Tài chính tiêu dùng

Cấp thiết chuẩn bị kế hoạch hưu trí cho GenX, GenY

(VNF) - Quỹ bảo hiểm xã hội của nước ta sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2030, khi đã bước vào nửa sau của giai đoạn dân số vàng. Đây là kết quả không thể tránh khỏi của các quốc gia. Để chuẩn bị tốt cho giai đoạn này, cần sự quan tâm đến kế hoạch hưu trí từ cấp nhà nước, bộ ngành đến từng cá nhân.

Cấp thiết chuẩn bị kế hoạch hưu trí cho GenX, GenY

Cần có kế hoạch hưu trí từ sớm

Tổng cục Thống kê cho biết nước ta đã cán mốc 100 triệu dân vào tháng 4 vừa qua. Việt Nam nằm trong top 15 nước đông dân nhất, xếp hạng 41 về mật độ dân số và đứng thứ 121 về thu nhập bình quân đầu người mỗi năm với 4.010 USD.

GDP theo đầu người của Việt Nam tăng gần 5 lần sau 15 năm từ 2006 đến 2021, được gọi là tăng trưởng GDP bình quân đầu người ấn tượng nhất trong các quốc gia trên thế giới, phản ánh sự năng động của nền kinh tế Việt Nam và sự phát triển vượt bậc của nước ta trong những năm qua, theo nhận định của tạp chí Forbes.

Cơ hội là rất lớn, song những thách thức về các vấn đề cơ cấu dân số và thu nhập đối với người dân là không hề nhỏ, đặc biệt là với những người muốn chăm lo cho kế hoạch nghỉ hưu của mình.

Thách thức đầu tiên là áp lực già hoá dân số. 2023 cũng là nằm mà đất nước đi qua một nửa thời kỳ dân số vàng - bắt đầu từ năm 2007 và dự kiến kết thúc vào 2039, theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA). Một quốc gia bước vào giai đoạn này khi ít nhất hai người trong độ tuổi lao động nuôi một người phụ thuộc (trẻ em dưới 15 tuổi hoặc người già trên 65 tuổi). Đáng chú ý hơn, thời kỳ dân số “già” lại tới vào năm 2036. Cũng theo UNFPA, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Cùng với tốc độ già hoá dân số, tuổi thọ trung bình của người dân cũng tăng cao khiến cho giai đoạn hưu trí kéo dài. Đứng trước thực trạng đó, những người làm chính sách, dù là ở các quốc gia phát triển hay đang phát triển, đều có lựa chọn giống nhau là tăng tuổi nghỉ hưu, giảm tỷ lệ lương hưu. Chính sách này có thể làm gia tăng tỷ lệ rút bảo hiểm xã hội một lần, hệ quả là khi những lao động này suy giảm sức khỏe sẽ không có hoặc có ít nguồn thu nhập khi về già. Sau cùng, áp lực lạm phát gia tăng do giai đoạn hưu trí kéo dài; lạm phát diễn ra không đồng đều trong các nhóm sản phẩm, dịch vụ và thường vượt trội đối với nhóm thực phẩm và chăm sóc sức khoẻ là nhóm nhu cầu thiết yếu đối với người dân, đặc biệt là người cao tuổi.

Vậy ai là người chịu trách nhiệm chăm sóc cho người cao tuổi? Những người đang trong độ tuổi lao động hiện nay có thể trông đợi vào những nguồn thu nhập nào trong tương lai?

Thứ nhất là bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, với vai trò là khoản an sinh xã hội thì không nên kỳ vọng bảo hiểm xã hội sẽ chu cấp tốt cho đa số người cao tuổi, nên chăng coi đó chỉ là một phần thu nhập ở tuổi nghỉ hưu.

