Bước ngoặt mới của thị trường địa ốc Trung Quốc

Thảo Phương - 15/09/2022 07:49 (GMT+7)

Tại Trung Quốc, nhiều người mua nhà đang gấp rút trả trước các khoản vay thế chấp. Lợi nhuận đầu tư lao dốc khiến họ muốn giảm gánh nặng nợ và tăng tiết kiệm.

VNF
Xu hướng vay tiền mua nhà của nhiều người dân Trung Quốc đang dần trở thành gánh nặng khi thị trường nhà đất nước này khủng hoảng.

Theo Bloomberg, nhiều người mua nhà Trung Quốc đang gấp rút trả trước khoản vay mua nhà. Đây là bước ngoặt mới với thị trường địa ốc nước này.

Khi thị trường bất động sản bùng nổ, nhiều người Trung Quốc dốc toàn lực để vay vốn mua nhà. Nhưng giờ, giá nhà đã giảm mạnh, việc sử dụng đòn bẩy trở thành gánh nặng với họ.

Gấp rút trả nợ trước hạn

Trước đây, thay vì mua nhà bằng tiền mặt, nhiều người Trung Quốc vay tiền mua nhà, rồi dành tiền đầu tư vào các sản phẩm quản lý tài sản. Sau đó, họ dùng chính lợi nhuận của những khoản đầu tư này để trả lãi ngân hàng.

Giờ đây, lãi suất trái phiếu giảm mạnh khiến lợi nhuận của các sản phẩm quản lý tài sản lao dốc. Người mua nhà buộc phải bán tháo những khoản đầu tư này, rồi dùng tiền mặt trả khoản vay ngân hàng và chấp nhận trả phí phạt.

Cô Raven Chen, một nhân viên trong ngành tài chính ở Thượng Hải, cho biết cô đang cân nhắc bán lại các sản phẩm đầu tư của mình để trả khoản vay thế chấp khoảng 200.000 NDT (tương đương 28.870 USD).

Lãi suất của khoản vay lên tới hơn 5%, gần gấp đôi mức lợi nhuận phổ biến của những sản phẩm đầu tư đang được các nhà băng rao bán.

"Lợi nhuận của các sản phẩm quản lý tài sản quá thấp. Tôi không thể dùng chúng để trả 5% lãi suất", cô Raven Chen chia sẻ.

Việc Bắc Kinh siết tín dụng đã đẩy ngành công nghiệp bất động sản vào khủng hoảng, các công ty địa ốc đồng loạt phá sản hoặc vỡ nợ, hàng loạt dự án nhà ở bị dừng thi công, giá nhà trượt dốc.

Tại Ngân hàng Công thương Trung Quốc, khoản trả nợ thế chấp trước hạn đã tăng 30 tỷ nhân dân tệ trong nửa đầu năm lên 260 tỷ NDT, tăng 13% so với một năm trước đó.

Bank of Communications cũng ghi nhận việc trả nợ trước hạn tăng lên trong tháng 7 và tháng 8. Điều này trái ngược với làn sóng dừng thanh toán khoản vay của một nhóm người mua nhà vì không được giao nhà đúng hạn.

Giảm nợ, tăng tiết kiệm

Theo một cuộc khảo sát, các hộ gia đình đang bi quan về tăng trưởng thu nhập trong tương lai. Tình trạng này thậm chí nghiêm trọng hơn thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu vào năm 2020.

Điều này thúc đẩy họ giảm nợ và tăng tiết kiệm nhằm hạ tỷ lệ đòn bẩy hộ gia đình. Nợ hộ gia đình đã tiến sát mức kỷ lục 61,8% GDP Trung Quốc vào cuối năm 2020.

Với anh Nio, một chuyên gia phân tích dữ liệu 35 tuổi, tương lai bấp bênh đang khiến anh cân nhắc trả nợ trước hạn khoản vay thế chấp 300.000 nhân dân tệ với lãi suất 7,5%.

"Năm nay, môi trường kinh tế nói chung rất tồi tệ. Mọi người không dám chi tiêu, lo lắng về khả năng bị sa thải và đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất", anh chia sẻ.

Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cơ bản cho khoản vay kỳ hạn 5 năm (ảnh hưởng trực tiếp tới lãi vay thế chấp). Tuy nhiên, trước thời điểm khoản vay được định giá lại, điều này sẽ không giúp ích nhiều đối với những người đang nợ ngân hàng.

Trong khi đó, lợi nhuận của các sản phẩm quản lý tài sản (WMP) do ngân hàng phát hành đang lao dốc vì lãi suất trái phiếu giảm. Điều này đồng nghĩa với việc người đi vay không thể dùng lợi nhuận từ khoản đầu tư để trả lãi ngân hàng.

Khi Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các chính sách tiền tệ, lãi suất trái phiếu sẽ giảm thêm. Theo Shanghai Minority Asset Management, trái phiếu chiếm tới 55% tài sản cơ sở của những WMP do ngân hàng phát hành.

Mỗi tuần, cha mẹ của cô Echo Huang, một nhân viên trong ngành truyền thông ở tỉnh Chiết Giang, đều gọi điện để nhắc con trả khoản vay thế chấp.

Các sản phẩm đầu tư của cô chỉ đem về lợi nhuận 2-3%, trong khi lãi vay cao hơn nhiều. Gia đình cô Huang dự định rút tiền khỏi WMP và những quỹ thị trường tiền tệ để trả nợ trước hạn.

Người mua nhà cũng sẵn sàng trả phí thanh toán nợ trước hạn, thường bằng lãi vay trong vài tháng. Trước đây, các nhà băng Trung Quốc cũng miễn phí phạt cho khách hàng nếu hợp đồng vay đã có hiệu lực trong một năm.

Một số ngân hàng khác thậm chí còn tái cấp vốn cho người mua nhà với những khoản vay rẻ hơn để giữ chân khách hàng, ngay cả khi điều này có thể thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý.

Xem thêm >> Bất động sản lao dốc, danh hiệu nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc đổi chủ

Theo Zing News
Cùng chuyên mục
Tin khác