Cao su Phước Hòa chờ điểm tựa từ bất động sản công nghiệp

Chí Tín - 23/01/2021 15:48 (GMT+7)

Thu nhập chính không còn đến từ trồng và chế biến cao su khiến Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa phải trông đợi vào thu nhập từ những liên doanh trong các dự án khu công nghiệp.

VNF
Cao su Phước Hòa chờ điểm tựa từ bất động sản công nghiệp

Theo số liệu kinh doanh của công ty mẹ Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) doanh thu năm 2020 đạt 1.065 tỷ đồng, giảm nhẹ so với kết quả 1.087 tỷ đồng năm 2019. Trong khi đó, lợi nhuận thuần sụt giảm mạnh 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt 192,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty vẫn “thăng hoa” với kết quả lợi nhuận sau thuế đạt 1.152 tỷ đồng, tăng gần 116% so với năm trước.

Lý do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ Cao su Phước Hòa tăng mạnh, dù hoạt động kinh doanh chính sa sút là trong năm 2020, Công ty ghi nhận một khoản “lợi nhuận khác” khá lớn, với giá trị lên tới 959 tỷ đồng. Riêng trong quý IV, lợi nhuận hoạt động khác tăng mạnh hơn 500 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Tược, Tổng giám đốc Cao su Phước Hòa tại nội dung thuyết minh lợi nhuận công ty mẹ, đây là tiền đền bù hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất thực hiện dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (Bình Dương).

Tính chung cả năm 2020, phần lớn số tiền của khoản “thu nhập khác” cũng là khoản tiền mà Cao su Phước Hòa nhận được về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi triển khai dự án khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II từ Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên - chủ đầu tư dự án này. Số tiền này được xác định căn cứ theo quyết định của chính quyền địa phương về phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và hợp đồng bồi thường, hỗ trợ thiệt hại với chủ đầu tư dự án.

Trong dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, tài sản mà Cao su Phước Hòa bị thu hồi là 345,8 ha đất trên địa bàn 2 xã, phường thuộc thị xã Tân Uyên (Bình Dương). Tổng số tiền được đền bù là hơn 864 tỷ đồng, được thanh toán theo nhiều đợt. Tính đến ngày 31/12/2020, số tiền mà Nam Tân Uyên đã thanh toán cho Cao su Phước Hòa là hơn 860 tỷ đồng. Cao su Phước Hòa cũng đang chuẩn bị tiến hành bàn giao mặt bằng sạch cho Nam Tân Uyên.

Ngoài khoản thu nhập trên, cơ cấu “thu nhập khác” của Cao su Phước Hòa trong năm 2020 còn có một khoản hơn 110 tỷ đồng đến từ nhượng bán, thanh lý tài sản cố định với bên liên quan. Trước đó, năm 2019, Cao su Phước Hòa cũng có khoản “thu nhập khác” từ bán tài sản cố định ghi nhận số tiền 157 tỷ đồng từ bên liên quan.

Cao Su Phước Hòa từng được ghi nhận là một trong các đơn vị có diện tích lớn trong ngành cao su Việt Nam, nằm trong vùng chuyên canh cao su, vị trí trung tâm của vùng cao su Đông Nam Bộ, cách TP.HCM 65 km, rất thuận lợi về mặt giao thông.

Thị trường xuất khẩu của công ty này khá đa dạng, từ các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… đến các quốc gia châu Mỹ như Mỹ, Brazil, Canada, Argentina, Mexico, Australia… Hiện Công ty vẫn có 3 nhà máy chế biến mủ cao su, tổng công suất thiết kế 27.000 tấn/năm là nhà máy chế biến Bố Lá 6.000 tấn/năm, nhà máy chế biến mủ ly tâm 3.000 tấn/năm và nhà máy chế biến Cua Paris 18.000 tấn/năm.

Diễn biến kinh doanh gần đây cho thấy, thu nhập chính của Cao su Phước Hòa không còn đến từ trồng và chế biến cao su, mà đến từ đền bù đất. Trong bối cảnh diện tích đất cao su của Công ty bị thu hẹp, thì các khoản thu từ cao su trong các năm tới sẽ bị sụt giảm. Trong khi đó, thu nhập từ đền bù đất chỉ đến một lần và khiến đại gia ngành cao su sẽ phải trông đợi vào những khoản thu nhập từ các liên doanh trong các dự án khu công nghiệp.

Cao su Phước Hòa cũng cho biết, sẽ tham gia góp vốn đầu tư và kinh doanh các ngành nghề phục vụ các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ như cấp điện, cấp nước, hạ tầng viễn thông, xử lý chất thải, nước thải, cây xanh… Ngoài ra, đại gia ngành cao su cũng có ý định tự làm nhà đầu tư đối với Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hội Nghĩa và Khu công nghiệp Bình Mỹ.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác