CBBank: Về nhà mới sau gần 10 năm tái cơ cấu
(VNF) - CBBank được chuyển giao cho Vietcombank trong chiều 17/10, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước.
Đổi tên khó không đổi vận
Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) – một trong ba ngân hàng 0 đồng sẽ được chuyển giao bắt buộc về Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Đây là nhà băng đầu tiên bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng vào ngày 2/2/2015, sau khi bị liệt vào danh sách 9 ngân hàng yếu kém trong năm 2012.
Nhìn lại hành trình của CBBank, nhà băng này tiền thân là Ngân hàng TMCP nông thôn Rạch Kiến, được thành lập rất sớm từ năm 1989. Ngân hàng chuyển đổi mô hình hoạt động, đồng thời đổi tên lần đầu vào năm 2007 thành mô hình ngân hàng TMCP đô thị, tên mới là Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank).
Lần đổi tên thứ hai, sau khi trải qua giai đoạn tăng trưởng nhanh từ năm 2008-2010, rồi đến giai đoạn khó khăn, suy thoái 2011-2012, hoạt động kinh doanh của TrustBank xuống dốc, tỷ lệ nợ xấu gia tăng và phải thực hiện tái cơ cấu với sự tham gia của nhóm cổ đông chiến lược mới được NHNN phê duyệt.
Cái tên Đại Tín – TrustBank sau đó cũng được đổi thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (Vietnam Construction Bank - VNCB) với chiến lược phát triển đáp ứng nhu cầu thiết thực của nền kinh tế Việt Nam nói chung và của ngành xây dựng nói riêng.
Đổi tên nhưng chưa thể đổi vận, tình hình tại CBBank lúc bấy giờ trở nên nghiêm trọng hơn khi lỗ luỹ kế ngày càng gia tăng. Tính đến cuối năm 2013, lỗ luỹ kế của CBBank đã lên đến 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng. Đến cuối năm 2014, phần vốn chủ sở hữu âm tới hơn 24.000 tỷ và lỗ lũy kế 27.000 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh đi xuống của CBBank, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao là do hàng loạt vi phạm của ông Phạm Công Danh – Chủ tịch ngân hàng này lúc bấy giờ (thuộc nhóm cổ đông mới được giao tái cơ cấu CBBank) và đồng phạm gây ra, với vi phạm rõ nhất là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Một lần nữa, CBBank lại rơi vào tình trạng khó khăn và lần này, nhà băng đã được NHNN mua lại toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng vào năm 2015, chuyển đổi mô hình thành ngân hàng TM TNHH MTV. Các cổ đông của CBBank cũng chấm dứt tư cách cổ đông sau giao dịch này.
Kể từ đây, CBBank hoạt động dưới mô hình ngân hàng 100% vốn Nhà nước, cùng sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank về quản trị, công nghệ, khách hàng,… Tuy nhiên, nội dung hỗ trợ quan trọng nhất liên quan tới xử lý nợ xấu và các vấn đề về thanh khoản.
Thành quả sau gần 10 năm tái cơ cấu
Sau khi về “chung đội” với Vietcombank, cái tên CBBank chính thức được sử dụng, thay cho tên viết tắt trước đó là VNCB. Nhận diện thương hiệu của nhà băng này cũng được thay đổi mới hoàn toàn với màu vàng, xanh nước biển chủ đạo, khác với trước đó là màu xanh nước biển và trắng là chủ đạo.
Thay tên, thay áo, chỉ sau 120 ngày kể từ khi được mua lại với giá 0 đồng, các hoạt động kinh doanh của CBBank đồng loạt được khôi phục trở lại. Hơn 1 năm sau khi chuyển đổi mô hình, tháng 7/2016, CBBank được NHNN cấp phép đầy đủ hoạt động nghiệp vụ của một ngân hàng thương mại như huy động vốn, sử dụng vốn, cấp tín dụng, trung gian tài chính, cho vay khách hàng cá nhân, bảo lãnh, phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ.
Theo thông tin mới nhất từ CBBank, sau 9 năm vượt khó, tổng tài sản của nhà băng này tăng gần 33%, thu nhập lãi và tương tự tăng 70%/năm, trong khi chi phí nhân viên chỉ tăng 15%/năm. Từ năm 2017, thu nhập từ lãi bù đắp được chi phí nhân viên.
Từ năm 2020, thu nhập từ lãi bù đắp được chi phí hoạt động và một phần chi phí trả lãi tiền gửi. Đến năm 2022, CBBank chính thức được NHNN phê duyệt kế hoạch kinh doanh và hoàn thành 100% các chỉ tiêu.
Cuối năm 2023, sau nhiều năm “gồng mình” cùng hệ thống lạc hậu từ ngân hàng tiền nhiệm, CBBank đã hoàn thành việc chuyển đổi đưa vào vận hành hệ thống Core Banking sau nâng cấp, được đánh giá là bước chuyển mình quan trọng của ngân hàng này trong hành trình phát triển, cũng như là bước đệm quan trọng hướng đến mục tiêu phục vụ nhu cầu tài chính đa dạng của khách hàng trên nền tảng số.
Theo thông tin từ Vietcombank, hỗ trợ về kỹ thuật cho CBBank, Vietcombank đã triển khai phương án hỗ trợ kỹ thuật ngân hàng. Năm 2022, Vietcombank đã cho vay 10.000 tỷ đồng và 6.700 tỷ đồng vào năm 2023. Do quy định, khoản nợ được xếp vào nhóm 5. Trong quý I/2024, sau khi hoàn nhập, số dư của những khoản nợ này đã giảm về 1.000 tỷ đồng.
Đại diện CBBank từng cho biết, việc được chuyển giao về một trong những tổ chức tín dụng hàng đầu Việt Nam sẽ mở ra hành trình mới với ngân hàng này, sau nhiều năm kiên định trên hành trình tái cơ cấu.
Chính thức chuyển giao hai 'ngân hàng 0 đồng' CBBank và OceanBank
- Hé lộ 2 ngân hàng 0 đồng sắp được chuyển giao bắt buộc 08/10/2024 05:24
- Tổ chức lễ chuyển giao chính thức 2 ngân hàng 0 đồng 07/10/2024 08:26
- Tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng: Bước ngoặt sau một thập kỷ chờ đợi 25/06/2024 10:00
Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.