Bimico: Lợi nhuận giảm 74%, dòng tiền âm, gánh nợ hơn 1.900 tỷ

Hà Giang - 31/07/2024 14:45 (GMT+7)

(VNF) - Quý II/2024,Bimico báo lãi sau thuế đạt 12,1 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và đầu tư âm.

Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Bimico, HoSE: KSB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024.

Theo đó, Bimico ghi nhận doanh thu đạt 150,3 tỷ đồng, giảm gần 6% so với cùng kỳ. Trong đó giá vốn bán hàng được tiết giảm gần 30%, xuống còn 56,4 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí tài chính; chi phí bán hàng; chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt là 63,6 tỷ đồng; 7,1 tỷ đồng; 16,4 tỷ đồng, tăng lần lượt là 40%; 208%; 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do các chi phí tăng mạnh, Bimico báo lãi sau thuế đạt 12,1 tỷ đồng, giảm hơn 74% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu do chỉ tiêu thu nhập khác giảm 20 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Bimico ghi nhận doanh thu thuần đạt 192,8 tỷ đồng, giảm hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 21,3 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2023.

Về lưu chuyển tiền tệ, trong 6 tháng đầu năm, Bimico ghi nhận lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 10,7 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 251,3 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý II/2023

Trong 6 tháng đầu năm, Bimico thu về hơn 610 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu và hơn 265 tỷ đồng tiền đi vay. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chi 650,8 tỷ đồng để thanh toán nợ gốc.

Tính tới ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Bimico ghi nhận ở mức 4.557 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với đầu năm, tập trung chủ yếu tại tài sản dài hạn là 2.965 tỷ đồng. Trong đó các khoản phải thu dài hạn là khoản mục lớn nhất, ghi nhận ở mức 1.069 tỷ đồng.

Về phía tài sản ngắn hạn, kết thúc quý II/2024, tiền và các khoản tương đương tiền của Bimico đạt 66,6 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, cuối kỳ, Bimico ghi nhận khoản đầu tư năm giữ đến này đáo hạn 8,4 tỷ đồng, trong khi hồi đầu năm không ghi nhận khoản mục này.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất của Bimico ở mức 889,6 tỷ đồng chủ yếu năm ở các công trình lớn là: Khu công nghiệp Đất Cuốc (194 tỷ đồng); Mỏ đá Tam Lập (155,4 tỷ đồng); Mỏ sét Phước Hoà (55,3 tỷ đồng); Mỏ đá Tân Mỹ (2,2 tỷ đồng); Khu cồng nghiệp Hoa Lư (128,5 tỷ đồng) và xây dưng cơ bản khác (54,2 tỷ đồng).

Phía bên kia bảng cân đối kế toán, Bimico ghi nhận 1.933 tỷ đồng nợ phải trả, giảm 15% so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 465,5 tỷ đồng. Cụ thể: Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (52 tỷ đồng); Ngân hàng TMCP Thương Tín (320,3 tỷ đồng); Ngân hàng TNHH Indovina (49,5 tỷ đồng); Công ty chứng khoán VNDIRECT (3,8 tỷ đồng); cá nhân ( 40 tỷ đồng ).

Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương có tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước có tên Công ty Khai thác Xuất khẩu Khoáng sản Sông Bé, doanh nghiệp được thành lập ngày 13/01/1993. Hiện nay, Bimico đang sở hữu nhiều mỏ đá trữ lượng lớn như: Tân Mỹ, Phước Vĩnh tại tỉnh Bình Dương; mỏ Thiện Tân 7 tại Đồng Nai… Một trong những mảng đầu tư khác của công ty chính là bất động sản khu công nghiệp.

Hiện, doanh nghiệp có trụ sở tại số 8 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Thuận Giao, TP. Dĩ An, Bình Dương do ông Phan Tấn Đạt là người đại diện pháp luật Ông Phan Tấn Đạt hiện còn đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP DRH Holdings (mã chứng khoán: DRH). Hiện, mã cổ phiếu DRH bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 11/07/2024, đơn vị này chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Cùng chuyên mục
Tin khác