'Bộ đôi hoàn hảo' của Masan làm ăn ra sao?

Thanh Long - 30/10/2020 22:39 (GMT+7)

(VNF) - Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang tin rằng chiến lược tích hợp mảng tiêu dùng bán lẻ đang bắt đầu gặt hái những trái ngọt đầu tiên. Sau khi về chung một mái nhà mang tên "The CrownX", Masan Consumer báo lãi quý III tăng tới 32%, trong khi VinCommerce đang tiến tới hòa vốn EBITDA, dự kiến ngay trong quý IV năm nay.

VNF
'Bộ đôi hoàn hảo' của Masan làm ăn ra sao?

"Chiến lược tích hợp mảng tiêu dùng bán lẻ đang bắt đầu gặt hái những trái ngọt đầu tiên khi VinCommerce sẽ đạt mục tiêu hòa vốn vào quý IV năm nay. Đây là cột mốc đầu tiên trong hành trình trở thành Tập đoàn tiêu dùng bán lẻ tích hợp online – offline hàng đầu”, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (Masan Group, HoSE: MSN) chia sẻ nhân sự kiện doanh nghiệp này công bố kết quả kinh doanh quý III và lũy kế 9 tháng năm 2020.

Người đứng đầu Masan bày tỏ rằng mặc dù không phải ai cũng đồng ý hay thấu hiểu tầm nhìn của Masan cho đến khi quá trình chuyển đổi hoàn tất nhưng ông tin rằng những thay đổi bứt phá của tập đoàn sẽ mang đến giá trị vượt trội cho người tiêu dùng.

Báo cáo tài chính của Masan cho thấy quý III/2020, tập đoàn này đạt doanh thu thuần 20.214 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 55.618 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần.

Lợi nhuận sau thuế quý III đạt 973 tỷ đồng, giảm 60%. Lũy kế 9 tháng đạt 811 tỷ đồng, giảm 82%.

Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang tin rằng chiến lược tích hợp mảng tiêu dùng bán lẻ đang bắt đầu gặt hái những trái ngọt đầu tiên

Đi sâu vào từng công ty con, "quân bài" chủ lực của Masan hiện tại là Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, UPCoM: MCH) ghi nhận tăng trưởng doanh thu cao, đạt 31%, lên 5.917 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ trên tất cả các ngành hàng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần tăng 29% lên 15.946 tỷ đồng.

Phía Masan Consumer cho biết xu hướng tiêu dùng đang thay đổi do ảnh hưởng của Covid-19, thay vì ăn tại hàng quán, người tiêu dùng có xu hướng ăn tại nhà, thể hiện qua tăng trưởng đáng kể của các loại thực phẩm tiện lợi và thịt chế biến.

Chi tiết hơn, ngành hàng Gia vị tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý III/2020, tăng 26,1% so với quý III/2019. Lũy kế, doanh thu ngành hàng đã tăng 14,3% trong 9 tháng năm 2020.

Danh mục nước mắm tăng trưởng doanh thu 23,8% trong quý III/2020. Việc cao cấp hóa danh mục sản phẩm chính với các thương hiệu nước mắm phổ thông được tái tung là động lực tăng trưởng chính. Trong khi đó, nước tương tăng 15,9% và tương ớt tăng 18,1%.

Hạt nêm tiếp tục gia tăng quy mô nhanh chóng, đạt tăng trưởng 2,3 lần vào quý III/2020 so với quý III/2019 và tăng 5,9 lần so với quý II/2020, đóng góp 7% vào doanh thu của toàn ngành hàng gia vị trong quý III/2020.

Ở ngành hàng Thực phẩm tiện lợi, doanh thu quý III/2020 tăng 27,5% so với quý III/2019.

Các giải pháp bữa ăn hoàn chỉnh tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng, với mức tăng lên đến 90% so với quý III năm 2019 và hiện chiếm 25% doanh số toàn phân khúc so với chỉ 17% trong quý III năm 2019.

Với ngành hàng Thịt chế biến, thương hiệu cao cấp “Ponnie” đạt tăng trưởng doanh thu 2,8 lần trong quý III/2020 so với quý III/2019. Trong khi đó, thương hiệu ở phân khúc phổ thông - “Heo Cao Bồi” tăng trưởng 52,2%, đưa tổng doanh thu ngành hàng tăng 77% trong quý III/2020.

Ở mảng Đồ uống, lượng khách đến cửa hàng giảm do ảnh hưởng của Covid-19 tiếp tục tác động đến tỷ lệ tăng trưởng của toàn thị trường, kết quả là ngành hàng chỉ đạt mức tăng trưởng doanh thu 6,6% trong quý III/2020.

Tăng trưởng doanh thu được thúc đẩy nhờ doanh thu các sản phẩm nước tăng lực tăng 11,1% trong quý III/2020 và tiếp tục mở rộng thị phần. Những sản phẩm nước tăng lực mới như Compact và Hổ Vằn đã mang lại hơn 20% doanh thu của ngành hàng nước tăng lực trong 9 tháng đầu năm 2020.

