CEO Ford Việt Nam: 'Đầu tư thêm 80 triệu USD để đón đầu nhu cầu thị trường'
Lê Ngà -
21/02/2021 08:53 (GMT+7)
(VNF) - "Thời kỳ đỉnh điểm của dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam trong tháng 3- 4/2020, tất cả các chỉ tiêu kinh doanh được gác lại để các hệ thống đại lý có thể tập trung mọi nguồn lực vào việc chống dịch", ông Phạm Văn Dũng - Tổng giám đốc Ford Việt Nam cho biết.
- Nhìn lại hành trình của Ford tại Việt Nam, ông có thể chia sẻ về một số thành tựu trong 25 năm qua?
Ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam: Ford có mặt tại thị trường Việt Nam đến nay đã tròn 25 năm, một hành trình 1/4 thế kỷ của một hãng xe Mỹ đặt chân trên dải đất hình chữ S với dân số 100 triệu dân. Nhớ lại những ngày đầu, chúng tôi chỉ bán được 1 xe/ngày, khoảng 300 xe/năm nhưng đến thời điểm năm 2019 chúng tôi đã đưa ra thị trường khoảng 34.000 xe, tăng khoảng 100 lần.
Thời điểm những năm 1997-1998, nhận thấy nhu cầu vận tải của Việt Nam rất cao, cộng thêm sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế trong nước, chúng tôi đã đưa sản phẩm xe tải Trader về nước và nhanh chóng được người tiêu dùng trong nước đón nhận.
Nối tiếp thành công đó, chúng tôi tiếp tục mở rộng chuỗi sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, năm 2000, Ford tiếp tục giới thiệu ra thị trường mẫu xe Ford Laser và bán tải Ranger ra mắt 1 năm sau đó. Cùng thời điểm đó, chúng tôi cũng đã giới thiệu ra thị trường mẫu minibus 16 chỗ Transit.
Tiếp nối các năm sau đó, Ford cũng phổ cập thêm nhiều mẫu xe khác để tăng sự hiện diện của hãng ở mọi phân khúc như SUV tầm trung Everest, SUV cỡ lớn Explorer (nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ). Đặc biệt ở thời điểm năm 2015, nắm bắt được nhu cầu của tầng lớp người sử dụng xe máy chuyển đổi lên sử dụng ô tô, chúng tôi ngay lập tức mở bán mẫu mini SUV EcoSport – mẫu xe phù hợp cho việc di chuyển trong các khu đô thị và bán trước các đối thủ cạnh tranh sau một thời gian khá dài.
Hiện tại Ford Việt Nam tiếp tục phát triển để phổ cập các sản phẩm của mình dựa trên thế mạnh của Ford toàn cầu.
Đầu tiên là thế mạnh về dòng xe thương mại bao gồm: xe 16 chỗ, xe pick-up. Thế mạnh thứ hai đó là về các dòng xe SUV (Ford EcoSport, Everest, Explorer) được Ford phát triển hơn 80 năm qua. Trong đó, Việt Nam là nước có sản phẩm SUV đa dạng nhất trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của dòng SUV tại Việt Nam và Ford đã có những thành công như thế nào?
Thành công thì rất nhiều.
Ví dụ như mẫu SUV tầm trung Everest đã chiếm được một chỗ đứng nhất định trên thị trường. Thời điểm 2018 khi chúng tôi đưa trở lại mẫu xe này vào thị trường trong nước thì thị phần chỉ chiếm có 6-7% nhưng đến năm 2019 tăng lên khoảng 30%. Đáng chú ý là năm 2020, chỉ tính riêng trong quý 3 đã có những tháng có doanh số tăng tới 40-45%.
Ngoài ra, mẫu SUV cỡ lớn Explorer cũng được người tiêu dùng trong nước nhiệt tình đón nhận với nhiều tháng doanh số dẫn đầu phân khúc trong bảng xếp hạng.