Thứ hai là hỗ trợ từ con cháu. Các dân tộc Á Đông có truyền thống chung sống gia đình nhiều thế hệ, “trẻ cậy cha, già cậy con”, tuy nhiên lối sống đó đã thay đổi rất nhiều. Mỗi thế hệ sau này đều gia tăng xu hướng độc lập, cùng với đó là sự gia tăng khác biệt về văn hoá. GenZ chính là thế hệ con cháu của những người đang chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu. GenZ có số lượng ít hơn và đặc trưng là những người trẻ tuổi có cá tính, năng động, thích ứng cao với công nghệ. Hỗ trợ từ GenZ cho cha mẹ khi ở tuổi nghỉ hưu rất có thể sẽ giảm nếu so với GenX và GenY trước đó.

Thứ ba là nguồn thu từ việc làm. Đây là xu hướng mà người cao tuổi ở các nước bước qua thời kỳ dân số vàng tìm đến, đó là tìm công việc mang thêm thu nhập chủ động sau giai đoạn nghỉ hưu, như là kéo dài thời gian làm việc trước lúc nghỉ hưu, hay biến kinh nghiệm chuyên môn của bản thân thành một nguồn tạo thu nhập. Việc khuyến khích người cao tuổi tiếp tục làm việc phù hợp với kiến thức, kỹ năng và sức khỏe sẽ tạo hiệu ứng tích cực về cả thu nhập và sức khỏe

Thứ tư là nguồn thu từ tiết kiệm, đầu tư. Đây là nguồn thu nhập cho hưu trí đòi hỏi có quá trình tích luỹ về vốn, kiến thức, kinh nghiệm với thời gian tính luỹ hàng chục năm. Đó chính là lý do cần phải quan tâm đến hưu trí từ sớm.

Đặc biệt đối với thế hệ cuối GenX, đầu GenY (những người sinh năm 1973 đến 1988) càng cần chú trọng hơn nữa đến nguồn thu nhập chủ động từ việc làm và thụ động từ tiết kiệm, đầu tư để chuẩn bị và thực hiện giai đoạn nghỉ hưu, tránh phó thác may rủi và phải trông cậy vào người khác.

Những mục tiêu cơ bản của kế hoạch hưu trí

Trong 100 triệu dân hiện nay, Việt Nam có gần 13,7 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Cuộc sống sau khi nghỉ hưu của nhóm người cao tuổi hiện nay chia thành các nhóm và có nhiều sự khác biệt nhưng tựu trung vẫn bao gồm các nhu cầu thiết yếu, nhu cầu hưởng thụ và nhu cầu cống hiến cho cộng đồng, xã hội hay để lại di sản cho con cháu.

Nhóm nhu cầu thiết yếu bao gồm chỗ ở, sinh hoạt thiết yếu và chăm sóc sức khoẻ cơ bản. Tuy có quá trình nhiều năm đóng góp tích cực cho gia đình, cộng đồng và đất nước thông qua nhiều hoạt động khác nhau, song tỷ lệ người cao tuổi đang hưởng hưu trí hoặc trợ giúp xã hội chỉ chiếm gần 50% dân số cao tuổi, khoảng 6 triệu người cao tuổi đang không hưởng bất kỳ chế độ an sinh thu nhập nào. Mặt khác, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội (gồm cả bắt buộc và tự nguyện) hiện nay chưa tới 40% lực lượng lao động, nghĩa là đang có xu hướng giảm. Điều này đạt ra bài toán về chính sách khuyến khích và tuyên truyền để nâng cao nhận thức nhằm duy trì hoặc gia tăng tỷ lệ này.

Trong khi đó, nhóm nhu cầu trên mức thiết yếu, có thể gọi là nghỉ hưu bình an và sung túc, bao gồm chỗ ở và sinh hoạt trên mức cơ bản, chăm sóc sức khoẻ cao cấp và du lịch; mong muốn có nhà ở thuộc sở hữu của mình; giai đoạn nghỉ hưu nhưng vẫn khỏe mạnh, chưa đau bệnh thì mong muốn được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe để kéo dài giai đoạn này, còn giai đoạn đau bệnh thì mong muốn có chế độ chăm sóc y tế tốt hơn. Ngoài ra, những năm đầu sau khi nghỉ hưu, người cao tuổi sẽ có xu hướng đi du lịch nhiều hơn.

