Tiêu điểm

Cận cảnh khai trường mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á bỏ hoang 12 năm ở Hà Tĩnh

(VNF) - Mỏ sắt Thạch Khê tại tỉnh Hà Tĩnh được đánh giá là mỏ sắt có lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Mỏ được phát hiện vào năm 1960 và được tiến hành khai thác thí điểm từ năm 2008. Tuy nhiên, sau đó đã phải dừng khai thác và bỏ hoang cho đến nay.

Mỏ sắt Thạch Khê có diện tích 4.821ha, nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà gồm: Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc.

 

Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư. Công ty này có 5 cổ đông gồm: Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh (Mitraco), Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty TNHH sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco) và Công ty CP Khoáng sản và luyện kim Thăng Long.

 

Dự án được triển khai từ năm 2008, với tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án khai thác mỏ Thạch Khê sau đó gặp vướng mắc về huy động và góp vốn, đến tháng 11/2011, Chính phủ phải cho tạm dừng dự án cho đến nay. 

 

Từ tổng mức đầu tư ban đầu 14.500 tỷ, chủ đầu tư đã phải tính toán lại, giảm về còn 13.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn I là 6.700 tỷ. Đến tháng 3/2017, dự án tiếp tục giảm quy mô vốn đầu tư về mức 12.200 tỷ đồng.

 

Năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản báo cáo Chính phủ, cho rằng năng lực tài chính của TIC không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư dự án theo tiến độ, phương án tiêu thụ quặng sắt của TIC chưa đảm bảo chắc chắn; phương án vận chuyển sắt bằng đường bộ từ mỏ sắt đến cảng Vũng Áng không hiệu quả và đảm bảo an toàn giao thông. Bộ này cũng quan ngại về môi trường như cạn kiệt nguồn nước ngầm, xâm nhập mặn, sa mạc hóa...

 

Nhiều máy móc bị bỏ lại công trường khai thác.

 

Một trong số những ngôi nhà bị bỏ hoang tại dự án.

 

Được biết, trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2011, chủ đầu tư đã triển khai thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3 đến độ sâu -34m so với mực nước biển, thu hồi 3.000 tấn quặng. Hồ nước lớn được hình thành sau khi dự án bị tạm dừng.

 

Theo thống kê, vốn đã đầu tư tại dự án Mỏ sắt Thạch Khê là 1.798,29 tỷ đồng, trong đó giá trị đầu tư xây dựng cơ bản 1.287,9 tỷ đồng, giá trị thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư 387,76 tỷ đồng.

 

Đối với dự án này, gần đây, Thủ tướng cho biết sẽ báo cáo xin ý kiến của Bộ Chính trị về chủ trương đối với dự án (Đề án trình Bộ Chính trị).

 

Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII diễn ra vào tháng 7, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cho biết tỉnh kiên quyết đề xuất dừng khai thác mỏ khoáng sản này vì sẽ để lại nhiều hệ lụy.

 

Theo ông Võ Trọng Hải, nếu khai thác, mỗi ngày sẽ có 3-4 triệu m3 nước thải xả ra biển, 2 tấn mìn nổ cách thành phố Hà Tĩnh 5km theo đường chim bay.

 

Hà Tĩnh cũng cho rằng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê hiện nay chưa đảm bảo nghiên cứu các yếu tố khoa học kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường nên chưa cần thiết khai thác, có thể chờ cho thế hệ sau sẽ khai thác.

 

Bên cạnh đó, đến nay dự án đã để lại nhiều hệ lụy cho người dân ở 5 xã bãi ngang huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Không những vậy còn tác động rất lớn đến toàn bộ tình hình kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh trật tự, thương mại, du lịch của tỉnh Hà Tĩnh.

 

Trong khi đó, mới đây, TS. Phạm Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và khai thác khoáng sản Thăng Long, đại diện chủ đầu tư dự án mỏ sắt Thạch Khê lại cho rằng không có lý do gì để dừng. Theo ông Hùng, dự án chỉ dừng triển khai khi chủ đầu tư xin dừng dự án hoặc trong quá trình triển khai dự án vi phạm nghiệm trọng quy định pháp luật.
Tin mới lên