Trong năm tới đây, Ford sẽ tiếp tục đưa ra các sản phẩm mới dựa trên thế mạnh của hãng, những sản phẩm đã được khẳng định ở trên thị trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa vào thị trường Việt Nam một mẫu mini SUV cỡ nhỏ hoàn toàn mới trong tời gian tới, bởi tiềm năng ở phân khúc này rất là lớn.
- 25 năm qua, đội ngũ của Ford Việt Nam từ lãnh đạo tới nhân viên thay đổi thế nào, thưa ông?
Ngoài việc gặt hái được nhiều thành công về mặt doanh số và sản phẩm, về con người, đội ngũ nhân viên của công ty trong suốt nửa thập kỷ qua của chúng tôi cũng đã có những bước tiến triển vượt bậc tại Việt Nam.
Trong đó, đáng chú ý và đặc biệt nhất đó là toàn bộ ban điều hành lãnh đạo của công ty 100% là người Việt (duy nhất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương) từ vị trí quản lý cấp trung đến cấp cao.
- Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính phủ từng ra chỉ thị giãn cách xã hội, điều này khiến không ít đại lý, nhà máy sản xuất ô tô – xe máy trong nước bị gián đoạn (tạm đóng cửa). Ông có thể chia sẻ những khó khăn về tình hình kinh doanh của công ty trong 6 tháng đầu năm 2020, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hoành? Ông và lãnh đạo công ty đã có những biện pháp, hay giải pháp gì để đối mặt với những khó khăn đó?
Phải thừa nhận rằng dịch Covd-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đối với nền kinh tế không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới cả về chiều sâu, chiều rộng trong một thời gian dài và chưa có tiền lệ trong lịch sử.
Nhớ lại thời kỳ đỉnh điểm của dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam trong tháng 3- 4/2020 thì ưu tiên hàng đầu của Ford toàn cầu và Ford Việt Nam đó là làm thế nào có được môi trường làm việc tốt nhất để giữ an toàn cho nhân viên.
Nói rộng ra đó là ưu tiên đảm bảo an toàn cho nhân viên của Ford Việt Nam, nhân viên các hệ thống đại lý và các khách hàng của chúng tôi.
Đối mặt với khó khăn trên, thời điểm đó chúng tôi không đặt mục tiêu kinh doanh lên đầu, tất cả các chỉ tiêu kinh doanh được gác lại để các hệ thống đại lý có thể tập trung mọi nguồn lực vào việc chống dịch.
Rất nhiều hướng dẫn cụ thể về việc đảm bảo an toàn từ tập đoàn đã được đội ngũ cán bộ, nhân viên của Ford Việt Nam chuyển đổi sang tiếng Việt một cách dễ hiểu nhất để kịp thời gửi tới các đại lý và toàn thể nhân viên.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tái cơ cấu lại hoạt động để làm sao giữ được lực lượng lao động và đảm bảo thu nhập cho mọi người. Có một vài tháng một số bộ phận nhân viên của công ty phải tạm nghỉ việc và sau khi kiểm soát được dịch bệnh, chúng tôi đã mời họ quay trở lại làm việc bình thường.
- Doanh số thời điểm dịch Covid-19 bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
Doanh số trong những tháng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bị giảm mạnh nhưng bù lại chúng tôi cũng đã áp dụng nhiều cách làm mới, phương thức bán hàng mới (giao xe tại nhà miễn phí, tạo dựng các chương trình bán hàng online, chương trình showroom trực tuyến) và khi dịch bệnh qua đi thì doanh số phục hồi rất nhanh và cũng đạt được những thành tích khá ấn tượng.
Cụ thể, trong quý 3, bán tải Ford Ranger đạt thị phần cao nhất trong lịch sử kể tới 75%, cao nhất kể từ khi hoạt động tại thị trường Việt Nam. Đối với mẫu xe Everest, trong quý 3/2020, chúng tôi cũng lần đầu dẫn dầu ở phân khúc xe SUV tầm trung và đạt thị phần 45%.
- Ông kỳ vọng về doanh số bán hàng của hãng trong cả năm 2020 là bao nhiêu?