Về nhóm nhu cầu cống hiến cho cộng đồng, xã hội hay để lại di sản cho con cháu, đây là nhu cầu chuyển giao giá trị cho thế hệ mai sau, bao gồm cả tài sản vô hình như trí tuệ, kinh nghiệm sống và tài sản tài chính cũng như bất động sản. Những người cao tuổi có nhu cầu ở nhóm này thường là cá nhân có sự nghiệp thành công, có tài sản đủ lớn, nhiều người có gia sản có thể trao truyền và phát huy qua nhiều thế hệ. Với việc phân tích nhu cầu sau khi nghỉ hưu như trên, mục tiêu của hoạch định hưu trí là để bảo vệ tiêu chuẩn sống, bảo đảm chi phí chăm sóc sức khoẻ, ngăn rủi ro lạm phát sau khi nghỉ hưu và phân bổ tài sản thừa kế cho thế hệ tiếp theo.

Các bước lên kế hoạch

Hoạch định hưu trí không chỉ là xác định tuổi về hưu và làm gì vào tuổi hưu. Đó là một quá trình rất dài hơi và nhiều biến động. Quá trình này chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có nhiệm vụ là chuẩn bị khối tài sản đủ lớn. Giai đoạn này kết thúc ở thời điểm bắt đầu nghỉ hưu để chuyển sang giai đoạn 2 là giai đoạn có nhiệm vụ chuyển khối tài sản thành dòng tiền phục vụ cho các nhu cầu hưu trí.

Việc lập kế hoạch tài chính là rất quan trọng, bởi từ đó mới có thể đánh giá được tính khả thi của kế hoạch hưu trí. Nếu các yếu tố tài chính không đạt thì cần phải điều chỉnh lại mục tiêu. Lập kế hoạch tài chính không chỉ để nhìn thấy bức tranh tổng thể, mà thông qua đó, chúng ta thực hiện các bước đầu tư, tiết kiệm, tái cơ cấu tài sản ở những thời điểm cần thiết. Ở bước này, cần liệt kê những nguồn thu nhập qua các năm (4 nguồn thu nhập đã nêu trong phần 1 của bài viết), có tính đến khả năng tăng trưởng hoặc giảm sút. Tiếp theo, cần tính toán nhu cầu chi tiêu cho bản thân và nhu cầu cho những người phụ thuộc (với 3 cấp độ nhu cầu liên quan đến lối sống đã nêu trong phần 2 của bài viết) có tính đến mức lạm phát trong từng giai đoạn cụ thể.

Khi bước vào thực hiện, trong giai đoạn trước nghỉ hưu, người trẻ xác lập và thực hiện các mục tiêu tài chính cá nhân như kết hôn, tăng thu nhập, giáo dục con cái, phát triển kinh doanh, đầu tư gia tăng tài sản. Đồng thời, người trẻ nên sớm xác định thời điểm nghỉ hưu phù hợp với nhu cầu bản thân và tình hình tài chính hiện có, từ đó lập kế hoạch và tích luỹ cho hưu trí. Mục tiêu tài chính quan trọng nhất trong giai đoạn này là chuẩn bị khối tài sản đủ lớn để vừa thực hiện các mục tiêu tài chính cá nhân, vừa tích luỹ cho hưu trí.

Nếu như trọng tâm của giai đoạn trước nghỉ hưu là tài sản thì trọng tâm của giai đoạn sau nghỉ hưu chính là dòng tiền. Sau khi nghỉ hưu, người cao tuổi chuyển các tài sản đã tích luỹ của mình về vùng an toàn, tạo dòng tiền và sử dụng cùng với các sản phẩm hưu trí như lương hưu, bảo hiểm sức khoẻ để có một giai đoạn hưu trí lành mạnh và để lại tài sản cho thế hệ sau.

