Chuyên gia ngoại lạc quan về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Quỳnh Như - 21/08/2018 11:10 (GMT+7)

Không chỉ các chuyên gia trong nước mà các chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam đang ứng phó khá tốt với những tác động xấu từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và cơ hội lớn hơn thách thức.

VNF
TS. Chua Hak Bin, Kinh tế trưởng của Maybank Kim Eng.

Sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra vào cuối tháng 6, nền kinh tế Việt Nam bị tác động không nhỏ nhất là một vài thị trường tương đối nhạy cảm như chứng khoán, xuất nhập khẩu... Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế trong nước, việc một vài thị trường quan trọng đột nhiên chững lại hoặc xấu đi là bởi tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư, chứ không phải do tác động trực tiếp của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

“Có 3 nguyên do khiến tôi tin rằng, chiến tranh thương mại song phương Mỹ - Trung sẽ không ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Việt Nam như nhiều người lo sợ.

Đầu tiên, Mỹ áp thuế lên nhiều hàng hoá có xuất xứ Trung Quốc, không liên quan đến Việt Nam. Thứ hai, cuộc chiến đó sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam nhưng không nhiều vì chúng ta đã đa dạng hoá thị trường thương mại, ngoài Mỹ - Trung, thị trường xuất khẩu của Việt Nam còn có vài chục nước khác.

Thứ ba, sau giai đoạn khởi động, có lẽ tình hình kinh tế sẽ nhanh chóng ổn định trở lại. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chính trị cho rằng, việc Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc là để phục vụ cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới. Sau khi chiến dịch bầu cử hoàn thành, có thể ông Trump sẽ lại bắt tay hoà hoãn nói cười với Trung Quốc”, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận.

Theo ông Lịch, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhưng ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực sẽ phụ thuộc vào việc các chủ thể chính có biết biến nguy cơ thành cơ hội hay không.

Đồng quan điểm với ông Lịch, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: “Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể là cơ hội để Việt Nam phất lên, quan trọng là chúng ta phải tìm ra cách đúng.

Khi các nhà đầu tư rút khỏi Trung Quốc, Việt Nam có thể là một sự thay thế tuyệt vời, đây vừa là cơ hội cho tăng trưởng song đồng thời cũng là thách thức với các doanh nghiệp nội khi đối thủ cạnh tranh nhiều hơn”.


PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam

Hai chuyên gia này còn khẳng định sẽ không có chuyện khủng hoảng tỷ giá, vì hiện tại, ngân hàng nhà nước đang kiểm soát và có những động thái điều chỉnh hợp lý – hợp tình.

TS. Chua Hak Bin, Kinh tế trưởng Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết: “Hiện tại, sự dịch chuyển thương mại từ Trung Quốc sang khối ASEAN đang bắt đầu diễn ra, nhất là ở các ngành hàng mà Trung Quốc bị Mỹ áp thuế. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang cố gắng phân tán một số dây chuyền sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc. Trong tất cả, Việt Nam đang là điểm đến hợp lý nhất”.

Đang có một sự dịch chuyển nhẹ về thị phần nhập khẩu vào Mỹ. Ở nhiều ngành hàng mà Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế, thị phần của Trung Quốc vẫn chiếm nhiều nhất, song phần trăm giảm xuống; ngược lại, phần trăm của các nước Đông Nam Á đang không ngừng tăng lên, trong đó có Việt Nam.

Ví dụ: ngành hàng máy vi tính tổng trị giá nhập khẩu vào Mỹ khoảng 86,5 tỷ USD, trong đó: Trung Quốc 60%, Mexico 21%, Thái Lan 5,8% và Việt Nam 1,7%. Ngành hàng chíp, vi mạch điện tử: Malaysia 36%, Ireland 8,6%, Trung Quốc 7,7% và Việt Nam 7,4%. Ghế: Trung Quốc 42%, Mexico 31%, Canada 6,7% và Việt Nam 5,1%. Nội thất khác: Trung Quốc 45%, Việt Nam 15% và Canada 12%.

Cũng theo ông Chua Hak Bin, đồng Nhân dân tệ (CNY) nhiều khả năng sẽ tiếp tục mất giá, tạo áp lực lên đồng tiền các nước châu Á. CNY mất giá 8% từ lần đạt đỉnh cần nhất kéo theo nhiều đồng tiền của các nước Đông Nam Á yếu đi do lo ngại về chiến tranh thương mại.

Trong thời gian gần đây, các đồng tiền tại Đông Nam Á đang phân hóa mạnh. Đồng tiền của Philippines và Indonesia đang yếu dần đi, trong khi đồng tiền của Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Myanmar đang dần hồi phục. Các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu tại các nước ASEAN (ngoại trừ Việt Nam) và trái phiếu (đối với Indonesia và Malaysia).

VND có mất giá theo CNY, tuy nhiên thặng dư tài khoản vãng lai sẽ góp phần củng cố tỷ giá. Thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam tương đương 8% GDP mặc dù VND mất giá. Ngân hàng nhà nước Việt Nam vừa điều chỉnh nhẹ tỷ giá VND xuống 1%, theo tiến sỹ kinh tế người Singapore, đây là một sự phản ứng kịp thời và hợp lý. Cũng như các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam sẽ điều chỉnh tỷ giá thấp hơn dao động ở khoảng 3% đến 4%.

“Tuy nhiên, nền kinh tế của Việt Nam không phải toàn màu hồng. Trong năm 2018, tín dụng đang tăng chậm lại, nhưng vẫn duy trì ở mức 2 con số. Lạm phát bắt đầu tăng trở lại trong những tháng gần đây. Có thể, tỷ lệ lạm phát như ở thời điểm hiện tại không thể dẫn đến phá giá nội tệ như những năm 1998-1999, 2011-2012 nhưng Việt Nam nên trông chừng.

Năm 2016, nợ công Việt Nam đạt 64% GDP, gần với mức trần 65%; nợ nước ngoài của Việt Nam cao hơn hầu hết các nước ASEAN (ngoại từ Malaysia). Việt Nam cần phải kiểm soát tốt mức trần nợ công và giảm thiểu thâm hụt ngân sách. Đồng thời, Việt Nam nên phát triển thị trường trái phiếu để giảm nợ nước ngoài và tài trợ xây dựng hạ tầng.

Hiện tại, thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ chiếm 23% GDP, nhưng chủ yếu là trái phiếu chính phủ. Thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn nhỏ so với khu vực”, ông Chua Hak Bin khuyến nghị.

Theo TheLEADER
Cùng chuyên mục
Tin khác