Chúng tôi kỳ vọng doanh số cả năm 2020 sẽ đạt khoảng 24.000 -25.000 xe và riêng tháng 12, doanh số sẽ đạt khoảng 3.700 -3.800 xe.
- Một sự kiện đáng chú ý của Ford Việt Nam trong năm 2020 đó là “Đánh dấu cột mốc 25 năm Ford hoạt động tại Việt Nam, Ford vừa công bố quyết định đầu tư thêm 80 triệu USD (tương đương hơn 1.900 tỷ đồng) nhằm nâng cấp mở rộng nhà máy ở Hải Dương với mục tiêu tăng công suất hàng năm lên 35.000 xe”, tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã tác động như thế nào đến kế hoạch của công ty, thưa ông?
Việc mở rộng đầu tư thêm 80 triệu USD để mở rộng nhà máy, nâng tổng công suất của nhà máy từ 14.000 xe/năm lên 35.000 xe/năm theo kế hoạch triển khải hồi đầu năm của chúng tôi cũng đã bị gián đoạn.
Trong quá trình lắp đặt các thiết bị máy móc cần phải có đội ngũ chuyên gia rất đông từ nước ngoài sang để hỗ trợ, tuy nhiên do tình hình của dịch Covid-19 khiến việc đi lại bị hạn chế, các chuyên gia không thể sang được kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8.
Sau khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát, chúng tôi đã mời các chuyên gia trở lại và kể từ đầu tháng 8 quá trình mở rộng nhà máy đang được tiến hành lại, toàn bộ nhân lực đang hoạt động hết công suất để đẩy nhanh tiến độ như kế hoạch ban đầu.
- Ông đánh giá như thế nào về thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2021 khi dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát?
Khả năng cao thị trường ô tô Việt Nam sẽ phục hồi và quay trở lại ở mức trước dịch nếu như dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế phát triển ở mức 6-7% theo đánh giá của Chính phủ và một số tổ chức quốc tế.
Ford Việt Nam hiện tại cũng đang có những kế hoạch, những điều chỉnh phù hợp để có thể bước vào năm 2021 một cách thành công nhất.
- Một mẫu xe được khách hàng tại Việt Nam rất quan tâm hiện nay là chiếc SUV nhỏ gọn Escape thế hệ mới, tuy nhiên do ảnh hưởng của Covid-19 khiến mẫu xe này không diễn ra như đúng kế hoạch. Ông có thể hé lộ một chút về thời gian sẽ mở bán mẫu xe này trong năm 2021?
Hiện tại chúng tôi chưa có kế hoạch ra mắt mẫu xe này tại Việt Nam.
Ford chính thức công bố bổ nhiệm ông Phạm Văn Dũng vào chức vụ Tổng Giám đốc Ford Việt Nam kể từ ngày 1/8/2015.
Ông Phạm Văn Dũng bắt đầu làm việc tại Ford Việt Nam từ năm 1998 với vị trí kế toán doanh nghiệp. Ông Dũng ngày càng đảm nhiệm những vị trí quan trọng hơn của Ford tại Việt Nam khi hoạt động kinh doanh của công ty ngày càng phát triển.
Ông Dũng đã đảm nhiệm nhiều vị trí công việc liên quan đến các hoạt động tài chính của Ford Việt Nam. Ông Dũng đã công tác tại Melbourne, Úc vào những năm 2004-2005, phụ trách Tài chính cho bộ phận Bán hàng và Dịch vụ của Ford Úc trước khi trở về Việt Nam và đảm nhiệm vị trí Giám Đốc Tài Chính tại Ford Việt Nam từ năm 2009.
Ông Dũng luôn là một thành viên tích cực đóng góp cho ngành công nghiệp ô tô nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung. Trong đó có thể kể đến Hiệp hôi Các nhà Sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt nam (Amcham)
Ông Dũng nhận bằng Cử nhân và bằng Thạc sỹ Kinh tế tại trường Đại học Thương mại Việt Nam, và bằng Thạc sỹ Tài chính tại trường Đại học Công nghệ Swinburn, Úc.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.