Tiêu điểm

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: ‘Dân số ‘vàng’ nhưng chất lượng lao động chưa ‘vàng’’

(VNF) - Nói về chất lượng nguồn nhân lực ở thời điểm hiện tai, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung bày tỏ sự tiếc nuối: “Chúng ta đang trong giai đoạn dân số vàng nhưng chất lượng lao động lại chưa phải vàng. Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,1%; cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: ‘Dân số ‘vàng’ nhưng chất lượng lao động chưa ‘vàng’’

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Bước sang năm 2023, người lao động và doanh nghiệp vẫn kỳ vọng thị trường lao động sẽ ngày càng phát triển bền vững, ổn định và là bệ đỡ vững chắc cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Nhân dịp Xuân Quý Mão, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung đã có những chia sẻ về một số nội dung trọng tâm công tác lao động, người có công và xã hội trong năm mới 2023….

- Nhìn lại năm 2022, ngành LĐTBXH đã nỗ lực vượt bậc, Thủ tướng Chính phủ đánh giá ngành đã tham mưu và tổ chức tốt bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, dưới góc độ là tư lệnh ngành, có điều gì khiến ông còn thấy chưa hài lòng, trăn trở?

Nhìn lại lại năm 2022, có thể thấy, điều đáng mừng là chúng ta không để xảy ra đứt gãy thị trường lao động, góp phần cung ứng nguồn nhân lực để phát triển kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức về vấn đề xã hội phía trước chúng ta cần phải giải quyết trước mắt trong năm 2023 và thời gian tới, đó là:

Thứ nhất, đó là vấn đề già hoá dân số. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo của Tổng cục Thống kê cho biết, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm trên 20% tổng dân số. Già hóa dân số nhanh sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có vấn đề quan trọng như: thị trường lao động, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi... 

Thứ hai là sự thay đổi trên thế giới về vấn đề việc làm. Đó chính là vấn đề di cư, di biến động, việc làm có chất lượng và tiền công thoả đáng.

Thứ ba là vấn đề biến đổi khí hậu đe doạ tới sinh kế của người dân, đặc biệt là khu vực dễ tổn thương như nông nghiệp, nông dân, dân tộc thiểu số,...

Thứ tư là vấn đề việc làm phi chính thức, tỷ trọng lao động trong khu vực phi chính thức vẫn ở mức cao, phần đông người lao động Việt Nam vẫn phải đang chấp nhận làm các công việc dễ tổn thương. Theo thống kê, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước 6 tháng đầu năm 2022 là 55,9%, đó là một thử thách đối với hệ thống an sinh xã hội trên các phương diện như: bảo hiểm xã hội, năng suất thấp, khả năng tiếp cận hỗ trợ từ thị trường lao động,...

Thứ năm là vấn đề hiện thực hoá khát vọng vươn lên của đất nước, phát triển kinh tế xã hội đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới và thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chính sách xã hội với yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp cùng với cách tiếp cận mới, sáng tạo cho những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.

Chỉ có nguồn nhân lực có chất lượng cao, với số lượng và cơ cấu hợp lý, giàu trí tuệ, giàu ý chí và khát vọng, sẽ là động lực để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay…..

- Thưa Bộ trưởng, đại dịch Covid-19 đang đẩy nhanh tốc độ tự động hoá, hiện đại hoá trong sản xuất. Vậy cần phải có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực?

Để phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao cần chú trọng gắn kết 3 khâu: đào tạo, sử dụng, đãi ngộ. Việc đào tạo phải dựa trên xu hướng, nhu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đúng địa chỉ sử dụng; tiếp cận cách làm hay của thế giới.

Hiện nay, chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn dân số "vàng" nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là "vàng". Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,1%; cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường.

Mục tiêu xuyên suốt của chúng ta là phải đầu tư cho con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Tất nhiên, trong đó có bài toán cân đối cung - cầu lao động sao cho hiệu quả. Vừa rồi, chúng ta đã và đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để phục hồi, ổn định thị trường lao động sau đại dịch Covid-19.

