Các doanh nghiệp lớn đang giằng co trong cuộc chiến thương mại không có hồi kết

Hoàng Lan - 20/09/2018 11:02 (GMT+7)

(VNF) - Các doanh nghiệp lớn trên thế giới đang giằng co trong một cuộc chiến thương mại không có hồi kết. Sau hành động trả đũa của Trung Quốc, Tổng thống Trump ngay lập tức đe dọa sẽ tiếp tục đánh thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.

VNF
Tranh biếm họa ông Trump tại một nhà hàng Quảng Châu, Trung Quốc/Ảnh: Shutter Stock

Vì sao ông Trump châm ngòi cuộc chiến thương mại?

Thực tiễn thương mại tại Trung Quốc từ lâu đã gây thất vọng cho các công ty Mỹ. Để tiếp cận được thị trường Trung Quốc và hoạt động trên lãnh thổ quốc gia này, các doanh nghiệp Mỹ buộc phải bàn giao công nghệ có giá trị và bí mật thương mại cho các đối tác Trung Quốc.

Vào tháng 6, chính quyền Tổng thống Trump đã đề nghị các cuộc đàm phán để thay đổi hành vi thương mại của Trung Quốc kéo dài nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán không mang lại kết quả.

Ngay sau đó, Mỹ tuyên bố áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ.

Trong vòng thuế đầu tiên, chính quyền Trump nỗ lực giảm thiểu tổn thương cho người tiêu dùng Mỹ.

Những sản phẩm nằm trong danh sách đánh thuế bao gồm: các linh kiện máy bay Trung Quốc, máy ủi, vòng bi, xe máy và máy móc công nghiệp, nông nghiệp.

Trung Quốc lập tức trả đũa bằng cách đưa ra mức thuế quan của riêng mình nhắm vào 50 tỷ USD hàng hóa nhập từ Mỹ, tập trung vào các mặt hàng nông sản nhằm trừng phạt ngành nông nghiệp mà phần lớn người lao động trong ngành này ủng hộ ông Trump.

Mọi việc bắt đầu xấu đi từ đó. Ông Trump tuyên bố tiếp tục áp thuế trị giá 200 tỷ USD lên các sản phẩm của Trung Quốc, bao gồm các mặt hàng tiêu dùng như thực phẩm, đồ gia dụng và một số sản phẩm khác (nhưng không bao gồm hàng điện tử nhập khẩu).

Làn sóng tiếp theo sẽ tệ hơn

Danh sách 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế được công bố hôm 17/9 sẽ bắt đầu với mức thuế 10% và tăng lên 25% trong năm tới, một động thái làm giảm tác động của vòng thuế này dối với người mua sắm vào dịp lễ. Năm tới, những sản phẩm trong danh sách chắc chắn sẽ tăng giá so với năm nay.

Trung Quốc đã tuyên bố trả đũa bằng cách áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Động thái này càng nâng cao khả năng ông Trump sẽ công bố việc đánh thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.

“Trung Quốc đã tận dụng lợi thế của Hoa Kỳ trong một thời gian dài và điều này sẽ không tiếp diễn nữa”, ông Trump phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 18/9, “Chúng tôi không thể để điều đó xảy ra".

Thuế quan về bản chất chính là thuế đánh vào doanh nghiệp và người tiêu dùng. Và với mỗi vòng mới, chính quyền ngày càng tăng mức thuế lên cao hơn.

Thuế quan đối với hàng ngàn sản phẩm là “cái chết của hàng ngàn vết cắt”, David French - Phó chủ tịch cấp cao về quan hệ chính phủ của Liên đoàn bán lẻ quốc gia phản đối cách tiếp cận của chính quyền.

Tác động ban đầu của vòng thuế 200 tỷ USD sẽ được người dân Mỹ cảm nhận ngay trước mùa mua sắm cho kỳ nghỉ Giáng sinh. Giá thành cao hơn đối với nguyên liệu nhập khẩu như bông, nylon, polyester và sợi đồng nghĩa với việc các công ty may sẽ phải tăng thêm một khoản chi phí và chuyển chi phí đó cho người tiêu dùng. Sau đó là các phụ kiện. Mức thuế sẽ áp dụng cho ví, túi golf, găng tay trượt tuyết và găng tay nhập khẩu.

Các nhà bán lẻ không chắc chắn về sự tăng giá nên không tích trữ hàng hóa. Ông French, thuộc liên đoàn bán lẻ Mỹ, cho biết nhiều người mua sẽ thấy những thay đổi lớn về giá trong năm tới so với các ngày lễ.

Các doanh nghiệp đang giằng co cho một cuộc chiến thương mại không có hồi kết. Họ không chắc chắn được sự ảnh hưởng của cuộc chiến lên giá cả nhưng họ không tin rằng nó có lợi.

 Giám đốc điều hành của Macy, ông Jeff Gennette chia sẻ với CNBC trong tuần này rằng “Chúng tôi sẽ xem làm cách nào để lấy ý kiến khách hàng về việc này”.

Giám đốc tài chính của Walmart, Brett Biggs, cho biết vào tháng trước “Trong khi chúng tôi biết vẫn có những câu hỏi về thuế quan thì tác động tiềm ẩn của nó trong tương lai khó có thể định lượng được”.

“Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các cuộc thảo luận thuế quan và đang tích cực làm việc bằng các chiến lược giảm nhẹ, đặc biệt là trong nguy cơ cuộc chiến ngày càng leo thang”, ông nói thêm.

Giá cả sẽ tăng nhưng lạm phát có khả năng được chế ngự

Thuế quan có xu hướng làm tăng giá tiêu dùng. Nhưng, các nhà phân tích nói rằng việc tăng giá bắt nguồn từ chính sách thuế của ông Trump có thể là rất nhỏ, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Các nhà kinh tế tại TD Securities cho biết họ dự kiến mức thuế sẽ thêm 0,1 điểm vào tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong năm tới. Họ nói thêm rằng những hậu quả đối kháng, chẳng hạn như sự mạnh lên của đồng USD có thể bù đắp lên sự tăng giá.

Còn các nhà kinh tế tại JP Morgan Chase ước tính sản lượng kinh tế Mỹ sẽ giảm 0,1 điểm do tác động của chiến tranh thương mại.

Sau khi ông Trump áp thuế vào thép và nhôm hồi đầu năm nay, một  làn sóng vận động hành lang từ các nước, các khu vực thương mại và các tập đoàn muốn các sản phẩm của họ được miễn thuế đã nổi lên.

Một quy trình loại trừ tương tự đã được thiết lập cho thuế quan đánh vào hàng hóa nhập từ Trung Quốc với điểm khác biệt chính duy nhất: Nếu một công ty dành được quyền loại trừ thuế nhập khẩu, ví dụ như sản phẩm găng tay trượt tuyết, thì bất kỳ công ty nào nhập khẩu gang tay trượt tuyết đều được miễn thuế. Cho đến thời điểm này, chính quyền không áp dụng bất cứ yêu cầu loại trừ nào.

Một số công ty và ngành công nghiệp đã thuyết phục chính quyền cấp cho họ ít nhất là tạm thời lệnh giảm thuế quan, bằng cách đưa họ ra khỏi danh sách 200 tỷ USD. Vận động hành lang của Apple đã thành công trong vòng thuế mới nhất, đồng hồ và thiết bị Bluetooth của họ đã được loại khỏi danh sách thuế sơ bộ.

Theo The New Yorker
Cùng chuyên mục
Tin khác