Bộ KH&ĐT kiến nghị giảm phí trước bạ và gia hạn nộp thuế TTĐB đối với ôtô trong nước
Minh Đức -
28/08/2021 14:53 (GMT+7)
(VNF) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trong đó đề cập tới ngành ô tô trong nước.
Theo dự thảo, mục tiêu của nghị quyết là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giảm thiểu số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, sớm kiểm soát được dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh;
Phấn đấu đến hết năm 2021 đạt một số chỉ tiêu: luỹ kế khoảng 1 triệu lượt doanh nghiệp, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó đại dịch Ccovis-1, khoảng 160.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất;
Khoảng 50.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, hàng trăm nghìn doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động.
Theo dự thảo nghị quyết này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục gia hạn việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021.
Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động dịch bệnh để có thể xem xét tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp với diễn biễn của đại dịch Covid-19.
Nghị quyết dự thảo kiếnn nghị xem xét có thể tái áp dụng giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô trong nước
Trước đó, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 140/2016/NĐ-CP của Chính phủ về lệ phí trước bạ (LPTB), Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi một số quy định liên quan đến ưu đãi đối với xe ô tô điện chạy pin.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã đưa ra giải pháp là quy định ô tô điện chạy pin nộp LPTB lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu LPTB lần đầu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (tương đương từ 5% đến 7,5%) trong vòng 5 năm kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành và nộp LPTB từ lần thứ 2 trở đi với mức thu bằng mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (2%).
Bên cạnh giải pháp trên, Bộ Tài chính cũng đưa ra thêm hai giải pháp khác, đó là sau 5 năm kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành, mức thu LPTB đối với ô tô điện chạy pin bằng mức thu LPTB đối với ô tô cùng loại hoặc giữ nguyên quy định như hiện hành.
Bộ Tài chính kiến nghị ô tô điện chạy pin nộp LPTB lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu LPTB lần đầu đối với ô tô chạy xăng
Theo Bộ Tài chính, việc quy định miễn LPTB đối với xe ô tô điện chạy pin sẽ có tác động tích cực như đối với giải pháp thứ nhất. Tuy nhiên, giải pháp này cũng có tác động tiêu cực đến số thu LPTB của các dòng ô tô khác trong khi lại không thu được từ xe ô tô điện chạy pin, từ đó sẽ gây áp lực cho cân đối ngân sách nhà nước của địa phương.
Nếu giữ nguyên như hiện hành là ô tô điện chạy pin nộp LPTB bằng mức thu LPTB đối với ô tô cùng loại, Bộ Tài chính cho rằng quy định này tuy không gây tác động đến ngân sách nhà nước nhưng lại không khuyến khích tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện chạy pin thay thế ô tô chạy bằng xăng truyền thống, không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất xe ô tô điện chạy pin.
Như vậy là không phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp ô tô, trong đó có phát triển các dòng xe thân thiện môi trường để hướng tới phát triển xanh, bền vững cũng như không phù hợp với xu hướng của thế giới trong việc khuyến khích phát triển, sử dụng loại xe thân thiện với môi trường.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.