Năm 2020, Cao su Phước Hòa (PHR) báo lãi tăng gấp đôi nhờ tiền bồi thường đất

Việt Anh - 12/01/2021 14:12 (GMT+7)

(VNF) - Công ty Cổ phần Cao su Phước Hoà (HoSE: PHR) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý IV/2020.

VNF
Năm 2020, Cao su Phước Hòa (PHR) báo lãi tăng gấp hai lần nhờ tiền bồi thường đất

Lợi nhuận tăng gấp hai lần nhờ đền bù đất

Theo đó, công ty mẹ của PHR ghi nhận doanh thu thuần quý IV/2020 đạt 517 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2019. Trừ đi giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp của công ty đi ngang ở mức hơn 34 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính giảm nhẹ 11% còn 150 tỷ đồng, bên cạnh đó các chi phí vận hành tăng không đáng kể.

Tuy nhiên, điểm sáng trong báo cáo tài chính công ty mẹ của PHR là ở nguồn thu nhập khác, đạt hơn 332 tỷ đồng trong khi quý IV/2019 lỗ gần 170 tỷ đồng.

Kết quả, PHR báo lãi trước thuế quý IV/2020 tăng gần 50 lần so với cùng kỳ năm trước đó, lên mức 490 tỷ đồng.

Tổng kết cả năm 2020, mặc dù doanh thu thuần của PHR duy trì ở mức 1.062 tỷ đồng, biến động rất nhẹ, song lợi nhuận sau thuế vẫn tăng gấp hai lần, lên 1.152 tỷ đồng.

Chiếm phần lớn kết quả tích cực này tới từ nguồn thu nhập khác, đã tăng gần 250% so với năm 2019, đạt 960 tỷ đồng.

Phía công ty cho biết, chủ yếu số tiền chênh lệch này đến từ tiền bồi thường thực hiện dự án đầu tư kỹ thuật khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II (860 tỷ đồng).

Cụ thể, công ty đã được đền bù cho 345 ha đất bị thu hồi, tại địa bàn 2 xã, phường thuộc thị xã Tân Uyên. Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên là đơn vị có trách nhiệm thanh toán cho phía PHR.

Được biết, năm 2020, PHR đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ là 2.460 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.148 tỷ đồng. Như vậy, trong khi doanh thu chỉ đạt 43% thì lợi nhuận cả vượt kế hoạch đề ra.

Tiền mặt là vua

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của công ty mẹ PHR tăng 11% lên mức 3.736 tỷ đồng. Tiền nhàn rỗi giảm mạnh từ 625 tỷ đồng xuống còn 262 tỷ đồng, song tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng được rót thêm đến gần 803 tỷ đồng.

Có thể thấy, bất chấp lãi suất ngân hàng đang trong xu hướng giảm mạnh, PHR vẫn "rót" đến 21% tài sản vào tổng lượng tiền tại ngân hàng, mặc dù trước đó một số cổ đông PHR đã yêu cầu phía công ty nêu rõ tên ngân hàng đang gửi tiền, tuy nhiên tại báo cáo tài chính lần này vẫn chưa có thông tin cụ thể.

Ở thái cực khác, công ty cũng thoái sạch khoản đầu tư vốn đã ít ỏi, chỉ hơn 5,6 tỷ đồng vào kênh đầu tư chứng khoán kinh doanh. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang phục hồi, nhiều doanh nghiệp đang dành ra một khoản tiền để đầu tư vào các cổ phiếu trên sàn, hoặc cổ phiếu của chính công ty mình như Vĩnh Hoàn, DIC Corp... thì động thái này của PHR đang thể hiện rõ chiến lược nắm giữ tiền mặt của mình.

Còn lại, hầu hết các cấu thành tài sản khác đều duy trì, đi ngang như các khoản phải thu ngắn hạn đứng yên ở mức 204 tỷ đồng, tương tự là nhóm tài sản dài hạn cũng duy trì ở con số 2.308 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả được tiết giảm hơn 15% còn 849 tỷ đồng. Chủ yếu nhờ khoản cổ tức, lợi nhuận phải trả giảm hơn 60 tỷ đồng và 150 tỷ đồng từ phía Công ty Khu công nghiệp Nam Tân Uyên.

Kết quả kinh doanh thuận lợi giúp công ty gia tăng lãi lũy kế lên 453 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần năm 2019. Thêm vào đó quỹ đầu tư phát triển cũng được kéo lên 1.057 tỷ đồng, đắp thêm một khoản không nhỏ vào vốn chủ sở hữu.

Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm từ 0,42 xuống 0,29.

Phía công ty từng cho biết, định hướng tiếp tục chuyển đổi 10.000 ha đất rừng cao su sang mục đích khác như phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao nên vẫn còn khả năng tiếp tục có thêm các khoản thu nhập từ thanh lý cây cao su hay đền bù đất. Về đầu tư, công ty cũng đang tiến hành các thủ tục pháp lý để sớm thực hiện dự án khu dân cư Tân Bình.

Trên thị trường, cổ phiếu PHR vừa vượt qua đỉnh lịch sử hồi tháng 8/2019 là 67.000 đồng/cổ phiếu, lên mức 69.700 đồng/cổ phiếu (kết phiên sáng 12/1). Trước đó, mã cổ phiếu này từng rơi xuống đáy là 31.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 4/2020.

Cùng chuyên mục
Tin khác