Năm 2023, Bộ LĐTBXH tiếp tục thực hiện những giải pháp đảm bảo khả năng để cung ứng nhân lực theo yêu cầu của các doanh nghiệp, của thị trường… khẳng định với các nhà đầu tư nước ngoài tính minh bạch của thị trường lao động Việt Nam, hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đủ điều kiện, khả năng để cung ứng nhân lực theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực.

Thời gian tới, chúng ta phải ra quyết định nhanh hơn, xử lý lượng thông tin lớn hơn, phải thay đổi tư duy để phản ứng nhanh và chính xác để phù hợp với xu thế của thời đại. Ngành LĐTBXH cũng cần phải chủ động đổi mới tư duy, đổi mới phương thức làm việc, chủ động trong công tác dự báo, linh hoạt ứng phó với những biến động có thể xảy ra.

Năm 2023, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu, sửa đổi hệ thống pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội và chính sách tiền lương, hướng tới đảm bảo việc làm bền vững và thỏa đáng cho tất cả mọi người, thích ứng với những thách thức mới của thị trường lao động, đồng thời phù hợp với tuyên bố của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong công việc.

Trong đó, tập trung phát triển thị trường lao động và đào tạo các kỹ năng mới, gắn kết cung -cầu, hướng tới việc làm xanh và bền vững…Đảm bảo quyền của người lao động tại nơi làm việc dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy việc làm thỏa đáng và bền vững bằng những cách tiếp cận mới để cải thiện chất lượng đời sống lao động, đảm bảo an ninh con người, cơ hội bình đẳng và công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau….

- Năm 2023 được dự báo tiếp tục là một năm nhiều khó khăn, thách thức. Vậy nhiệm vụ trọng tâm của ngành LĐTBXH là gì thưa ông? và để thực hiện nhiệm vụ đó Bộ trưởng sẽ tập trung ưu tiên những giải pháp nào?

Trước mắt, năm 2023, Bộ nỗ lực tham mưu Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành một nghị quyết về chính sách xã hội giai đoạn 2023 - 2035, tầm nhìn 2045 với mục tiêu ở tầm nhìn xa để phát triển chính sách toàn diện, bền vững, hiện đại.

Tiến hành nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, hình thành lưới an sinh xã hội theo yêu cầu đổi mới và phát triển, đảm bảo nâng cao khả năng phòng ngừa, chống chịu và khắc phục rủi ro của nhân dân; thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng, nâng cao hiệu quả an ninh, an sinh của người dân, tạo môi trường để mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp và thụ hưởng thành quả của cách mạng.

- Đó là những giải pháp trước mắt, vậy, về lâu dài, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục có những giải pháp như thế nào để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, thưa Bộ trưởng?

Về lâu dài, Bộ tiếp tục rà soát hoàn thiện toàn bộ khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách để xây dựng và hình thành từng bước thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ và hiện đại, thúc đẩy tăng năng suất lao động từ nền tảng lực lượng nhân lực khoa học công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia.

Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xã hội và huy động nguồn lực xã hội trong việc thực hiện các chính sách xã hội.

Triển khai toàn diện thiết thực, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nhất là người có công, đối tượng yếu thế và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chăm lo, tạo môi trường an toàn để bảo đảm phát triển đầy đủ quyền của trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Hoàn thiện hệ thống thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu về các nhóm đối tượng, bảo đảm liên thông giữa địa phương với trung ương, giữa các ban, ngành.

Với quan điểm bao trùm, có tầm nhìn xa vài chục năm, đó là cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý mạnh, cách tiếp cận vòng đời với phạm vi tổng quát cho tất cả các nhóm đối tượng, hệ thống chính sách xã hội tích hợp, tăng cường đầu tư vào dịch vụ công chăm sóc dựa vào cộng đồng. Xác định khoảng trống an sinh xã hội với nhóm đối tượng dễ tổn thương, bao gồm lao động phi chính thức, lao động di cư, lao động khu vực dịch vụ xã hội, đảm bảo cách tiếp cận theo quyền, theo Công ước quốc tế và Hiến pháp của Việt Nam...

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tin mới lên