Tài chính

Cắt giảm mạnh thuế xuất nhập khẩu, tăng thu ngân sách cách nào?

Năm 2018, Việt Nam tiếp tục thực hiện cam kết cắt giảm thuế theo các hiệp định tự do thương mại (FTAs). Điều này sẽ tác động thế nào đến việc thực hiện nhiệm vụ thu thuế xuất nhập khẩu (XNK) của ngành hải quan? Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) đã trả lời xung quanh vấn đề này.

Cắt giảm mạnh thuế xuất nhập khẩu, tăng thu ngân sách cách nào?

Ảnh minh họa.

- Tổng cục Hải quan được giao chỉ tiêu pháp lệnh thu ngân sách 283.000 tỷ đồng và được "tư lệnh" Bộ Tài chính chỉ đạo phấn đấu tăng thu tối thiểu 3- 5% so với dự toán. Điều này khiến hải quan gặp khó khăn gì, nhất là bối cảnh thuế XNK giảm mạnh, thưa ông?

Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay là 6,7%; xuất khẩu tăng 8- 10% so với 2017; phấn đấu tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao. Mặc dù hoạt động XNK dự kiến tăng 8 - 10% nhưng đúng là nhiệm vụ thu ngân sách sẽ gặp nhiều thách thức khi phải thực hiện hàng loạt các FTAs.

Cụ thể: Từ ngày 1/1/2018, Hiệp định ATIGA với trên 90% dòng hàng hóa có thuế về 0%, bên cạnh đó, Hiệp định ASEAN- Trung Quốc, ASEAN- Hàn Quốc, ASEAN- Nhật Bản cũng có nhiều nhóm hàng sắt thép, điện tử, điện lạnh bước vào giai đoạn cắt giảm mạnh về thuế, đồng nghĩa với việc tiếp tục giảm số thu thuế.

Cùng với việc được hưởng ưu đãi từ các hiệp định thuế quan này, tình hình nhập khẩu chuyển luồng hàng hóa, chuyển luồng thương mại các mặt hàng được nhận định sẽ lớn. Doanh nghiệp sẽ tận dụng các ưu đãi, chuyển từ khu vực chưa được ưu đãi thuế suất sang nhập khẩu hàng hóa ở các nước, khu vực được ưu đãi thuế. Doanh nghiệp có xu hướng nhập khẩu hàng hóa thay thế, hàng hóa có giá trị tương đương, có xuất xứ từ các khu vực được hưởng ưu đãi.

Hàng hóa từ các nước ASEAN nhập khẩu dự báo sẽ tăng mạnh. Năm 2018 có 90% dòng thuế giảm về 0%. Ví dụ như mặt hàng ô tô, năm 2017, thuế suất ô tô mới giảm 10% nhưng lượng nhập khẩu xe ô tô tăng kỷ lục; trong đó có xe từ Thái Lan và Indonesia, Malaysia. Nhận định năm nay sẽ tiếp tục tăng lên khi thuế giảm từ 30% xuống còn 0%. Ngoài ra còn một số mặt hàng khác nữa cũng cắt giảm thuế về 0%.

Dự toán 2018 được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP từ 6,5-6,7%; giá dầu thô 50 USD/thùng; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8%; giảm thu do thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế 30.150 tỷ đồng do phần lớn các dòng hàng theo Hiệp định ATIGA sẽ có thuế suất thuế nhập khẩu giảm xuống 0%.

- Theo ông, trước những thách thức này, Tổng cục Hải quan đã và đang có những giải pháp như thế nào?

Xác định việc thực hiện nhiệm vụ thu năm 2018 là vô cùng thách thức, Tổng cục Hải quan đã giao chỉ tiêu thu ngân sách cho các cục hải quan tỉnh, thành phố ngay trong những ngày đầu tháng 1/2018. Đặc biệt, năm nay chỉ thị phấn đấu thu ngân sách của Tổng cục Hải quan sẽ được ban hành ngay trong tháng 1/2018.

Việc ban hành chỉ thị phấn đấu thu ngân sách sớm hơn 1 tháng so với năm 2017 (ban hành ngày 28/2/2017), cho thấy quyết tâm của Tổng cục Hải quan, mong muốn các cục hải quan tỉnh, thành phố nhìn nhận nhiệm vụ thu đạt chỉ tiêu pháp lệnh 283.000 tỷ đồng là rất khó khăn, cần nỗ lực xây dựng và triển khai giải pháp cụ thể, quyết liệt ngay từ đầu năm.

Trên cơ sở bám sát các chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc, các cục hải quan tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, gắn với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu. Các giải pháp sẽ gắn với tình hình thực tế năm 2018, như tăng cường kiểm soát về trị giá, giá tính thuế, mã số, đặc biệt là kiểm soát về C/O.

Năm nay, các dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và Thông tư số 38/2015/TT-BTC đã được trình Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét ban hành, tạo cơ sở để cơ quan hải quan triển khai hiệu quả công tác thu ngân sách.

Trong đó có một nội dung sửa đổi cơ bản về trị giá, theo đó đã phân định rõ kiểm tra trong thông quan và sau thông quan. Với sự phân định đó, phía hải quan sẽ tập trung nguồn lực bố trí để xử lý những lô hàng, mặt hàng có rủi ro cao ngay ở khâu thông quan, đảm bảo thu ngân sách. Ngược lại những mặt hàng có rủi ro thấp thì sẽ thực hiện kiểm tra sau thông quan, để tạo thuận lợi cho hoạt động XNK,

Cùng với việc sửa văn bản pháp quy, hải quan sẽ tổ chức lực lượng tiếp tục phát huy việc đấu tranh chống gian lận về trị giá nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp XNK. 

Đặc biệt, các loại hàng hóa là nguyên liệu phục vụ sản xuất; các doanh nghiệp có ý thức chấp hành tốt pháp luật…sẽ được thông quan ngay và kiểm tra sau. Ngược lại, những hàng hóa có rủi ro cao, đặc biệt là hàng hóa của doanh nghiệp có ý thức tuân thủ pháp luật không cao sẽ phải thực hiện kiểm tra trong thông quan để có thể thu ngay được thuế vào ngân sách.

Theo thông tin từ Tổng cục hải quan chiều 29/1, trong tháng đầu tiên của năm 2018, tổng trị giá XNK hàng hoá của cả nước ước đạt 38,3 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng 12/2017; trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 19 tỷ USD, giảm 3,3% và trị giá nhập khẩu ước đạt 19,3 tỷ USD, giảm 3%.

So với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 01/2018 ước tính tăng 39,9%, trong đó xuất khẩu ước tăng 33,1% và nhập khẩu ước tính tăng 47,4%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2018 ước tính thâm hụt 300 triệu USD, tương đương 1,6% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng.

Số thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) từ ngày 1/1 đến ngày 28/1 Kho bạc Nhà nước cung cấp đạt 20.629 tỷ đồng đạt 7,29% dự toán. Trên cơ sở số thu những ngày đầu tháng 1 và ước kim ngạch XNK trong tháng 1/2018 cũng như tình hình kinh tế nói chung hiện nay, ước thu tháng 1/2018 đạt 22.500 – 23.000 tỷ đồng, bằng 8% dự toán, tăng 9,65% so với cùng kỳ năm 2017 (20.520 tỷ đồng).


Tin mới lên