Ý đề xuất động thái này nhằm đáp lại yêu cầu từ Hà Lan, nơi ngành vận tải biển bị ảnh hưởng đặc biệt bởi các cuộc tấn công.

Xem thêm >> Nguồn cung dầu mỏ toàn cầu giảm mạnh trong tháng 1

Tin mới lên