Bất động sản

BOT cao tốc Hà Nội – Bắc Giang: ‘Mòn mỏi chờ đường gom’

(VNF) - Cao tốc Hà Nội – Bắc Giang là một trong những dự án cao tốc thực hiện mô hình BOT thí điểm đầu tiên của Bộ GTVT. Dù được “ưu tiên” thu phí suốt 3 năm qua, nhưng đến nay, dự án chỉ có 4 làn đường chính mà không có đường gom.

BOT cao tốc Hà Nội – Bắc Giang: ‘Mòn mỏi chờ đường gom’

“Khất lần” tiến độ xây dựng đường gom

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, dự án BOT cao tốc Hà Nội – Bắc Giang do liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương – Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Công ty Cổ phần đầu tư và Thương mại 319 - Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án theo hợp đồng BOT ký ngày 3/10/2014 là 4.154 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ tháng 2/2014.

Dự án cao tốc BOT Hà Nội -Bắc Giang được thông xe kỹ thuật từ ngày 3/1/2016, đến ngày 25/5/2016, tuyến cao tốc trên 4.200 tỷ đồng này đã chính thức được thu phí, tổng chiều dài toàn tuyến là 45,8km. Mức phí trung bình từ 35.000 - 200.000 đ/lượt.

Sau khi được thu phí hoàn vốn đến 3 năm nay, nhưng tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang vẫn… thiếu vốn để làm đường gom. Vì thế, việc xe máy đi chung với ôtô khiến tình trạng lưu thông diễn ra khá phức tạp.

Ngoài ra, trên tuyến còn 2 cầu chỉ có 2 làn đường (không đạt tiêu chuẩn đường cao tốc). Đây chính là những “nút thắt” gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

Theo thống kê, từ khi đưa vào sử dụng, nhiều điểm ùn tắc đã xảy ra tại một số nút giao và tai nạn giao thông tăng trên cả 3 tiêu chí.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chỉ đạo chủ đầu tư phải hoàn thành đường gom cho xe máy trước Tết Nguyên đán 2017. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, nhà đầu tư vẫn “khất lần” với lý do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng buộc Bộ GTVT tiếp tục gia hạn đến hết năm 2018 phải hoàn thiện 2 đường gom.

Cho đến thời điểm tháng 6/2019, nhà đầu tư BOT cao tốc Hà Nội – Bắc Giang vẫn chưa thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, thậm chí, chi phí thực hiện đường gom đã đội vốn khoảng 1.200 tỷ đồng

Yêu cầu rút ngắn thời gian thu phí

Một “lùm xùm” khác tại dự án BOT tai tiếng này đó là “nhập nhèm” trong thu phí. Cụ thể, trong đợt kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam từ ngày 16/12 - 26/12/2016 đã phát hiện doanh thu phí đạt gần 11 tỷ đồng/10 ngày.

Con số này lớn hơn 8,27%, so với mức thu bình quân ngày của 6 tháng trước đó. Đặc biệt, trong khi sử dụng, một số thiết bị thu phí thường bị “lỗi” khiến dư luận đã đặt nghi vấn gian dối trong thu phí.

Chưa hết, mới đây, Kiểm toán Nhà nước vừa chỉ ra một loạt tồn tại trong quá trình thiết kế, thi công như: Công tác lập tổng mức đầu tư dự án làm tăng mức đầu tư gần 490 tỷ đồng. Công tác lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, thương thảo và ký kết hợp đồng BOT, hồ sơ đề xuất còn sai sót chưa được Tổ chuyên gia chấm thầu phát hiện. 

Công tác kiểm tra, giám sát của đại diện Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền còn thiếu chặt chẽ ở một số khâu dẫn đến sai sót trong quá trình kiểm tra, giám sát. Thậm chí đã phát hiện chênh lệch, phải xử lý tài chính hơn 90 tỷ đồng do sai khối lượng, sai đơn giá và các sai khác. 

Mặt khác, việc tính toán, xác lập các chỉ tiêu quan trọng trong phương án tài chính của dự án còn chưa phù hợp. Quá trình khảo sát xác định lưu lượng xe trong phương án tài chính còn hạn chế, chỉ tiêu xe khách, xe tải không đồng nhất giữa quá trình khảo sát, dự báo lưu lượng phương tiện.

Căn cứ vào kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị, giảm thời gian thu phí hoàn vốn xuống còn 14 năm (giảm 1 năm 2 tháng so với phương án tài chính ban đầu), hoặc giữ nguyên thời gian thu phí nhưng điều chỉnh giảm giá vé bình quân 7,6%.

Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị, việc Bộ Giao thông Vận tải công bố danh mục dự án đầu tư cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức BOT vào ngày 11/10/2013 là trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương triển khai dự án.

Tin mới lên