Tiêu điểm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xin được trả lại hơn 1.800 tỷ vốn đầu tư công

(VNF) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có 2 văn bản xin được trả hơn 1.808 tỷ đồng vốn đầu tư công. Đây là số vốn vay nước ngoài mà Chính phủ đã giao và bộ này không có nhu cầu sử dụng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xin được trả lại hơn 1.800 tỷ vốn đầu tư công

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ ngành vẫn đang rất ì ạch. (Ảnh minh họa)

Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về tình hình và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ ngành trong nửa đầu năm 2020. Đáng chú ý, theo báo cáo này còn tới 34 bộ ngành và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp dưới 20%. Trong đó, có 10 bộ ngành có tỷ lệ giải ngân chỉ đạt dưới 5%.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, một số cơ quan trung ương đến nay vẫn chưa giải ngân được bất kỳ đồng vốn đầu tư công nào (0%) như Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn doanh nghiệp Nhà nước...

Nhiều đơn vị cũng mới chỉ giải ngân được dưới 1% vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm như Đại học Quốc gia TP. HCM, Đài Truyền hình Việt Nam…

Đối với Ủy ban dân tộc, đơn vị này được phân bổ 81,7 tỷ đồng nhưng trong 6 tháng qua mới giải ngân được hơn 1 tỷ, chiếm 1,36% tổng vốn được giao; Bộ Ngoại giao mới giải ngân hơn 5 tỷ trên tổng số 294,9 tỷ đồng được giao, tương đương 1,75%...

Đáng chú ý, một số đơn vị được phân công đi kiểm tra tình hình thực hiện vốn đầu tư công như Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ mới thanh toán được 74,8 tỷ đồng trên tổng số 1.108 tỷ đồng vốn được giao, tương đương 6,75%, hay như Bộ Tài chính cũng chỉ đạt 20,8%.

Nhóm bộ ngành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 15% có thể kể đến là Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước...

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công thấp hiện nay là do phân bổ vốn chậm, dù hết 6 tháng nhưng có đơn vị chưa phân bổ vốn kế hoạch cho năm 2020. Bên cạnh đó, vướng mắc về cơ chế, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng đã làm chậm tiến độ các dự án.

Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ở các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài chính cũng chỉ rõ thủ tục phê duyệt đấu thầu còn kéo dài, tốn nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục.

Một số lý do như dự án đang chờ quyết toán hoàn thành, chờ tập trung hoàn thiện các hạng mục công trình, chưa hoàn thành thủ tục pháp lý… cũng làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn các dự án đầu tư công.

Theo cơ quan quản lý, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã có công văn gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị hoàn trả ngân sách 1,6 tỷ đồng vốn kế hoạch được giao. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng có văn bản về việc không có nhu cầu sử dụng hơn 1.808 tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn nước ngoài được giao.

Trong văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gửi Bộ Tài chính mới đây, tổng vốn kế hoạch năm 2020 của bộ này được Thủ tướng giao là 3.600 tỷ đồng thực hiện 25 dự án ODA. Ngay sau có quyết định giao vốn của Thủ tướng, cơ quan này đã phân bổ vốn để thực hiện giải ngân.

Tuy nhiên, căn cứ vào hiệp định vay, thỏa ước với các nhà tài trợ, kế hoạch vốn vay 2020 có thể giải ngân đến ngày 31/1/2021 của 25 dự án trên chỉ khoảng 1.830 tỷ đồng. Số vốn kế hoạch vốn vay nước ngoài thừa, không sử dụng là hơn 1.800 tỷ đồng.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Thủ tướng điều chuyển số vốn hơn 1.800 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài đã giao cho bộ sang các bộ, ngành và địa phương khác có khối lượng thực hiện và đảm bảo đủ điều kiện giải ngân. Tuy nhiên, đến nay, đề nghị này vẫn chưa được giải quyết.

Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, như VietnamFinance đã thông tin mới đây, Thủ tướng quyết định thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020. Trong số này có 5 đoàn do Thủ tướng và các Phó thủ tướng sẽ trực tiếp làm trưởng đoàn.

Cụ thể, đoàn công tác số 1 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn, kiểm tra các địa phương như TP. HCM, Đồng Nai; một số địa phương vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đoàn công tác số 2 do Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm trưởng đoàn, kiểm tra một số địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đoàn công tác số 3 do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh làm trưởng đoàn, kiểm tra một số địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Đoàn công tác số 4 do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng đoàn, kiểm tra Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số địa phương vùng Bắc Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ.

Đoàn công tác số 5 do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm trưởng đoàn, kiểm tra tại Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đoàn công tác số 6 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm trưởng đoàn, kiểm tra một số địa phương (không trùng với các đoàn công tác của Lãnh đạo Chính phủ).

Đoàn công tác số 7 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm trưởng đoàn, kiểm tra một số địa phương (không trùng với các đoàn công tác của Lãnh đạo Chính phủ).

Nội dung làm việc của các đoàn công tác là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; kiểm tra, đôn đốc, xử lý vướng mắc và các vấn đề phát sinh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020.

Thời gian kiểm tra từ ngày 18/7/2020 đến ngày 31/8/2020.

Tin mới lên