Tiêu điểm

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: 'Vì dân nên có những lúc bất chấp nguyên tắc'

(VNF) - Làm rõ về vấn đề như bổ sung vốn viện trợ nước ngoài chưa có trong dự toán và thực tế những khoản này đã chi, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết nhiều khi cũng phải "vì dân, cho nên có những lúc phải bất chấp nguyên tắc, cho xuất hàng, chi trước, quyết toán sau".

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: 'Vì dân nên có những lúc bất chấp nguyên tắc'

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khoá XV.

Sáng 9/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung liên quan tới điều chỉnh, điều chuyển vốn ngân sách. Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu.

"Vì dân nên có những lúc bất chấp nguyên tắc"

Cụ thể, làm rõ về vấn đề như bổ sung vốn viện trợ nước ngoài chưa có trong dự toán và thực tế những khoản này đã chi, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết những khoản viện trợ của nước ngoài là những khoản viện trợ không có dự toán trước, bởi vì quyền cho là quyền của các tổ chức nước ngoài.

"Thường là khi có một sự biến động gì đấy họ mới tài trợ cho mình. Khi họ thông báo tài trợ thì lúc đấy chúng tôi thông báo cho địa phương hoặc trực tiếp tài trợ cho các tỉnh. Thường các khoản chi này nhỏ lẻ và bất thường, cho nên không có dự toán từ trước", ông Phớc nói.

Ông Phớc cũng cho biết đặc thù của các năm 2020, 2021, 2022 chủ yếu là tài trợ cho Covid. Tài trợ cho Covid thì các tổ chức quốc tế và các nước tài trợ thiết bị y tế, kit test, vaccine, cho nên gần như nhập trực tiếp vào cho các tỉnh, đặc biệt là TP. HCM và Hà Nội. Các tỉnh sau khi tiếp nhận phục vụ để chống dịch thì mới tập hợp gửi về cho Bộ Tài chính.

"Chúng tôi nhiều khi cũng phải vì dân, cho nên có những lúc phải bất chấp nguyên tắc", ông Phớc nhấn mạnh.

Nêu thực tế thời điểm dịch Covid làm rất nhiều người chết tại TP. HCM, ông Phớc cho hay theo quy định của luật pháp phải có đầy đủ hồ sơ, thủ tục thì Tổng cục Hải quan mới cho xuất hàng, cho thông quan. "Lúc đó thiết bị y tế, kit test và vaccine về, nhà tài trợ thông báo, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Công an, Bệnh viện Chợ Rẫy xin nhận nhưng Cục hải quan TP. HCM không cho nhận", ông Phớc nói.

"Tôi đã gọi điện do Cục trưởng Cục Hải quan TP. HCM nói phải cho Ban chỉ đạo chống dịch nhận để phục vụ dân, còn tôi sẽ chịu trách nhiệm, nhưng họ cũng không cho xuất. Tôi nói nếu ngày hôm nay không xuất thì phải chịu trách nhiệm, trả chức cho bộ, lúc đấy mới cho Bộ Y tế, cho bệnh viện Chợ Rẫy nhận", ông Phớc kể lại.

Theo ông, tuỳ vào tình hình thực tế, có những lúc phải đảm bảo phục vụ dân, tức là cho xuất hàng trước và hoàn thủ tục sau.

"Khi thủ tục đấy xuất đi rồi mà hàng sau này quyết toán không đầy đủ có khi mình lại phải chịu trách nhiệm, nhưng cũng may sau này tập hợp hồ sơ để thông quan một cách đầy đủ. Xin báo cáo với đại biểu và báo cáo với Quốc hội như vậy để cũng thấu hiểu", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói thêm.

Về vấn đề điều chỉnh dự toán vay của nước ngoài, ông Phớc cho biết việc điều chỉnh dự toán này mà đưa sang năm 2023 là không được vì nó sẽ ảnh hưởng đến bội chi mà điều chỉnh dự toán này để đảm bảo tổng dự toán mà Quốc hội phê duyệt không thay đổi, dự toán về vay nước ngoài, không thay đổi và chúng ta có chính sách vay và cho vay lại.

Ông lấy ví dụ như là các tỉnh ở Tây Bắc thì có thể vay lại khoảng 10% hay 20% hoặc là các tỉnh ở vùng Đông Nam Bộ từ 20 đến 50% là vay lại. Còn lại ngân sách trung ương sẽ đảm bảo, ngoài hạn mức đấy thì sẽ không triển khai được.

