Xe

Bộ trưởng Tài chính: ‘Không nên bỏ bảo biểm bắt buộc với xe máy vì bảo vệ người nghèo’

(VNF) - Trong khi đại biểu Quốc hội nhìn nhận bảo hiểm bắt buộc với xe máy chỉ mang tính đối phó, chưa thiết thực, còn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, loại bảo hiểm này không nên bỏ bởi "bảo vệ người nghèo".

Bộ trưởng Tài chính: ‘Không nên bỏ bảo biểm bắt buộc với xe máy vì bảo vệ người nghèo’

Bộ trưởng Tài chính: ‘Không nên bỏ bảo biểm bắt buộc với xe máy vì bảo vệ người nghèo’

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 6/11, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về quyền lợi của người dân khi mua bảo hiểm xe cơ giới. 

Cụ thể, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe cơ giới đã góp phần khôi phục tài chính cho các tổ chức, cá nhân không may xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, cử tri đã nhiều lần phản ánh việc mua bảo hiểm bắt buộc đối với ô tô, xe máy chưa mang lại lợi ích thiết thực vì thủ tục bồi thường quá nhiều khó khăn và vô cùng phức tạp. Việc mua bảo hiểm loại này chủ yếu để cơ quan chức năng không xử phạt.

Vì vậy, bà Phúc đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra giải pháp để loại hình bảo hiểm này thực sự phát huy được lợi ích, bảo vệ quyền và lợi ích của người dân. Bà cũng chất vấn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc về đề nghị của người dân trong việc không bắt buộc mua bảo hiểm xe ô tô, xe máy mà để họ tự nguyện mua khi có nhu cầu?

Giải trình vấn đề này trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết vấn đề về bảo hiểm xe cơ giới được quy định tại Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo hiểm, như vậy đây là một hình thức bảo hiểm bắt buộc.

Theo ông Phớc trên thực tế cho thấy xe máy là phương tiện thường bị tai nạn, chiếm khoảng 64%. Từ năm 2021 đến tháng 9 năm nay thì các công ty bảo hiểm đã chi trả cho những người bị tai nạn gần 2.300 tỷ đồng.

"Điều đó cho thấy Luật Bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ đã bảo vệ người đi xe máy, bởi vì người sử dụng xe máy đa số là người nghèo. Khi họ bị tai nạn nếu ảnh hưởng tính mạng thì bảo hiểm được chi trả tối đa 150 triệu đồng, xe bị hư hỏng thì được bồi thường tối đa 50 triệu đồng. Vì vậy nên vấn đề bảo hiểm xe máy bắt buộc đã được quy định trong pháp luật", ông Phớc nhấn mạnh. 

Đối với vấn đề làm thế nào thuận lợi cho vấn đề chi trả bảo hiểm được thuận lợi, Bộ trưởng cho biết Nghị định 67 đã quy định các công ty bảo hiểm trong vòng 3 ngày phải chi trả bảo hiểm cho người dân bị tai nạn.

Bên cạnh đó các quy định cũng nêu rõ, nếu tai nạn gây ảnh hưởng tính mạng người dân thì mới cần gửi biên bản của cơ quan công an tới công ty bảo hiểm. Trong trường hợp tai nạn không ảnh hưởng tính mạng thì người dân chỉ cần gửi ảnh và các công ty bảo hiểm phải trả trong vòng 3 ngày. 

Tuy nhiên đối với câu hỏi về quan điểm có nên để loại hình bảo hiểm này chuyển từ bắt buộc sang tự nguyện thì Bộ trưởng Bộ Tài chính chưa đưa ra câu trả lời.

Tin mới lên