[Câu chuyện kinh doanh] Tham vọng xây dựng một ‘nền kinh tế Alibaba’ của Jack Ma

Trang Lê - 14/12/2017 10:24 (GMT+7)

(VNF) – Những thành tích mà Alibaba đang đạt được là niềm mơ ước của bất kỳ một hãng thương mại điện tử nào trên thế giới, tuy nhiên, có vẻ như tham vọng của nhà sáng lập Alibabab, Jack Ma, còn lớn hơn thế.

VNF
Jack Ma đang hướng tới xây dựng một "nền kinh tế Alibaba" cho đến năm 2036.

Kỳ tích mang tên "Alibaba"

Sự ra đời của Alibaba cũng như câu chuyện khởi nghiệp của Jack Ma có thể nói là một trong những "sự tích" lý thú nhất. Năm 1995, Jack Ma sử dụng Internet để tìm kiếm từ khóa "bia Trung Quốc" nhưng không cho ra bất kỳ một kết quả nào. Trong khi đó, các trang web tìm kiếm lại cung cấp rất nhiều thông tin về bia Đức và Mỹ.

Jack Ma nhận thấy sự cần thiết và khả năng bùng nổ của những trang web tìm kiếm và thương mại, đặc biệt là một mạng lưới trực tuyến dành riêng cho người Trung Quốc, ở một thị trường hơn tỷ dân.

Sự ra đời của Alibaba cũng như câu chuyện khởi nghiệp của Jack Ma có thể nói là một trong những "sự tích" lý thú nhất.

Tập đoàn Alibaba được thành lập vào năm 1999 bởi 18 người do Jack Ma dẫn đầu. Ngay từ đầu, ông đã tin rằng Internet sẽ nâng cao sân chơi thương mại tại thị trường Trung Quốc và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng sự đổi mới trong công nghệ để phát triển và cạnh tranh hiệu quả hơn tại thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Alibaba kết nối các nhà xuất khẩu trong nước với khách hàng nước ngoài. Cách thức hoạt động của Alibaba là sự kết hợp giữa hai công ty công nghệ lớn của Mỹ là công ty cung cấp dịch vụ đấu giá trực tuyến eBay và hãng bán lẻ trực tuyến Amazon.

Alibaba thực sự tạo nên một "cú nổ" trên thị trường nội địa Trung Quốc. Năm 2003, Alibaba cho ra mắt Taobao, kênh mua sắm trực tuyến lớn nhất dành cho người tiêu dùng ở Trung Quốc với hơn 80 triệu thành viên đăng ký. Alibaba và Taobao lớn mạnh đến nỗi vào năm 2006, eBay đã buộc phải đóng cửa trang web của họ tại Trung Quốc.

Alibaba lớn mạnh đến mức có thể đẩy "gã khổng lồ" eBay ra khỏi thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, Alibaba đã phát triển thêm Alimama, nền tảng trao đổi quảng cáo trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc, và Alipay, dịch vụ thanh toán trực tuyến hàng đầu tại đây. Năm 2005, Yahoo! đã bàn giao lại hoạt động của họ tại Trung Quốc cho Alibaba trong một giao dịch mà Yahoo! phải chi trả tới 1 tỷ USD cho 40% cổ phần của Alibaba.

Năm 2014, Alibaba mạnh tay niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ với mã BABA. Đợt IPO này đem lại cho Alibaba khoản tiền 21,8 tỷ USD, con số lớn nhất trong lịch sử với một công ty niêm yếu trên sàn chứng khoán Mỹ.

Chiến lược "Five New" trong thời đại mới

Mới đây, nhà sáng lập Alibaba, Jack Ma đã thể hiện quyết tâm xây dựng một đế chế mới, mà theo ông, được gọi là "nền kinh tế Alibaba" bằng cách đầu tư hơn 15 tỷ USD để nghiên cứu và phát triển hệ thống thương mại điện tử khổng lồ này.

Jack Ma cho biết, ông sẽ tạo nên một "nền kinh tế Alibaba" thông qua chiến dịch "Five New" (5 bước mới). Trong "Thư gửi các cổ đông năm 2017", Chủ tịch Alibaba nhấn mạnh rằng: "Trong khi các cổ đông công ty chỉ mong đợi chúng ta đem về lợi nhuận bao nhiêu, chúng ta vẫn phải thực hiện một xứ mệnh cao hơn cả việc kiếm tiền".

"Thương mại điện tử đang nhanh chóng phát triển thành một hình thức bán lẻ mới – 'New Retail'. Ranh giới giữa việc buôn bán trực tiếp và thương mại điện tử sẽ biến mất khi chúng tôi tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu cá nhân của từng khách hàng. Tại Trung Quốc, sáng kiến 'New Retail' (Bán lẻ kiểu mới) của chúng tôi đang bắt đầu bằng chiến lược 'Five New' (5 điểm mới), bao gồm New Retail (bán lẻ kiểu mới), New Finance (tài chính mới), New Manufacturing (Sản xuất mới), New Technology (công nghệ mới) và New Energy (năng lượng mới)", Jack Ma cho hay.

Jack Ma cho biết, ông sẽ tạo nên một "nền kinh tế Alibaba" thông qua chiến dịch "Five New" (5 bước mới). 

Qua đó, Alibaba tạo ra một nền tảng cho phép đem lại 100 triệu việc làm mới, phục vụ 2 tỷ người và hỗ trợ trên 10 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa có lợi nhuận. Hướng tới năm 2036, cơ sở hạ tầng của Alibaba sẽ hỗ trợ hoạt động thương mại với giá trị giao dịch khổng lồ, hứa hẹn được xếp hạng là "nền kinh tế" lớn thứ 5 trên thế giới.

Theo Jack Ma, sự thúc đẩy của chính phủ Trung Quốc đối với chính sách "Một vành đai, một con đường" là một cơ hội tuyệt vời cho Alibaba phát triển kinh doanh quốc tế.

Ông tuyên bố: "Cách thức bán lẻ mới sẽ mang lại một chuỗi cung ứng toàn cầu và làm thay đổi toàn bộ thương mại toàn cầu hóa trên mọi lĩnh vực, từ công ty lớn sang các doanh nghiệp nhỏ".

Chính sách "Một vành đai, một con đường" đem lại cơ hội tuyệt vời cho Alibaba phát triển kinh doanh quốc tế.

Alibaba sẽ tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ để phát triển hơn nữa khu vực nông thôn Trung Quốc. Jack Ma cho biết: "Nếu Alibaba có thể giúp các làng nông thôn và khu vực nghèo trên khắp Trung Quốc, giúp họ cải thiện điều kiện sống thông qua công nghệ, thì chúng ta sẽ có cơ hội tạo sức ảnh hưởng đến những nơi khác trên thế giới, xóa tan khoảng cách giàu nghèo trên toàn cầu.

Tôi tin rằng, đây là cơ hội rất tốt để giúp giảm đói nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế ở vùng nông thôn Trung Quốc thông qua công nghệ và đổi mới. Đây là cơ hội của chúng tôi và chúng tôi sẽ chứng minh điều này bằng hết năng lực của mình".

Cùng chuyên mục
Tin khác