Diễn đàn VNF

'Cần điều hành kinh tế linh hoạt, kịp thời, tránh đứt gãy hệ thống tài chính - tín dụng'

(VNF) - TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng trong bối cảnh hiện nay, điều hành kinh tế phải linh hoạt và kịp thời, nhất là khâu đảm bảo cung – cầu ổn định, tránh các đứt gãy hoặc rủi ro đổ vỡ hệ thống tài chính – tín dụng.

'Cần điều hành kinh tế linh hoạt, kịp thời, tránh đứt gãy hệ thống tài chính - tín dụng'

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR).

Bất chấp những bất ổn của thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục hồi phục mạnh mẽ. Tiếp tục đà phục hồi là điểm nhấn toát lên từ các số liệu kinh tế khi các số liệu tháng 10 tiếp tục đóng góp đáng kể vào mức tăng đó.

Trước tiên, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 10 tháng ước tăng 9% so với cùng kỳ, mà trong đó ngành chế biến chế tạo vẫn có mức tăng vượt trội. Lực cầu cũng tiếp tục cải thiện rõ nét khi mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng ước đạt 4.643,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ.

Dòng vốn đầu tư tiếp tục khởi sắc, trong đó, vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10 ước đạt 53,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Còn vốn đầu tư nước ngoài, dù lượng vốn đăng ký 10 tháng có giảm nhẹ hơn 5%, nhưng lượng vốn thực hiện tăng tới 15,2%, đạt 17,45 tỷ USD. Đây cũng là con số cao nhất cùng kỳ 5 năm qua. Đó là những con số cho thấy nội lực của nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, nền kinh tế cũng không tránh khỏi những thách thức và áp lực. Vậy làm sao để có thể hoá giải được những thách thức trên? Xung quanh vấn đề này Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance có cuộc trò chuyện cùng TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR).

- Thưa ông, kinh tế quý III/2022 đã ghi nhận các tín hiệu tích cực, cả về tốc độ tăng trưởng, về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới... Từ quan sát của ông, nguyên nhân nào khiến Việt Nam phục hồi mạnh mẽ như vậy, thưa ông?

TS Nguyễn Quốc Việt: Kết quả này đã cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế khi bước khỏi “bóng ma” COVID. Có thể điểm qua những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ này:

Đầu tiên, đó là sự vào cuộc kịp thời và quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ và các ngành/cấp/địa phương trong việc triển khai đồng bộ một số giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô (nhất là kìm chế lạm phát đầu năm), mạnh dạn mở cửa nền kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn và cung cầu (nhất là xăng dầu, năng lượng) dịp đầu năm 2022.

Tiếp theo, là sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực dịch vụ sau khi đã khống chế được dịch covid 19, đi đôi với đó là các lĩnh vực xuất khẩu mũi nhọn vẫn đạt được tốc độ phát triển tương đối khả quan (trong đó đóng góp khối FDI) cũng là nguyên nhân quan trọng khiến nền kinh tế khởi sắc.

Tiếp đó là khu vực kinh tế tư nhân vẫn phát triển tương đối ổn định về số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và khu vực FDI vốn giải ngân cũng tăng cao, khiến  lượng vốn đầu tư xã hội (tổng vốn tăng 18,1% so với cùng kỳ 2021), điều này đã giúp nền kinh tế phục hồi và khởi sắc.

- Với tốc độ phục hồi như hiện tại, theo quan sát của ông, kinh tế Việt Nam năm nay sẽ tăng trưởng bao nhiêu %? Liệu mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ và Quốc hội đề ra có đạt được?

Với các dự báo của các tổ chức quốc tế và tình hình kinh tế khả quan của năm 2022, tôi tin tưởng khả năng tăng trưởng đạt từ 6-6,5%.

Riêng tình hình lạm phát thì cần phải kiểm soát được các yếu tố nguy cơ và công việc điều hành phải đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan nhà nước thì mới hy vọng kìm chế lạm phát đạt được mục tiêu chính phủ đề ra là 4,5%.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng, dù tốc độ phục hồi tốt, việc triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế năm 2023 có thuận lợi là kinh tế tăng trưởng cao, các cán cân vĩ mô tiếp tục được kiểm soát hiệu quả, nhất là gói tài khóa, tiền tệ để thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội còn khá nhiều dư địa nhưng Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, nhất là các chính sách luôn có độ trễ.

Điều dễ nhận thấy nhất là trong khi hầu hết các nước đang “quay cuồng” chống lạm phát, thì năm nay, chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam chắc chắn đạt mục tiêu đặt ra là dưới 4%, mặc dù nước ta phải nhập khẩu lạm phát do phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu, máy móc, thiết bị cho hoạt động sản xuất.

Do có độ trễ, nên lạm phát chưa xảy ra, nhưng sau một thời gian, khi toàn bộ chi phí nhập khẩu được đưa vào giá thành sản xuất và sau đó là giá bán hàng hóa, thì lạm phát sẽ trở nên căng thẳng.

Chính sách tài khóa và tiền tệ để thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cũng tương tự. Do có độ trễ, nên các chính sách này chưa tạo ra áp lực lạm phát, nhưng sau một thời gian, nếu không linh hoạt điều hành, thì việc chống lạm phát sẽ căng thẳng.

- Ngoài những lo ngại về vấn đề lạm phát, theo ông, hiện tại, nền kinh tế còn phải đối mặt với những khó khăn như thế nào, thưa ông?