"Vừa rồi có một số tỉnh triển khai không hết thì xin trả lại, có những tỉnh triển khai hết nhưng đang còn khối lượng muốn giải ngân cho nên muốn được điều chỉnh. Trên cơ sở đề nghị của các tỉnh chúng tôi tập hợp lại và báo cáo với Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm định, sau đấy báo cáo Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình ra Quốc hội để phê duyệt", ông Phớc nói.

Chế độ đặc thù của các bộ, ban ngành sẽ dừng lại khi thực hiện cải cách tiền lương

Đối với vấn đề điều chỉnh dự đoán của Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết về mặt nguyên lý khi tiết kiệm được chi thường xuyên để đưa vào đầu tư xây dựng cơ bản, hay nói cách khác là đầu tư phát triển là một việc làm có hiệu quả và là một việc tốt, giống như mình "thắt lưng buộc bụng" có tích lũy để đầu tư vào vấn đề sửa nhà, sửa cửa, sửa đường, trang thiết bị, đổi mới công nghệ.

Trả lời câu hỏi việc phân bổ dự toán có sự ưu ái không, thứ hai là đặc thù mà Quốc hội cho ngành hải quan và ngành thuế có phải ưu ái không? Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, tại nghị quyết của Quốc hội nhiệm kỳ trước không những quy định cho Tổng cục Hải quan, Tổng cục thuế mà còn quy định cho Kiểm toán nhà nước, cho Bảo hiểm xã hội, cho Ngân hàng Nhà nước và cho một số đơn vị đều được hưởng chế độ đặc thù này.

Ông Phớc cho biết Quốc hội cũng đã cho phép khi thực hiện cải cách tiền lương mới theo Nghị quyết 27 thì chế độ đặc thù của tất cả các bộ, ban, ngành sẽ phải dừng lại, không thực hiện nữa và sẽ thực hiện theo cơ chế tiền lương mới theo đúng Nghị quyết 27.

"Không phải chỉ có Hải quan và Thuế được nhận đặc thù này, chúng tôi là người điều hành chính sách tài khóa, tập trung tham mưu cho Chính phủ để thu ngân sách tốt nhất, đảm bảo cho vấn đề chi thường xuyên của bộ máy và đảm bảo nguồn kinh phí 1 năm khoảng 500.000 đến 700.000 tỷ chuyển cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phân bổ cho đầu tư công, đây phải nói là một nhiệm vụ rất nặng nề và chúng tôi cố gắng quyết tâm để hoàn thành.

"Như năm nay chúng tôi đã điều hành và vượt thu đến gần 400.000 tỷ, nếu cộng với khoảng 200.000 tỷ giảm thuế nữa thì chúng ta có hơn 2 triệu tỷ, trong khi dự toán chi ngân sách của chúng ta chỉ 1 triệu 784 ngàn tỷ. Báo cáo Quốc hội, lần đầu tiên trong lịch sử là chúng ta bội thu ngân sách. Tại sao chúng ta không phân bổ ngay từ đầu năm hay từ đầu kỳ những dự án này mà đến bây giờ mới đưa ra Quốc hội", ông Phớc nói.

Về việc chi đầu tư xây dựng trụ sở các Chi cục thuế, Hải quan, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết bây giờ nhiều tỉnh có xuất, nhập khẩu rất lớn nên muốn đặt các Chi cục Hải quan ở đấy. Muốn đặt Chi cục hải quan ở đấy thì phải có trụ sở. Muốn có trụ sở thì phải bố trí vốn để làm trụ sở.

"Chúng tôi có thể có thiết bị, có thể bố trí được người nhưng không bố trí được trụ sở. Bởi vì, trụ sở thì phải có vốn đầu tư công. Vừa rồi một số tỉnh đã xung phong làm trụ sở. Chúng tôi chỉ đưa máy móc, thiết bị, đưa con người, quy trình đến đảm bảo cho vấn đề xuất, nhập khẩu hàng hóa để tăng thuế cho đơn vị đó", ông Phớc nói thêm. 

Ông Phớc cũng cho biết đối với các cơ quan hải quan, cơ quan thuế, những trụ sở nào mình không sử dụng hay do nhập các huyện và các chi cục lại thì sẽ trả về cho địa phương hết, chuyển cho địa phương để địa phương bố trí cho các cơ quan hành chính.

Tin mới lên