Bùng nổ tranh chấp quỹ bảo trì chung cư: Quản lý nhà nước cũng có lỗi!

Nguyễn Tường - 30/08/2018 15:09 (GMT+7)

(VNF) - Tranh chấp quỹ bảo trì là một trong những nội dung phổ biến nhất trong tranh chấp chung cư hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư dự án chây ì bàn giao hoặc cố tình chiếm dụng khoản vốn này. Tuy nhiên, trở ngại cũng đến từ khâu quản lý nhà nước, doanh nghiệp muốn chuyển giao cũng gặp khó khăn.

VNF

Tranh chấp triền miên

Theo Bộ Xây dựng, trên 43 địa phương có 215 dự án nhà ở, chung cư phát sinh khiếu nại, tranh chấp. Trong đó, có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân liên quan đến quỹ bảo trì; phần sở hữu chung, sở hữu riêng; chất lượng công trình; phí quản lý vận hành...

Đặc biệt, trong số này có đến 39 dự án chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho ban quản trị theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tại nhiều chung cư, chủ đầu tư còn không chịu nộp kinh phí bảo trì đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng hoặc chiếm dụng kinh phí bảo trì vào mục đích khác.

Theo quy định hiện nay, người mua nhà trước khi nhận bàn giao nhà phải đóng quỹ bảo trì tương đương 2% giá trị căn hộ  và giao cho chủ đầu tư tạm quản lý. Khi ban quản trị chung cư được thành lập do người dân bầu ra, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao số tiền này.

Tuy nhiên, tại nhiều chung cư, do số tiền quá lớn nên đã xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân, thậm chí giữa cư dân với chính ban quản trị chung cư.

Tại TP. HCM, hầu hết các vụ xung đột hoặc tranh chấp chung cư trong thời gian qua đều dính dáng đến khoản phí bảo trì này. Đơn cử như tại các dự án Gia Phú, Giai Việt, Carina, Khang Gia Tân Hương… các chủ đầu tư thu tiền của dân nhưng không bàn giao lại và chiếm dụng trong một thời gian dài. Trong khi chung cư hỏng hóc, cư dân lại không có kinh phí để sửa chữa.

Doanh nghiệp cũng… kêu

Trong buổi đối thoại giữa doanh nghiệp bất động sản và Sở Xây dựng TP. HCM ngày 30/8, có một lỗ hổng khác đã được chỉ ra trong quản lý, dẫn đến tranh chấp quỹ bảo trì kéo dài.

Ông Nguyễn Văn Đồi, Tổng giám đốc SSG Group, chủ đầu tư dự án Thảo Điền Pearl, cho biết thời gian qua giữa chủ đầu tư và ban quản trị chung cư có nhiều mẫu thuẫn trong quản lý, vận hành dự án này.

Cụ thể, chủ đầu tư đã có văn bản hỏi Bộ Xây dựng về việc khắc con dấu cho ban quản trị để “chính danh” trong việc bàn giao, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi. Trong khi đó quỹ bảo trì của dự án lên đến 40-50 tỷ đồng, ban quản trị chung cư chưa có con dấu nên việc bàn giao này không biết phải thực hiện ra sao?

Ông Đồi cũng kiến nghị nên thành lập 1 cơ quan để quản lý các ban quản trị vì ngoài phí bảo trì còn có nhiều vấn đề khác mà ban quản trị khó đảm đương nổi.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành, cho rằng quy định thu phí bảo trì bằng 2% giá trị căn hộ là quá lớn, nên thu 2% trên giá thành xây dựng, không nên thu trên giá bán.

Theo ông Đực, giá bán của 1 dự án phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có giá thành xây dựng. Ngoài ra, trong 5 năm đầu, dự án vẫn còn trong thời gian bảo hành nên việc buộc phải thu phí bảo trì ngay là không hợp lý.

Đại diện Sở Xây dựng cho biết theo quy định hiện hành, việc khắc dấu là của cơ quan công an và thực tế là nhiều ban quản trị đã được cấp dấu. Đại diện Sở đề nghị Công ty SSG liên hệ trực tiếp với Sở Xây dựng để được hướng dẫn.

Về việc điều hành của ban quản trị, Sở cho rằng nếu ban quản trị yếu kém, hội nghị nhà chung cư có trách nhiệm xử lý. Ban quản trị cũng không có thủ quỹ, kế toán, mọi chi tiêu phải thông qua hội nghị nhà chung cư.

Nhiều ý kiến cho rằng đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực bất động sản mà Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 12 tới phải giải quyết triệt để cuộc chiến tranh giành quỹ bảo trì giữa chủ đầu tư và ban quản trị, vốn đang ngày càng trở nên khốc liệt.

Cùng chuyên mục
Tin khác