Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Xã hội hóa y tế lâu nay sai phạm rất nhiều

Quang Phong - 27/05/2022 20:39 (GMT+7)

"Bấy lâu nay, xã hội hóa đối với ngành y bị sai phạm rất nhiều. Vì vậy, chúng tôi đang xây dựng nghị định liên doanh, liên kết, xã hội hóa lĩnh vực y tế để trình Chính phủ", Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

VNF
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, mục tiêu của việc sửa luật là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Cho ý kiến hoàn thiện dự luật, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP. HCM) tán thành cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn, cấp 5 năm một lần. Tuy nhiên đại biểu đoàn TP. HCM đề nghị có quy định cụ thể về cơ quan thẩm định chứng chỉ hành nghề là Hội đồng Y khoa Quốc gia. 

"Nếu không quy định rõ, trong nghề cãi nhau ai đủ tư cách vào hội đồng này. Hay cuối cùng Hội đồng Y khoa toàn những chức sắc to lớn trong ngành y. Mà ngành này có đặc trưng chưa chắc những thầy thuốc giỏi đã chịu chấp nhận về mặt chuyên môn được đánh giá bởi các Hội đồng Y khoa gồm toàn các nhà quản lý", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.

Cùng nội dung trên, đại biểu Lê Quang Đạo (Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) cho biết, dự luật quy định thi cấp phép hành nghề phải qua Hội đồng Y khoa Quốc gia thẩm định. Nhưng có nhiều vấn đề Hội đồng Y khoa Quốc gia chưa chắc đánh giá được năng lực của lực lượng này.

Đại biểu Lê Quang Đạo cho rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề với các y sĩ thì nên giao cho quân đội xác định, đánh giá và cấp giấy phép. Bởi họ là những "bác sĩ mang quân hàm xanh", nhận lệnh đeo ba lô lên đường, có người đi hơn chục xã để khám chữa bệnh cho dân.

Về giá dịch vụ khám chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội) dẫn dự luật giá dịch vụ được cấu thành từ ba nhóm chi phí, trong đó có loại "chi phí khác".

"Vừa qua trong xác định giá dịch vụ y tế có nhiều vấn đề. Luật lần này làm sao phải cụ thể hóa càng nhiều càng tốt để sau này xác định giá sẽ cụ thể hơn. Nếu không sẽ khó xác định "chi phí khác" là chi phí nào?", đại biểu Hà nói.

Liên quan nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần phải có cơ chế ứng xử khác nhau giữa các loại hình khám chữa bệnh công lập, tư nhân và xã hội. Về ý kiến cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân tự định giá dịch vụ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần thận trọng vì kinh nghiệm nhiều nước đã sai khi xã hội hóa y tế, giáo dục quá cao.

"Xã hội hóa cao sinh ra lạm dụng khoa học công nghệ, lạm dụng kỹ thuật cao, vô tình làm giảm hiệu lực, hiệu quả của y tế cơ sở, đẩy hết lên tuyến trên, làm áp lực tuyến trên. Và nếu không thanh tra, kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng sẽ dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực trong khám, chữa bệnh", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Làm rõ thêm vấn đề thi cấp chứng chỉ nghề, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khái quát việc sửa Luật khám bệnh, chữa bệnh lần này với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân.

"Việc sửa luật có nhiều điểm mới với mong muốn lớn nhất là làm thế nào để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Cho nên trong dự luật, chúng tôi luôn lấy người bệnh làm trung tâm", ông Nguyễn Thanh Long nói.

Về vấn đề đại biểu quan tâm, ông Nguyễn Thanh Long cho hay, trên thế giới có lẽ Việt Nam là nước duy nhất cấp chứng chỉ hành nghề y đến trọn đời. "Chúng ta cứ học xong, rồi thực tập 18 tháng, rồi căn cứ trên hồ sơ, giấy tờ thì cấp chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, không đánh giá được chất lượng của các bác sĩ khi ra trường sẽ hành nghề thế nào", ông Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, dự luật lần này quy định cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm, người muốn có chứng chỉ phải trải qua các kỳ thi. Điều này sẽ đảm bảo chuẩn chung của một bác sĩ hành nghề, đồng thời khuyến khích các y bác sĩ phải học tập, nâng cao năng lực suốt đời.

Về giá dịch vụ khám chữa bệnh, Bộ trưởng Y tế cho biết, hiện nay chúng ta chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, chúng ta mới chỉ tính 2/4 yếu tố cấu thành giá. Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế, xã hội, do mức đóng bảo hiểm y tế và nhiều yếu tố khác.

Dự luật lần này sẽ từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Cụ thể sẽ có nhiều yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế được đưa vào, từ đó khuyến khích các cơ sở y tế phát triển hơn chứ không cào bằng.

Nói về vấn đề xã hội hóa, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là vấn đề thực sự quan trọng đối với ngành y. "Bấy lâu nay, xã hội hóa đối với ngành y bị sai phạm rất nhiều! Vì vậy, chúng tôi đang xây dựng nghị định liên doanh, liên kết, xã hội hóa lĩnh vực y tế để trình Chính phủ", Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Theo Dân trí
Cùng chuyên mục
Tin khác