Tiêu điểm

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu 4 giải pháp ngăn chặn tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân

(VNF) - Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng mua bán trái phép, thu thập, mua bán trái phép, rồi lộ lọt dữ liệu thông tin cá nhân trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã kiến nghị 4 giải pháp cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu 4 giải pháp ngăn chặn tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Trả lời chất vấn về lĩnh vực thông tin, truyền thông liên quan đến Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm đã đề cập đến 3 vấn đề cần phải làm rõ, gồm: những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng hiện nay, những giải pháp đặt ra; tình trạng mua bán trái phép dữ liệu, thông tin cá nhân, giải pháp ngăn chặn, xử lý; một số vấn đề về kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng hiện nay. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công an hiện nay có 5 nhóm vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng.

Theo đó, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết cần tiếp tục thực hiện đồng bộ những giải pháp như tham mưu đẩy mạnh các hoạt động của Ban Chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia, hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành để giải quyết những vấn đề thực tiễn một cách cơ động, linh hoạt, đồng bộ, thống nhất và có hiệu quả.

Thứ hai là tập trung tham mưu để hoàn thiện hành lang pháp lý trên lĩnh vực an ninh mạng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn quản lý nhà nước về an ninh mạng.

Thứ ba là nâng cao trình độ, năng lực và quan tâm đầu tư trang bị công cụ, phương tiện nghiệp vụ hiện đại để theo kịp sự phát triển của khoa học, công nghệ của thế giới cho lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Thứ tư là tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ học hỏi kinh nghiệm trong vấn đề bảo đảm an ninh mạng của quốc tế, của thế giới đối với Việt Nam.

Về tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu và thông tin cá nhân, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết tình trạng thu thập, mua bán dữ liệu cá nhân hiện nay đang diễn ra một cách rất phức tạp. Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng mua bán trái phép, thu thập, mua bán trái phép, rồi lộ lọt dữ liệu thông tin cá nhân trên không gian mạng, Bộ trưởng kiến nghị 4 giải pháp.

Một là phải hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách đặc thù về bảo vệ an ninh, an toàn thông tin mạng, trong đó đã đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sớm cho ý kiến về dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân. 

Thứ hai là các ban, bộ, ngành, các địa phương chủ động đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh hệ thống, an ninh thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, kiểm soát chặt chẽ quy trình bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ, lưu trữ thông tin dữ liệu cá nhân.

Thứ ba là phải xây dựng chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, an ninh dữ liệu để bố trí đội ngũ nhân sự có khả năng, có năng lực để hoàn thành được nhiệm vụ này, không chỉ riêng đối với cơ quan của Bộ Công an mà với các cơ quan có liên quan đến vấn đề bảo vệ dữ liệu đều phải làm việc này.

Thứ tư là đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực an ninh mạng, an ninh dữ liệu và mở rộng quan hệ hợp tác với quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp, bảo mật an ninh mạng hàng đầu trên thế giới và tích cực tham gia xây dựng các sáng kiến, các cơ chế phối hợp, các Bộ quy tắc, tiêu chuẩn về dữ liệu bảo vệ an ninh mạng và an ninh dữ liệu.

Về công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về định cư cũng như kết nối. Hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức triển khai kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 12 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và Ủy ban nhân dân của 15 địa phương.

"Tuy nhiên, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương còn gặp một số khó khăn", Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ.

Trong đó, hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương chưa bảo đảm, thiếu đồng bộ, chưa có hệ thống để kết nối, chưa triển khai đầy đủ các phương án đảm bảo an toàn thông tin được xác nhận để có thể kết nối với dữ liệu. 

Bên cạnh đó, cũng có nhiều bộ, ngành, địa phương chưa số hóa dữ liệu, quy trình phục vụ cho triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. "Cho nên, dù đã kết nối nhưng cơ sở dữ liệu quốc gia, kết quả khai thác còn rất hạn chế. Các ngành, các địa phương muốn có kết nối phải có trung tâm dữ liệu, phải bảo đảm an toàn thì mới kết nối được", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ cùng với các đơn vị, bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát kết nối này để phục vụ nhân dân. "Theo kinh nghiệm chúng tôi đã làm cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư là nếu đã có cơ sở dữ liệu, phải đảm bảo đúng 4 nguyên tắc là đúng, đủ, sạch, sống. Nếu thiếu những yếu tố này trong cơ sở dữ liệu quốc gia thì không thể hoàn thiện để thực hiện được", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về tiện ích của tài khoản định danh điện tử, từ ngày 8/7/2002, Bộ Công an đã công bố hệ thống định danh xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức. "Đây là một bước tiến mới đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia. Tính đến ngày 1/11/2022, chúng tôi đã cấp 12.020.887 hồ sơ định danh điện tử cho công dân Việt Nam", Bộ trưởng chia sẻ thêm.

Tin mới lên