Tiêu điểm

Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội: Điểm nhấn trên trục tăng trưởng mới

(VNF) - TP. HCM vừa phê duyệt đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP. HCM giai đoạn 2020 - 2045”. Trong đó, tuyến ven sông Sài Gòn được kỳ vọng là trục tăng trưởng mới. Theo các chuyên gia, Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội được kỳ vọng là điểm nhấn trên trục tăng trưởng của tương lai này.

Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội: Điểm nhấn trên trục tăng trưởng mới

Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội bên bờ sông Sài Gòn

Khơi dậy tiềm năng từ trục tăng trưởng mới

Theo đề án, TP. HCM đặt mục tiêu phát triển hành lang sông Sài Gòn và kênh rạch nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, tạo nét đặc trưng độc đáo của đô thị, sức cuốn hút và tiềm năng phát triển kinh tế, dịch vụ cho Thành phố và khu đô thị sáng tạo.

Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. HCM cho hay, hạ tầng dọc sông Sài Gòn trước đây chưa được quan tâm đúng mực, việc phê duyệt đề án cho thấy Thành phố đang rất chú trọng tuyến sông Sài Gòn như một trục mới trong sự phát triển TP. “Quy hoạch phát triển sông Sài Gòn phải tiếp cận theo hướng cộng đồng cùng tham gia; hướng đến ổn định cuộc sống người dân tối đa và ưu tiên đến sự hưởng thụ của người dân”, vị đại diện này cho biết.

Đi qua các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và TP. HCM, sông Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 256 km, trong đó đoạn qua Thành phố có chiều dài 80 km, với diện tích lưu vực hơn 5.000 km². Theo hướng Bắc-Nam, dòng sông này chảy qua địa bàn hai huyện, năm quận và TP. Thủ Đức, gồm huyện Củ Chi, Hóc Môn; quận 12, Bình Thạnh, TP. Thủ Đức, quận 1, quận 4 và quận 7.

Hiện nay, Thành phố chưa xây dựng được nhiều hạ tầng tiện ích và không gian dịch vụ công cộng, cảnh quan dọc hành lang sông Sài Gòn nên chưa khai thác được lợi thế về thương mại, dịch vụ, du lịch. Bởi vậy tiềm năng khai thác tài nguyên về sông nước vẫn còn chưa được đánh thức.

Dự kiến, việc triển khai đề án gồm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, từ khi thực hiện đề án đến năm 2025, tiến hành cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn - khu vực trung tâm thành phố gắn với các đề án phát triển kinh tế, dịch vụ; ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển hành lang sông nước. Giai đoạn tiếp theo, từ năm 2025 - 2045, triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp với hoạt động du lịch và kinh tế, dịch vụ giải trí, đồng thời hoàn chỉnh pháp lý về quy hoạch tại khu vực dọc sông…

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), Thành phố cần sớm có quy hoạch bờ sông trước để chỉnh trang đô thị một cách bài bản. Khai thác tốt không gian và quỹ đất ven sông Sài Gòn sẽ tạo ra nguồn lực kinh tế lớn và cần có sự tham gia của nhiều nguồn lực xã hội. Trong đó, việc tổ chức khai thác kinh tế, dịch vụ sẽ đánh thức tiềm năng ven sông Sài Gòn, hướng đến mô hình đô thị sông nước sinh thái.

Còn theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, Thành phố có thể khởi đầu từ xây dựng những dự án thành phần “điểm nhấn” nhằm mục tiêu chỉnh trang và phát triển không gian sông nước liên hoàn cho khu vực nội thành, nhất là khu vực hai bên bờ sông từ bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đến bán đảo Tân Thuận (quận 7).

“Điểm nhấn” cảng Nhà Rồng – Khánh Hội

Nằm tại vị trí cửa ngõ hạ lưu sông Sài Gòn đoạn qua trung tâm thành phố, cảng Nhà Rồng – Khánh Hội (thuộc quận 4) có lợi thế đặc biệt vì có hơn 1.800 m bờ sông, rộng 30ha và thừa hưởng đoạn sông được đánh giá rất nhiều tiềm năng để phát triển.

cảng Nhà Rồng – Khánh Hội
Cảng Nhà Rồng-Khánh Hội chứa đựng không gian văn hóa và giá trị lịch sử quý báu

Theo các chuyên gia, cảng Nhà Rồng-Khánh Hội chứa đựng không gian văn hóa và giá trị lịch sử quý báu, một bến cảng hàng trăm năm tuổi. Đồng thời, là nơi mở ra tiềm năng phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là khai thác tối đa lợi thế của dòng sông Sài Gòn.

Ông Nguyễn Hải Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Vinaconex chia sẻ: “Ở vùng đất này, dòng sông này, trên bến dưới thuyền không gì thay thế được. Mỗi du khách khi đến TP. HCM đều sẽ phải ghé đây, để hiểu hơn về Sài Gòn, một địa danh có con sông lớn uốn khúc với tuổi đời hơn 300 năm cho nên không thể lãng quên mà cần phát huy hơn nữa thế mạnh vốn có của cảng Nhà Rồng - Khánh Hội”.

“Thành phố nên tận dụng vị trí của cảng Nhà Rồng - Khánh Hội để xây dựng một cảng du lịch tàu biển đón du khách trong và ngoài nước với mục tiêu biến nơi đây thành trung tâm hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ, kinh tế đêm của thế giới. Mong rằng Thành phố sẽ biến nơi này trở thành trung tâm sầm uất nhất, vùng kinh tế đêm mà chỉ TP. HCM mới có", TS Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện cơ chế đặc thù phát triển TP. HCM cho biết.

Còn theo đại diện Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, khu Nhà Rồng - Khánh Hội có cầu cảng kiên cố, thuận lợi về vị trí, quá trình hình thành và phát triển gắn với lịch sử thành phố nên có sức hút về du lịch. Do đó, có tiềm năng chuyển đổi công năng và tổ chức khai thác bến cảng Nhà Rồng - Khánh Hội thành bến tàu quốc tế và nội địa.

Được biết, năm 2022, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP. HCM, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Cảng Sài Gòn (đơn vị chủ quản cảng Nhà Rồng - Khánh Hội) giữ lại, tiếp tục quy hoạch 1.800m cầu cảng tại khu vực Sài Gòn - Khánh Hội cho các tàu khách quốc tế, tàu nhà hàng và các phương tiện thủy phục vụ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các tuyến du lịch đường thủy.

Tin mới lên