Tiêu điểm

Bỏ quy định nhà báo bị phạt khi 'livestream' tại toà

(VNF) - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Bỏ quy định nhà báo bị phạt khi 'livestream' tại toà

100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Dự thảo Pháp lệnh sau khi chỉnh lý, tiếp thu và trình thông qua đã không còn quy định: Phạt 15-30 triệu đồng nếu nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh phiên tòa hay ghi âm thanh của người tham gia tố tụng khi không được sự đồng ý của họ và phát trực tiếp trên không gian mạng.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất phạt tiền 15-30 triệu đồng với nhà báo, luật sư, trợ giúp viên pháp lý đưa tin sai sự thật nhằm cản trở hoạt động tố tụng của tòa án; phạt tiền 30-40 triệu đồng đối với nhà báo, luật sư, trợ giúp viên pháp lý đưa tin sai sự thật làm trì hoãn, kéo dài thời gian tiến hành hoạt động tố tụng của tòa án cũng bị bỏ ra khỏi Pháp lệnh.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, đối với nội quy phiên tòa, bộ luật Tố tụng dân sự và luật Tố tụng hành chính đều có quy định “nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ”.

Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định chung “mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa”.

Bà Lê Thị Nga cho rằng để đảm bảo thống nhất các quy định giữa Pháp lệnh với các luật tố tụng về hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã điều chỉnh các quy định xử phạt hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa.

Theo đó, khoản 4 Điều 23 về mức phạt tiền từ 1-7 triệu đồng, điểm c và điểm d được chỉnh lý như sau: "Ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự".

Sau phiên họp ngày 15/8, khi dự thảo về quy định liên quan đến phạt tiền đối với các hành vi nhà báo ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử không được sự đồng ý của chủ toạ phiên toạ được công bố, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra xung quanh quy định này.

Lý giải về quy định, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết ở phiên toà, những bên liên quan phải trình bày nhiều lý lẽ, nội dung , tình tiết và nếu phần trình bày này bị quay lại và livestream sẽ là vi phạm quyền con người, vi phạm quyền bảo vệ thông tin ca nhân.

Theo ông, quy định về ghi âm, ghi hình trong phiên toà không do ban soạn thảo tự nghĩ ra, mà được quy định trong nhiều luật khác nhau, như Luật Tố tụng dân sự, Tố tụng Hình sự, Tố tụng Hành chính.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình cũng cho biết, trong trường hợp tranh chấp về hợp đồng, giá trị tài sản ký kết nếu được đưa lên mạng xã hội qua hình thức livestream khi không được phép của người dân và những người tham gia phiên tòa là vi phạm quyền nhân thân.

Được biết, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được thông qua có bố cục gồm 4 chương, 48 điều, quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, pháp lệnh này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Pháp lệnh nêu rõ, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tổ chức đến 80 triệu đồng.

Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Pháp lệnh này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết với 100% thành viên có mặt tán thành thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Tin mới lên