'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
VCCI đánh giá, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, bởi tỷ lệ chi trả quá thấp. Loại bảo hiểm này không chi trả cho người mua bảo hiểm (chủ xe), mà chi trả cho nạn nhân (bên thứ ba), nhằm đảm bảo cho người bị nạn luôn nhận được quyền lợi bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm, dù người gây ra tai nạn có điều kiện tài chính hay không.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm). Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với các loại bảo hiểm bắt buộc khác như ô tô khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%.
Số liệu vừa được Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam công bố cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 9/2022, doanh thu bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 3.221 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,5% tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ; giá trị bồi thường 562 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường là 17,4%. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 9.819 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,7% tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ; bồi thường 5.564 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 56,7%.
Pháp luật hiện hành quy định, bảo hiểm bắt buộc với xe máy là loại giấy tờ chủ phương tiện buộc phải có khi đi trên đường. VCCI cho rằng, đây là sự can thiệp bằng quyền lực hành chính của Nhà nước vào quyền tự do thoả thuận của người dân và doanh nghiệp - một trong những quyền dân sự được bảo vệ.
Theo Hiến pháp và Bộ luật Dân sự, quyền này chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng. Do đó, để hạn chế quyền này, cơ quan nhà nước phải chứng minh được rằng, lợi ích công cộng thu được từ việc hạn chế quyền vượt xa chi phí phải bỏ ra.
VCCI đề nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ xe máy. Việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác, sẽ dựa trên sự tự nguyện thoả thuận của các bên.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, anh Ngô Quang Minh ở quận Ba Đình, Hà Nội đồng tình với đề xuất của VCCI, vì cho rằng, sản phẩm bảo hiểm bắt buộc với xe máy chỉ mang lại lợi ích cho các công ty bảo hiểm. Trong khi đó, thủ tục nhận bảo hiểm không đơn giản, khó đáp ứng được ngay, mà doanh nghiệp bảo hiểm thì đòi hỏi phải có đầy đủ giấy tờ, thủ tục mới thanh toán như ảnh, biên bản, nhân chứng...
“Nên bỏ quy định chủ xe mô tô, xe máy bắt buộc phải mua bảo hiểm, người nào thấy cần thiết thì họ sẽ tự nguyện tham gia”, anh Minh nói.
Chị Trần Hương Lan ở quận Cầu Giấy, Hà Nội nhấn mạnh: “Đáng ra phải bỏ từ lâu rồi mới phải. Khi bảo hiểm là tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm nào thực sự mang lại lợi ích cho người mua sẽ tồn tại. Những doanh nghiệp bảo hiểm yếu kém, chỉ chực chờ thu tiền phí mà không nỗ lực chăm sóc khách hàng, cùng lo giúp khách hàng chi trả thì sẽ bị đào thải. Thế mới đúng quy luật cung - cầu”.
Có người còn nêu quan điểm, nên bỏ cả bảo hiểm bắt buộc đối với ô tô và chuyển hết sang hình thức mua tự nguyện, ai tham gia mới có quyền lợi, như vậy sẽ tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như chất lượng dịch vụ đền bù cho khách hàng.
Trong khi đó, đa số công ty bảo hiểm được hỏi đều phản đối đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy, lý do đưa ra là bảo hiểm nào cũng nhân văn, nếu bỏ thì khi xe máy đâm va gây thiệt hại lớn về tài sản và người cho bên thứ ba, nhiều chủ xe sẽ không có tiền để đền bù.
“Công ty bảo hiểm phản đối là dễ hiểu, bởi lâu nay, bảo hiểm bắt buộc xe máy là nguồn thu tốt, ít phải chi trả (tỷ lệ chi trả thường dưới 20% doanh thu), bù đắp cho khoản lỗ từ loại hình bảo hiểm tự nguyện là bảo hiểm vật chất xe”, một chuyên gia bảo hiểm nhận xét.
Ngược lại, một chuyên gia khác không đồng tình với đề xuất của VCCI khi tổ chức này lấy lý do thu nhiều, chi ít, không có tác dụng để loại bỏ sản phẩm bảo hiểm xe máy.
“Bảo hiểm xe máy ít tác dụng không phải là do không cần thiết, mà là không nhiều người biết đòi”, vị chuyên gia nói.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair nêu quan điểm: “Nên đưa ra đề xuất cách để ai cũng hiểu mà đi đòi quyền lợi bảo hiểm. Trường hợp thu nhiều, chi ít thì có thể đề xuất giảm phí từ 66.000 đồng xuống thấp hơn. Đến việc nạn nhân bị tai nạn giao thông được Quỹ bảo hiểm xe cơ giới hỗ trợ nhân đạo 15 - 45 triệu đồng mà hiếm người dân biết thì nên xem lại cách tuyên truyền của cơ quan chức năng, cơ quan hội, các doanh nghiệp bảo hiểm”.
Ông Xuân cho biết, hiện nay, công ty bảo hiểm phải tự lập hồ sơ tai nạn, chứ không phải cơ quan công an như trước đây, giúp việc đòi bồi thường bảo hiểm trở nên dễ dàng hơn.
Theo Bộ Tài chính, duy trì quy định mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với mô tô, xe máy là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhằm bảo vệ tất cả mọi người tham gia giao thông, phù hợp với xu thế trên thế giới.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chia sẻ, chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có những điểm ưu việt, tuy nhiên, trong quá trình thực thi cần có các thống kê, nghiên cứu để tiếp tục cải tiến, hướng đến sự hài lòng của người dân trên cơ sở kiểm soát rủi ro và phòng chống gian lận bảo hiểm.
Trên thị trường hiện nay, đa số công ty bảo hiểm phi nhân thọ đều bán bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy, trong đó, các công ty có doanh số lớn từ mảng này là Bảo Việt, PVI, PJICO, Hàng không, PTI, BSH, MIC, Bảo Minh… Chi phí để mua bảo hiểm xe máy bắt buộc là 55.000 đồng/năm đối với xe có dung tích từ 50 cc trở xuống và 66.000 đồng/năm đối với xe có dung tích trên 50 cc. Phí tối thiểu đối với bảo hiểm tự nguyện là 10.000 đồng/người/năm, xe máy được chở tối đa 2 người nên có giá 20.000 đồng/2 người/năm. |
Đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy không phải mới. Vào tháng 7/2022, cử tri một số tỉnh Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu... đã gửi tới Chính phủ đề xuất chuyển hình thức bắt buộc mua bảo hiểm xe máy sang hình thức tự nguyện để đảm bảo quyền lợi người dân. Hồi năm 2020, cử tri TP. Hà Nội trong kiến nghị gửi Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất bỏ quy định bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe máy. Sau đó, cơ quan này có văn bản trả lời rằng, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nói chung, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy nói riêng là loại bảo hiểm bắt buộc và đang được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, nên muốn sửa đổi, bổ sung cần có lộ trình và phải được Quốc hội thông qua. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2023, vẫn quy định bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là một trong những loại hình bảo hiểm bắt buộc, bên cạnh bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng, bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định của luật này. |
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.