Bất động sản

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau loay hoay chuyện vật liệu xây dựng

(VNF) - UBND tỉnh Hậu Giang vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải về tình hình thực hiện dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau loay hoay chuyện vật liệu xây dựng

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 (ảnh minh họa)

Tính đến tháng 9, tỉnh Hậu Giang đã nhận bàn giao xong cọc mốc bồi thường, hỗ trợ tái định cư 3 đợt (100%) với tổng chiều dài hơn 63km; đã kiểm đếm xong với 2.009 hộ dân bị ảnh hưởng.

Cụ thể, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có 1.222 hộ bị ảnh hưởng với diện tích 201,39ha; kinh phí bồi thường, hỗ trợ trên 700 tỷ đồng. Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có 654 hộ bị ảnh hưởng với diện tích 130,4ha; kinh phí bồi thường, hỗ trợ 301,49 tỷ đồng.

Hiện nay, cơ quan chức năng đã lập xong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đợt 1 cho 1.876 hộ bị ảnh hưởng với diện tích 331,79ha; kinh phí bồi thường, hỗ trợ là 1.010,74 tỷ đồng, đạt trên 90% số hộ và diện tích đất thu hồi.

Được biết, UBND tỉnh Hậu Giang đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải thỏa thuận phương án bồi thường đợt 1 của 2 dự án thành phần nêu trên theo quy định tại Nghị định số 06 của Chính phủ.

Tỉnh Hậu Giang cho biết, sẽ bàn giao mặt bằng khoảng 90% diện tích, sớm hơn kế hoạch theo Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ. Theo nghị quyết thì địa phương phải đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng, khởi công trước ngày 20/11.

Dự kiến tỉnh sẽ chi trả bồi thường và bàn giao mặt bằng từ ngày 10-20/10. Đối với các hộ còn lại và các công trình hạ tầng kỹ thuật sẽ lập phương án bồi thường trong tháng 11 để chi trả trong tháng 12.

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài gần 110km, chia làm hai dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang (37 km) và Hậu Giang - Cà Mau (73 km); tổng vốn đầu tư hơn 27.250 tỷ đồng. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang có chiều dài hơn 63 km, chiếm gần 60% toàn tuyến, diện tích thu hồi đất là 365,74ha.

Giai đoạn chuẩn bị và thực hiện đầu tư đối với 2 dự án thành phần này là từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Các dự án được Bộ Giao thông Vận tải giao cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách thành các tiểu dự án, do các tỉnh có dự án đi qua tổ chức thực hiện.  

Về giải phóng mặt bằng (đo đạc thực địa và kiểm kê tài sản trên đất), các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau đã hoàn thành 100%; riêng TP. Cần Thơ chỉ mới đạt 49%.

Đáng chú ý, trong khi việc giải phóng mặt bằng tiến hành thuận lợi thì vấn đề vật liệu xây dựng lại là bài toán khó.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có kiến nghị Phó thủ tướng Lê Văn Thành có ý kiến với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ nguồn vật liệu xây dựng cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Theo số liệu tính toán của tư vấn, tổng nhu cầu cát đắp nền đường của các dự án từ Cần Thơ đến Cà Mau khoảng 39 triệu m3 (chưa kể các dự án giao thông khác do các địa phương đầu tư sẽ triển khai trong thời gian tới). Nhu cầu năm 2023 là khoảng 16 triệu m3, năm 2024 khoảng 20 triệu m3 (phải thi công hoàn thành nền đường để chờ lún).

Riêng nhu cầu cát đắp nền đường của dự án Cần Thơ - Cà Mau khoảng 18,5 triệu m3. Thực tế hiện nay, tình hình khai thác, cung ứng nguồn cát tại khu vực ĐBSCL cho các dự án giao thông tại khu vực rất hạn chế.

Tin mới lên