Tài chính quốc tế

Các công ty khai thác tiền điện tử ‘tháo chạy’ khỏi Trung Quốc

(VNF) - Dưới áp lực từ chính quyền Trung Quốc, các công ty khai thác tiền điện tử đang chuyển dần hoạt động sang nước ngoài như Mỹ, Nga và Kazakhstan. Theo Bloomberg, những công ty này có thể không bao giờ quay trở lại Trung Quốc nữa.

Các công ty khai thác tiền điện tử ‘tháo chạy’ khỏi Trung Quốc

Trung Quốc siết chặt quản lý việc khai thác tiền điện tử.

Dù có quan điểm cứng rắn với tiền điện tử, Trung Quốc từ lâu đã giữ vị trí hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khai thác Bitcoin.

Nguồn điện dồi dào và tương đối rẻ, giá thuê mặt bằng thấp, khí hậu ôn hòa cùng với ngành công nghiệp ví điện tử phát triển là những yếu tố chính thúc đẩy sự lan rộng của ngành kinh doanh này ở Trung Quốc.

Số liệu thống kê của trung tâm tài chính Cambridge cho thấy các cơ sở đào Bitcoin ở Trung Quốc chiếm 70% quy mô toàn cầu

Tuy nhiên, thời gian gần đây Bắc Kinh đã tung ra loạt động thái nhằm siết chặt hoạt động khai thác tiền điện tử.

Lệnh cấm đào tiền điện tử đã được đưa ra ở các trung tâm đào Bitcoin lớn tại Trung Quốc như Tứ Xuyên, Tân Cương và Nội Mông.

Cơ quan Công nghiệp và Công nghệ tỉnh Thanh Hải mới đây cũng đã ra lệnh đóng cửa các khu mỏ Bitcoin từ ngày 9/6, đồng thời cấm các công ty cung cấp đất và điện cho các dự án tiền điện tử.

Theo Bloomberg, 26 công ty đào tiền điện tử lớn nhất Trung Quốc đã phải ngừng hoạt động. Tổng tỷ lệ băm (hashrate) hay sức mạnh xử lý của mạng bitcoin, đã giảm tới 60% sau chiến dịch tăng cường kiểm soát của Bắc Kinh.

Lọat động thái cứng rắn được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc trở nên cảnh giác với mức tiêu thụ năng lượng lớn của hoạt động khai thác Bitcoin vào thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng.

Trung Quốc kỳ vọng giảm ít nhất 65% lượng khí thải carbon vào năm 2030 so với mức năm 2005, và sau đó trở thành quốc gia có ngưỡng carbon trung tính vào năm 2060.

Một lý do khác là sự phổ biến của tiền điện tử có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính của Bắc Kinh. Rất khó để các cơ quan quản lý theo dõi các giao dịch này.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương) mới đây cũng đã triệu tập các tổ chức tín dụng lớn của nước này bao gồm Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Alipay (dịch vụ thanh toán di động do Ant Group - công ty con của Alibaba điều hành) để yêu cầu không được cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền điện tử.

Sau lệnh cấm khai thác, giao dịch tiền điện tử của chính quyền, các xưởng khai thác Bitcoin ở Trung Quốc như BTC.TOP, HashCow và Huobi lần lượt thông báo đóng cửa.

Trên các trang thương mại trực tuyến tại Trung Quốc, máy đào Bitcoin cũng bị xoá khỏi kệ hàng. Bloomberg trích ý kiến chuyên gia cho rằng trong thời gian tới đây, Nga và Bắc Mỹ có thể nổi lên trở thành khu vực khai thác Bitcoin nhiều nhất thế giới.

Xem thêm >> Tích trữ quá nhiều, Israel sắp phải vứt 1 triệu liều vaccine Covid-19 do hết hạn sử dụng

Tin mới lên