Các lưu ý trong quá trình thực hiện

Thứ nhất, hưu trí là kế hoạch dài hạn nên cần phải được thực hiện từ sớm. Thông thường, tâm lý chung của mọi người là tập trung lo cho các mục tiêu trước mắt. Ví dụ như ngoài 30 tuổi thì hay có mục tiêu mua nhà, mua xe; ngoài 40 tuổi thì có mục tiêu lo cho con cái học đại học; đến ngoài 50 tuổi mới lo đến chuyện sau 60 tuổi nghỉ hưu. Nhưng thực tế thì tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là khoảng 75 và có thể cao hơn, nếu chỉ dùng tiền tích lũy của 10 năm và không tận dụng được nhiều sức mạnh thời gian của việc đầu tư thì khoản này khó có thể đủ.

Thứ hai, dự trù các nhu cầu tài chính cho việc nghỉ hưu cần phải đầy đủ, bao gồm nhu cầu chi tiêu cho bản thân và nhu cầu cho những người phụ thuộc. Đối với nhu cầu chi tiêu cho bản thân, khi về hưu không chắc chắn sẽ tiêu ít tiền hơn nên việc tính toán nhu cầu cần duy trì mức sống tương đương hiện tại, ngoài ra chi phí ăn uống thấp hơn nhưng chi phí y tế lại tăng lên và chi phí giải trí, đi lại có thể tăng. Việc phân bổ tài sản thừa kế nên ưu tiên việc bảo đảm sức khoẻ thể chất và tinh thần cho người cao tuổi.

Thứ ba, phương án dự phòng cần phải sẵn có, phương án bảo hiểm coi trọng tính bảo vệ. Mức trích lập dự phòng cao hay thấp sẽ tùy thuộc vào thanh khoản của danh mục tài sản và tính ổn định của các nguồn thu nhập khi nghỉ hưu. Ngoài ra, gánh nặng bệnh tật của người Việt Nam có xu hướng tăng lên, đặc biệt các bệnh không lây nhiễm, mạn tính như xương khớp, tim mạch, tiểu đường... đang ngày càng phổ biến. Nếu không có những chiến lược về sức khỏe, về tài chính, bảo hiểm thì gánh nặng với gia đình, cộng đồng, xã hội sẽ rất lớn.

Thứ tư, cần có các phương án phòng ngừa rủi ro khi đầu tư. Lợi nhuận từ đầu tư cần đảm bảo mang lại dòng tiền đều đặn, đặc biệt với những người không còn thu nhập từ tiền lương, tiền công mà lương hưu lại không đủ chi tiêu. Tài sản đầu tư cần được đưa vào sản phẩm đầu tư phù hợp với độ tuổi nghỉ hưu, chẳng hạn như đáp ứng các tiêu chí: Hiệu suất lợi nhuận và rủi ro ở mức trung bình, đảm bảo bảo toàn vốn khi đầu tư, hạn chế đầu tư vào những kênh có rủi ro cao cùng biên độ lợi nhuận dao động mạnh. Danh mục đầu tư cần đa dạng để phân tán rủi ro và đáp ứng khả năng thanh khoản cho các mục tiêu khác trong cuộc sống.

Kế hoạch hưu trí chỉ được chuẩn bị tốt trên nền một tài sản đủ tốt, cả về tài sản vô hình và tài sản hữu hình. Hoạch định tài chính cho tuổi hưu sẽ là một kế hoạch toàn diện từ tích lũy, đầu tư gia tăng tài sản đến quản lý chi tiêu, bảo vệ tài chính trước và sau tuổi nghỉ hưu.

Quỹ bảo hiểm xã hội của nước ta sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2030, khi đã bước vào nửa sau của giai đoạn dân số vàng. Đây là kết quả không thể tránh khỏi của các quốc gia. Để chuẩn bị tốt cho giai đoạn này, cần sự quan tâm đến kế hoạch hưu trí từ cấp nhà nước, bộ ngành đến từng cá nhân. Nghề hoạch định tài chính ra đời ở Mỹ năm 1970 cũng xuất phát từ việc giải quyết nhu cầu cấp thiết của bài toán hưu trí này. Thế hệ chuẩn bị cho tuổi nghỉ hưu cuối GenX, đầu GenY thật sự cần đến một chương trình tư vấn tài chính và quản lý gia sản toàn diện.
 

Tin mới lên