Nền kinh tế còn phải đối mặt không ít những rủi ro. Với rủi ro bên ngoài, cuộc chạy đua lãi suất căng thẳng kèm theo những vấn đề xung đột địa chính trị kéo dài, diễn biến phức tạp khiến áp lực lớn lên cân đối vĩ mô và tỷ giá của VND (sau khi FED tăng liên tiếp lãi suất với 75 điểm cơ bản, khiến gây áp lực lớn hầu hết đồng tiền các nước, lần lượt các Ngân hàng Trung ương đều đã tăng lãi suất thời gian qua, ECB tăng lãi suất lần đầu tiên lên mức bằng FED 0,75 điểm, cho thấy áp lực lạm phát Châu Âu quá lớn (Lạm phát trung bình đã vượt 10%). Điều này sẽ tác động không nhỏ tới kinh tế Việt Nam, đặc biệt là quá trình xuất nhập khẩu.

Cùng với đó, chỉ số giá sản xuất, logistic lẫn tiêu dùng trên thế giới tiếp tục neo cao và xung đột Nga-Ucrana chưa có dấu hiệu khả quan, khiến cho nguy cơ suy thoái toàn cầu là hiện hữu.

Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đã bị ảnh hưởng (do thu hẹp sản xuất kinh doanh, người dân thắt chặt chi tiêu) chỉ số xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo chủ lực của Việt Nam như máy tính, hàng điện tử và quang học đã chững lại từ đó tác động giảm chỉ số sản xuất các mặt hàng này trong quý III/2022.

Cùng với đó, vấn đề tỷ giá cũng là vấn đề đáng lo ngại khi tỷ giá là một vấn đề rất lớn vừa ảnh hưởng đến cán cân vĩ mô, vừa gây tác động đến khả năng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường vì nó gây nhập khẩu lạm phát.

Mặc dù nhiều ý kiến phân tích cho rằng dòng vốn đầu tư nước ngoài dài hạn có thể chưa bị ảnh hưởng ngay đối với Việt Nam nhưng thực tế là số vốn FDI đăng ký mới giảm mạnh (cả đăng ký mới, bổ sung hay mua bán, sáp nhập), vốn nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng ghi nhận trong những tháng vừa qua có rút ròng.

Ngoài ra, Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, nhu cầu vốn phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng. Hiện nay, lãi suất huy động tăng cao sau khi ngân hàng tăng lãi suất điều hành, tạo áp lực đẩy lãi suất cho vay lên ngày càng cao. Trong điều kiện chi phí đầu vào tăng cùng với sự phục hồi sản xuất, nhu cầu vay vốn, vay tiêu dùng tăng, khó tránh được áp lực lên lãi suất đầu ra, dù có độ trễ. Lãi suất cho vay cao đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải cẩn trọng hơn trong việc sử dụng vốn vay và tính toán lại các bài toán tài chính.

Nguồn cung ngoại tệ và thanh khoản ngoại tệ cũng là yếu tố cần phải tính toán một cách phù hợp, trong đó bao gồm cả các chính sách để tiết kiệm ngoại tệ từ hàng nhập khẩu tiêu dùng và đa dạng hoá phương thức thanh toán quy đổi với những đồng tiền chủ chốt khác, bởi nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh khoản quốc tế, có thể dẫn tới thiếu nguyên liệu đầu vào, ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các đơn hàng xuất khẩu và qua đó ảnh hưởng uy tín và thương hiệu doanh nghiệp, ngoài ra đối với các lĩnh vực gắn với thị trường trong nước thì đó là sự ổn định của thị trường cung-cầu trong nước (vốn tăng cao dịp cuối năm).

- Vậy chúng ta nên hành động gì, thưa ông?

Đầu tiên, cần tiếp tục dùng chính sách thuế/phí (giảm có mục tiêu, địa chỉ) để bớt các khó khăn cho doanh nghiệp/người dân.

Bên cạnh đó, điều hành kinh tế phải linh hoạt và kịp thời, nhất là khâu đảm bảo cung – cầu ổn định, tránh các đứt gãy hoặc rủi ro đổ vỡ hệ thống tài chính – tín dụng.

Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu giải ngân gói hỗ trợ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn/tín dụng từ ngân hàng (trong bối cảnh các kênh huy động khác đang thắt chặt).

- Trong các cuộc gặp với công đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước mới đây, Thủ tướng Chính phủ vẫn luôn cam kết mạnh mẽ về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Vậy để tìm kiếm và khôi phục lại động lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh trong giai đoạn hiện nay, ông có những kiến nghị gì?

Cải cách thể chế là câu chuyện là được nói trong nhiều năm nay. Hiện tại, để tiếp tục tìm động lực cho việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh trong giai đoạn hiện nay, hiện nay, chúng ta có thể triển khai một số giải pháp như:

Thứ nhất, thúc đẩy sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình mạnh mẽ hơn nữa trong toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước. Trên cơ sở đó thực hành liêm chính, chống tham nhũng, chống các hành vi trục lợi, lợi ích nhóm, thiếu minh bạch và công bằng, thiếu sự bình đẳng trong/giữa các thành phần/lĩnh vực đầu tư/ kinh doanh.

Thứ hai, tăng cường thể chế đảm bảo các quyền tài sản, quyền tư do hợp đồng và tự do kinh doanh, tham gia sâu hơn vào các bảng xếp hạng và cạnh tranh toàn cầu và khu vực.

Thứ ba, thúc đẩy hội nhập mạnh mẽ hơn để các chủ thể (cả khu vực công lẫn khu vực tư) tiến tới thực hành các chuẩn mực và trách nhiệm chung mang tính toàn cầu (trong lĩnh vực đầu tư/kinh doanh).

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới lên