Nước tăng lực Hổ Vằn ra mắt vào tháng 1/2020 mang đến nhiều sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng với nhiều hương vị đa dạng và mở rộng danh mục nước tăng lực của Masan Consumer.

Một ngành hàng mới là Chăm sóc cá nhân và gia đình (HPC) cũng có đóng góp đáng kể vào doanh thu của Masan Consumer, khi đem về 385 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III/2020 và 879 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2020.

Phía Masan Consumer cho biết sản phẩm bột giặt “Joins 2 trong 1” ra mắt thị trường vào đầu tháng 9 đã gặt hái các kết quả kinh doanh đầy hứa hẹn. Dựa trên việc giới thiệu những sản phẩm đầu tiên trong ngành hàng HPC, Masan đặt mục tiêu xây dựng danh mục sản phẩm toàn diện trong ngành hàng này.

Ngoài ra, các ngành khác như bia tăng trưởng doanh thu 57,8% trong quý III/2020 và 39,1% lũy kế 9 tháng, nhờ vào chiến dịch ra mắt của bia “Red Ruby. Đối với các sản phẩm xuất khẩu, doanh thu tăng vọt lên 35,2%, chủ yếu đến từ các sản phẩm café hòa tan và bột ngũ cốc, gia vị và thực phẩm tiện lợi. Doanh số café hòa tan và bột ngũ cốc ở thị trường trong nước tăng 12,2%.

Kết thúc quý III/2020, Masan Consumer đạt lợi nhuận sau thuế 1.200 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.068 tỷ đồng, tăng trưởng 22%.

Trong quý IV/2020, mục tiêu của Masan Consumer là tiếp nối đà tăng trưởng hiện tại để đạt tăng doanh thu 25% - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Masan Consumer đang đặt kỳ vọng lớn vào giải pháp bữa ăn hoàn chỉnh

Một công ty con rất quan trọng trong hệ sinh thái mới của Tập đoàn Masan là Công ty TNHH Vincommerce -  đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng VinMart, VinMart+.

Phía VinComerce cho biết doanh thu VinMart+ đã tăng 38,4% trong quý III/2020 và tăng 56,5% trong 9 tháng năm 2020 dù đã đóng cửa 421 cửa hàng.

Tăng trưởng doanh thu/m2 trên cơ sở so sánh tương đương (LFL) lần lượt là 8,4% trong quý III và 11,2% trong 9 tháng đầu năm. Tăng trưởng LFL được thúc đẩy bởi giá trị hóa đơn trung bình tăng trưởng 18,1% trong quý III/2020, trong đó các cửa hàng tại TP. HCM có mức tăng trưởng nhanh nhất, đạt 25,4%.

Lượng khách đến cửa hàng giảm 7,9% trong quý III/2020 do ảnh hưởng của các biện pháp giãn cách xã hội đầu quý III, tuy nhiên lượng khách đến cửa hàng tại các thành phố cấp 2 tăng 2,6% do tác động của đại dịch ít rõ nét hơn tại khu vực này.

Kế hoạch cải thiện hiệu quả hoạt động chuỗi VinMart+, đặc biệt là tại TP. HCM đã bắt đầu mang lại kết quả tích cực, tăng trưởng doanh thu/m2 trên cơ sở so sánh tương đương đạt 14,9% trong quý III/2020 so với quý III/2019, tăng 25,4% giá trị hóa đơn trung bình, dù lượng khách đến cửa hàng giảm 7,9% do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Quan trọng nhất, biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) cấp cửa hàng đã cải thiện 4,9% đối với những cửa hàng mở cửa trước năm 2019, trên cơ sở so sánh tương đương (LFL).

Tăng trưởng doanh thu/m2 trên cơ sở so sánh tương đương của Hà Nội và các thành phố cấp 1 (Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng) đạt hơn 4%, trong khi tại các thành phố cấp 2 (ít bị ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh) doanh thu/m2 trên cơ sở so sánh tương đương tăng 15,7%.

Đối với các cửa hàng tại Hà Nội và các thành phố cấp 1, với hơn 60% doanh thu đóng góp vào mảng siêu thị mini, doanh thu/m2 đạt điểm hòa vốn hơn 7,5 triệu đồng/m2/tháng.

Mặc dù có sự cạnh tranh gay gắt, nhưng mức tăng trưởng doanh thu cao tại TP. HCM và các thành phố cấp 2 đã cùng nhau đóng góp 40% doanh thu của VinMart+ trong quý III/2020, tạo đà thuận lợi để hỗ trợ cho các mục tiêu của cả năm 2020 và xa hơn. Cửa hàng với mô hình bày trí mới ra mắt tại TP. HCM vào tháng 8/2020 được VinCommerce kỳ vọng sẽ tạo ra mô hình cửa hàng thành công cho TP. HCM trong thời gian tới.

