Tiêu điểm

'Sẽ chuyển vốn từ nơi không tiêu được tiền sang nơi có thể giải ngân'

(VNF) - Từ đầu tháng 8 tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân.

'Sẽ chuyển vốn từ nơi không tiêu được tiền sang nơi có thể giải ngân'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Quang Hiếu)

Phát biểu kết luận tại hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công, tổ chức ngày 16/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công là một "cứu cánh" đối với đại dịch Covid-19, chứ không phải đầu tư công là nạn nhân của Covid-19.

Qua các ý kiến tại hội nghị cũng như kiểm tra nắm tình hình, Thủ tướng cho rằng công tác chuẩn bị dự án, chuẩn bị đầu tư còn yếu kém, còn nhiều bất cập, trong đó số vốn còn lại chưa giao chi tiết cho các dự án là hơn 27.000 tỷ đồng, chiếm gần 6% kế hoạch. Trong giải ngân thì giải ngân vốn ODA là chậm nhất.

Giải ngân năm nay tốt hơn mấy năm trước, tăng 9% so với cùng kỳ, nhưng tình trạng trì trệ vẫn xảy ra. Có nhiều địa phương làm tốt, năng động, quyết liệt, cụ thể, nhưng còn một số bộ, ngành, địa phương trì trệ, chưa biết làm việc, không quyết tâm, không chỉ đạo hệ thống vào cuộc, tháo gỡ khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai các dự án.

Thủ tướng lấy ví dụ về Tiền Giang, tỉnh cam kết thông xe đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận vào cuối năm nay. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đối thoại với hàng trăm hộ dân trong diện phải giải tỏa, di dời. Một công trình trì trệ trong 5-7 năm trước thì bây giờ, trong vòng 1 năm đã làm được.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng cam kết bảo đảm giải ngân 100% số vốn được giao, trừ một số công trình cao tốc, phấn đấu giải ngân tối thiểu 70%. Bộ Xây dựng ban hành nhiều thể chế thuận lợi cho đầu tư xây dựng cơ bản, đã đình chỉ một số cán bộ làm chậm về thủ tục.

“Các đồng chí phải sờ gáy những người làm trực tiếp thì người ta mới lo làm việc, chứ chỉ nói chung chung thì khó có thể nêu cao tinh thần trách nhiệm. Động viên là cần thiết, nhưng phải quy trách nhiệm rõ ràng người đứng đầu, cán bộ trực tiếp thì mới hy vọng có sự chuyển biến tình hình”, Thủ tướng nhắc nhở.

Bên cạnh tháo gỡ khó khăn cho giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương phải tập trung hỗ trợ cho đầu tư xã hội, trước hết là đầu tư tư nhân và vốn FDI để thúc đẩy tăng trưởng.

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các bộ trưởng phải có một chương trình hành động cụ thể trong việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội ở ngành và địa phương mình. Chương trình ấy viết ngắn gọn với hành động mạnh mẽ và gửi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

"Các đồng chí phải lo việc tiêu tiền trên mảnh đất của mình, trên lĩnh vực, ngành mình quản lý”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh yêu cầu phải báo cáo 2 tuần một lần về giải ngân và kiểm tra, đôn đốc thực hiện.

Người đứng dầu Chính phủ quyết định sẽ điều chuyển vốn từ nơi không tiêu được tiền sang nơi có thể giải ngân được, nhất là nguồn vốn Trung ương, vốn ngân sách, kể cả vốn ODA. Từ đầu tháng 8 tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân.

Thủ tướng đề nghị gắn kết quả giải ngân với thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ, đi liền với đó là xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan không có chuyển biến.

Về vấn đề thủ tục, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành ở Trung ương phải tạo mọi điều kiện cho địa phương, tiếp tục phân cấp, giao quyền công khai, minh bạch. Bên cạnh công khai, minh bạch, Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng cơ bản.

“Tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, tới Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì bao nhiêu ngày phải giải quyết xong, chứ không để tình trạng là hồ sơ ngâm quá 1 tuần”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Tin mới lên