Bộ Tài chính: Chưa đặt vấn đề cổ phần hóa Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam

Thanh Long - 24/08/2021 18:53 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Tài chính đề nghị thành lập Tổng công ty Lưu Ký Bù trừ Chứng khoán Việt Nam trên cơ sở sắp xếp lại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam để tiếp tục hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước. "Việc chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần chưa đặt ra do tính chất hoạt động, vai trò và vị thế của Tổng công ty đối với thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung", Bộ Tài chính cho hay.

VNF
Trụ sở Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD)

Bộ Tài chính vừa có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành liên quan đối với dự thảo Quyết định thành lập, tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (gọi tắt là "Tổng công ty LKBTCK").

Về mô hình hoạt động của Tổng công ty LKBTCK, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ đề nghị làm rõ về việc thành lập Tổng công ty theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và lộ trình cổ phần hóa.

Đối với vấn đề này, Bộ Tài chính cho hay theo quy định của Luật Chứng khoán 2019: (i) Khoản 1 Điều 52 quy định Tổng công ty LKBTCK là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; (ii) Khoản 2 Điều 52 giao Thủ tướng Chính phủ quyết định về mô hình hoạt động, hình thức sở hữu của Tổng công ty.

Bộ Tài chính cho biết để đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước đối với các Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quy định tại dự thảo Quyết định theo hướng thành lập Tổng công ty LKBTCK trên cơ sở sắp xếp lại VSD để tiếp tục hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước, tương tự như đối với Sở GDCK Việt Nam.

"Việc chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần chưa đặt ra do tính chất hoạt động, vai trò và vị thế của Tổng công ty đối với thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung", phía Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Cơ quan này cho biết thêm việc cổ phần hóa sẽ thực hiện theo đề án khi đảm bảo các điều kiện về hoạt động của thị trường chứng khoán và xác định được nhà đầu tư phù hợp.

Về việc tăng vốn điều lệ thành lập Tổng công ty LKBTCK lên 2.000 tỷ đồng (từ mức 1.000 tỷ đồng hiện nay đối với VSD), Bộ Tư pháp có ý kiến rằng lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty không thuộc danh mục lĩnh vực được đầu tư bổ sung vốn nhà nước. Đồng thời, theo quy định của Điều 52 Luật Chứng khoán, Tổng công ty không thuộc diện Nhà nước bắt buộc phải nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Đối với vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 91/20215/NĐ-CP, được sửa đổi tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp bao gồm: (i) doanh nghiệp nhà nước cung ứng sản phẩm, dịch vụ công tích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội; (ii) doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; (iii) doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; (iv) doanh nghiệp nhà nước ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Bộ Tài chính cho hay VSD là doanh nghiệp nhà nước cung cấp các dịch vụ đăng ký, lưu ký, thanh toán, bù trừ cho hoạt động của thị trường chứng khoán, thực hiện các nghiệp vụ đảm bảo quyền lợi của người gửi chứng khoán, người sở hữu chứng khoán. Theo quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019, Tổng công ty sẽ thực hiện chức năng đối tác bù trừ trung tâm cho thị trường chứng khoán (bao gồm cả chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh, thay vì chỉ thực hiện chức năng đối tác bù trừ trung tâm cho thị trường chứng khoán phái sinh như hiện nay).

Do đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng VSD cung cấp các dịch vụ độc quyền theo quy định tại Luật Chứng khoán và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

"VSD và sau này là Tổng công ty LKBTCK là doanh nghiệp nhà nước được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Chứng khoán, thực hiện chức năng cung cấp các dịch vụ chứng khoán, góp phần đảm bảo hoạt động ổn định của thị trường chứng khoán, hỗ trợ việc huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Do đó, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ khi thành lập Tổng công ty LKBTCK là cần thiết và phù hợp với quy định của Luật Chứng khoán, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp", Bộ Tài chính khẳng định.

Theo đó, cơ quan này báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép quy định về việc tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 5 Nghị định số 91 (các trường hợp doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ).

Cùng chuyên mục
Tin khác