Trong quý III/2020, việc đóng cửa các cửa hàng không đạt lợi nhuận tiếp tục tăng với 276 cửa hàng VinMart+ không đạt lợi nhuận được đóng cửa, gần phân nửa trong đó tại TP. HCM. Lũy kế 9 tháng, có 57 cửa hàng VinMart+ khai trương, trong khi có 421 cửa hàng đóng cửa. Hơn 80% số cửa hàng đóng cửa đặt tại TP. HCM và các thành phố cấp 2 có tỷ lệ doanh thu/m2 thấp hơn gần 50% so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn tại cửa hàng.

Tổng mức thua lỗ EBITDA của các cửa hàng VinMart+ bị đóng cửa là 202 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2020.

Đối với chuỗi siêu thị VinMart, doanh thu trong quý III/2020 tăng 5,4% so với quý II/2020 nhờ lượng khách đến siêu thị đã phục hồi. Tăng trưởng doanh thu/m2 đạt 8,3% so với quý trước, chủ yếu nhờ vào lượng khách tăng 9,3%. Tuy nhiên, doanh thu quý III/2020 vẫn thấp hơn 15,8% so với quý III/2019 do sự sụt giảm doanh số của các trung tâm thương mại thuộc Vincom Retail.

Hơn 95% doanh số sụt giảm là do các siêu thị VinMart thuộc Vincom Retail. Trước đây, các siêu thị VinMart thuộc Vincom Retail đóng góp 66% vào tổng doanh số của VinMart. Trong quý III/2020, con số này giảm còn 56%.

Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu/m2 của các siêu thị VinMart không thuộc Vincom Retail tăng 1,3% trong quý III và 4,1% trong 9 tháng năm 2020.

Đóng góp 48% tổng doanh thu của siêu thị VinMart, khu vực Hà Nội có tăng trưởng doanh thu/m2 đạt 4,3% trong quý III/2020 và 6,5% trong 9 tháng năm 2020 nhờ vào vị thế dẫn đầu của VinCommerce tại miền Bắc. TP. HCM, các thành phố cấp 1 và cấp 2 (những khu vực tập trung nhiều siêu thị thuộc Vincom Retail hơn) có mức tăng trưởng âm.

Trong 9 tháng, có 1 siêu thị VinMart mới được mở cửa và có 12 siêu thị đóng cửa. Tương tự, những cửa hàng này có tỷ lệ doanh thu/m2 thấp hơn 50% so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn tại cửa hàng.

Tổng mức thua lỗ EBITDA của các cửa hàng đã đóng cửa là 37 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020.

Về nhãn hàng riêng thuộc VinCommerce, trong quý III/2020, doanh thu bán lẻ của các nhãn hàng riêng tại siêu thị VinMart tăng 10,3% và 11,3% tại cửa hàng VinMart+.

Phía VinCommerce cho biết nhãn hàng riêng cũng là một trọng tâm của ban điều hành để tăng tốc trong 18 tháng kế tiếp với mục tiêu đóng góp hơn 20% doanh thu trong dài hạn.

Quý IV/2020, VinCommerce đặt mục tiêu đạt điểm hòa vốn EBITDA, đồng thời duy trì mức tăng trưởng doanh thu trên 10% so với quý III/2020 nhờ duy trì đà tăng trưởng doanh thu hiện tại, cùng với đó, cải thiện lợi nhuận gộp bằng cách tối ưu hóa danh mục sản phẩm và đàm phán lại các điều khoản với nhà cung cấp.

VinCommerce đặt mục tiêu hòa vốn EBITDA trong quý IV

Bên cạnh "bộ đôi hoàn hảo" Masan Consumer - VinCommerce (Masan Group đã gom "bộ đôi" này về thuộc quyền quản lý của The CrownX - doanh nghiệp do Masan Group sở hữu khoảng trên 84%, quyền chọn lượng cổ phần còn lại thuộc về Vingroup), cũng phải kể đến một doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng khác trong hệ sinh thái của Masan là Công ty Cổ phần Masan MEATLife (UPCoM: MML).

Doanh thu thuần của Masan MEATLife trong quý III/2020 đạt mức tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.210 tỷ đồng. Mảng trang trại và thịt đạt 583 tỷ đồng doanh thu trong quý III/2020, đóng góp 14% tổng doanh thu hợp nhất của Masan MEATLife.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 11.412 tỷ đồng, tăng trưởng 13%.

Lợi nhuận sau thuế quý III/2020 đạt 208 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lũy kế cả năm lại giảm 9,4%, đạt 293 tỷ đồng.

Đối với Công ty Masan High-Tech Materials (MHT, UPCoM: MSR), doanh thu thuần đạt 5.073 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2020, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu vonfram cao hơn do sáp nhập mảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck (HCS), bù đắp một phần cho giá thị trường thấp hơn. Doanh thu đồng tăng do đã xuất khẩu gần 62.000 tấn tinh quặng. Doanh thu florit giảm do lượng bán ra thấp hơn vì đơn hàng bị trì hoãn và giá thị trường thấp.

Trái ngược với mức tăng doanh thu, EBITDA của MHT giảm 35,9% trong 9 thángnăm 2020, phản ánh tác động của giá vonfram và đồng bán ra thấp hơn.

Kết thúc 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của MHT đạt 68 tỷ đồng, giảm 405 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng chuyên mục
Tin khác