Ngân hàng

Biến số đe dọa tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng 2023

(VNF) - Các ngân hàng đang chuẩn bị kế hoạch kinh doanh trình đại hội cổ đông thường niên 2023. Xu hướng các ngân hàng đều thận trọng khi đưa ra kế hoạch tăng trưởng 2023, nỗi lo về các biến số khó lường đã được phản ánh vào triển vọng kinh doanh của các tổ chức tín dụng năm 2023.

Biến số đe dọa tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng 2023

Tăng chậm lại sau thời bùng nổ

Nếu như 2022 được coi là đỉnh cao của thời kỳ tăng trưởng lợi nhuận bùng nổ của khối ngân hàng thì 2023 dường như là năm bắt đầu một chu kỳ mới - tăng trưởng chậm lại.

Kế hoạch sợ bộ năm 2023 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đặt mục tiêu tăng lợi nhuận tối thiểu 12% so với năm trước, ước vượt 41.000 tỷ đồng. Đây là mức thấp so với kết quả 2022 khi Vietcombank ghi nhân nhuận lũy kế cả năm của Vietcombank đạt kỷ lục 37.359 tỷ đồng, tăng 35,9% so với năm 2021.

Trong kế hoạch trình ĐHCĐ, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2023 đạt 2.400 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với năm trước. Trong khi đó, năm 2022, nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận cả năm tăng 25% so với năm 2021, ở mức 2.250 tỷ đồng và thực tế đạt được cao hơn mục tiêu đề ra.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 12.200 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm trước. Mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến này của VIB chỉ bằng một nửa so với thực tế năm 2022 là 32%.

Eximbank cũng đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 35% so với mức đạt được của năm 2022. Trong năm 2022, Eximbank là ngân hàng có lợi nhuận trước thuế tăng trưởng nhanh nhất hệ thống khi đạt 3.709 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần năm 2021.

Một khảo sát mới đây của NHNN cũng cho thấy, các TCTD tỏ ra thận trọng hơn khi dự báo cho thời gian tới với 56,4 - 75,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022; 95,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022; có 2,8% TCTD dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi so với năm 2022.

Trong khi đó, phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng trong năm 2023 có thể đạt 13,7%, bằng một nửa tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2017-2021 (28%) và cao hơn giai đoạn 2014-2015 (11,3%). Trong kịch bản tiêu cực, các ngân hàng này có thể chỉ tăng khoảng 10% trong năm nay.

Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho rằng, sự thận trọng của các ngân hàng xuất phát từ triển vọng không mấy sáng sủa của nền kinh tế. Có rất nhiều biến động tiêu cực không lường trước được, khiến cho kinh tế thế giới trở suy yếu. Kinh tế Việt Nam ngày càng mở, hội nhập sâu rộng nên chắc chắn chịu tác động lớn hơn giai đoạn trước đây. Triển vọng đó khiến các ngân hàng phải tăng cường dự phòng như tăng dự phòng về thanh khoản kéo theo chỉ số LDR hạ thấp xuống, chi phí vốn tăng lên... Trong khi, rủi ro nợ xấu tiềm ẩn tăng cao trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do những biến động bất lợi của thị trường... Điều này khiến lợi nhuận của các ngân hàng sẽ khó duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như năm 2022.

Những biến số khó lường

Những khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng 2023 được chỉ ra là: NIM (biên lãi ròng) thu hẹp, chính sách tiền tệ bị thắt chặt và tăng trưởng tín dụng chậm lại, trong khi các TCTD phải đối mặt với những lo ngại về chất lượng tài sản. Theo báo cáo vừa công bố của WiGroup, năm 2023, các ngân hàng sẽ chịu nhiều áp lực tăng trưởng, những dấu hiệu suy yếu dần xuất hiện vào cuối năm ngoái. Số lượng các ngân hàng dễ bị tổn thương bởi nợ xấu đang tăng lên.

Phân tích của FiinGroup cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động liên tục tăng cao đẩy chi phí vốn của ngân hàng đội lên khiến tỷ suất tài sản sinh lời có thể tăng chậm hơn. Bên cạnh đó, việc cho vay có độ trễ tái định giá 3-6 tháng dẫn đến NIM có thể thu hẹp nhẹ trong 1-2 quý tới.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Hồng Điệp, trong hoạt động ngân hàng, 80% thu nhập đến từ việc cho vay. NHNN đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% trên toàn hệ thống,. Với mức trung bình này, ngành ngân hàng khó có thể kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận cao như những năm trước. Bên cạnh đó, lãi suất huy động đã bắt đầu tăng cao từ nửa cuối năm 2022 và khi NIM giảm, nếu không có thu nhập từ các mảng khác bù lại, lợi nhuận ngân hàng trong năm 2023 có thể sẽ không được tốt như các năm trước

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý, áp lực về đẩy mạnh cho vay do thị trường bất động sản hiện chiếm khoảng 20% tổng tín dụng đang gặp khó do thanh khoản thị trường bế tắc. Cùng với đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đang tăng lên do nhiều khoản cho vay bất động sản có thể trở thành nợ xấu nếu tín dụng vào lĩnh vực này tiếp tục bị thắt chặt.

Khi biên lợi nhuận suy giảm thì nợ xấu lại là 1 mối đe doạ khác tạo áp lực lên tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng lên sau khi Thông tư 14/2020/TT-NHNN về giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hết hiệu lực từ tháng 6/2022. Bên cạnh đó, nợ xấu tiềm ẩn từ tín dụng bất động sản, bao gồm cho vay chủ đầu tư bất động sản, cho vay người mua nhà và nợ xấu chéo từ trái phiếu bất động sản,... ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng. Sự suy yếu của ngành bất động sản và các ngành khác buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, nợ xấu có nguy cơ gia tăng.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia ước tính, nợ xấu nội bảng năm 2022 có thể tăng 2,3 - 2,5%, nợ xấu gộp khoảng 6%. Nợ xấu gộp có khả năng tiếp tục tăng nếu tình hình phục hồi kinh tế kém khả quan, nhất là khi từ năm 2024, quy định giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, năm 2023, bên cạnh khó khăn khi tín dụng được dự báo tăng thấp hơn và áp lực biên lãi thuần (NIM) thu hẹp thì một số dịch vụ vốn mang lại nguồn thu lớn cho ngành ngân hàng các năm trước, năm nay sẽ giảm tốc như phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, hoạt động trái phiếu chậm lại…

Có khoảng 16,1 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023-2024 chưa tìm được cách tháo gỡ là biến số đầy rủi ro tác động đến lợi nhuận ngân hàng. Cùng với trái phiếu, bảo hiểm thời gian qua đã đem lại không ít lợi nhuận cho các ngân hàng. Tuy nhiên, lòng tin người tiêu dùng với sản phẩm này trong thời gian gần đây cũng đã bị lung lay, sau một số vụ việc không hay.
 

Tin mới lên