CEO Sông Đà - Thăng Long bị hoãn xuất cảnh: Dự án bỏ hoang hơn 1 thập kỷ, lỗ hàng nghìn tỷ

Trọng Hiếu - 28/12/2023 23:46 (GMT+7)

Sông Đà - Thăng Long được thành lập từ ngày 5/12/2006, tiền thân là một thành viên thuộc Tổng Công ty Sông Đà và cũng có lĩnh vực kinh doanh chính là BĐS.

Ngày 22/12, Cục Thuế TP Hà Nội đã có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Vũ Tiến Dũng, là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của CTCP Sông Đà - Thăng Long (mã chứng khoán: STL).

Cùng ngày, Cục Thuế thành phố Hà Nội cũng đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội để thông báo và đề nghị phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan thuế trong trường hợp Sông Đà - Thăng Long thay đổi người đại diện theo pháp luật, đồng thời cung cấp các tài liệu chứng minh sự thay đổi cho cơ quan thuế.

Sông Đà Thăng Long được thành lập từ ngày 5/12/2006, tiền thân là một thành viên thuộc Tổng Công ty Sông Đà. Trong chiến lược kinh doanh 5 năm từ năm 2022-2027, công ty cho biết tập trung vào 3 lĩnh vực chính, gồm bất động sản, nông nghiệp và Farmstay.

Theo thông tin trên trang chủ, ở mảng bất động sản công ty cho biết đang tập trung hoàn thành các dự án còn dở dang như dự án Usilk City (Hà Nội) hay khu dân cư cồn Tân Lập (Nha Trang - Khánh Hòa). Đối với lĩnh vực nông nghiệp, công ty giới thiệu tập trung đầu tư mở rộng lĩnh vực trồng rừng và phát triển nông nghiệp sạch trên cơ sở quỹ đất mua hoặc thuê của nhà nước và các hộ dân.

Dự án Usilk City được khởi công từ năm 2008, gồm 9 khối nhà ở chung cư cao tầng với 2.800 căn hộ chung cư cao cấp, kèm theo hệ thống công trình dịch vụ công cộng, tiện ích xanh và hiện đại với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chủ đầu tư đã gần như biến dự án "đáng sống bậc nhất quận Hà Đông" thành một dự án bỏ hoang ngay giữa Hà Nội. Hàng nghìn người rơi vào cảnh khó khăn, bức xúc suốt nhiều năm qua.

Theo thiết kế ban đầu, các tòa nhà chung cư tại dự án có chiều cao từ 25 đến 50 tầng. Tại dự án này, Sông Đà - Thăng Long Mặc dù cam kết bàn giao cho khách hàng mua căn hộ tại tòa 101, 102, 103 vào năm 2013 nhưng đã không làm được, phải đến đầu năm 2016 khách hàng mới được nhận căn hộ. Còn những tòa khác hiện vẫn đang trong tình trạng dang dở.

Theo khách hàng, trong quá trình thực hiện dự án từ 2009 đến 2012, chủ đầu tư đã huy động vốn của hàng nghìn khách hàng với số tiền hơn hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng do quá trình đầu tư dàn trải, phân tán... Sông Đà Thăng Long đã "bỏ quên" quyền lợi của khách hàng tại dự án Usilk City.

Dự án Usilk City.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Sông Đà - Thăng Long vào năm 2015 thì một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp chậm tiến độ tại dự án Usilk City là do những khó khăn về dòng tiền.

Mặc dù đang đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM tuy nhiên lần cuối cùng doanh nghiệp này công bố kết quả kinh doanh là vào năm 2019. Theo đó, suốt trong giai đoạn 2011-2019 công ty này đều báo lỗ. Thậm chí năm 2014 và 2015 công ty này còn lỗ gần 1.000 tỷ đồng.

Với quãng thời gian dài báo lỗ như trên, công ty đã bắt đầu lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu kể từ năm 2013. Đến năm 2019, doanh nghiệp này lỗ lũy kế 2.700 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 2.500 tỷ đồng. Nguồn vốn được tài trợ chủ yếu bởi nợ vay.

Với việc không công bố BCTC kiểm toán suốt từ năm 2017 đến nay, kể từ ngày 15/12/2023 cổ phiếu STL của Sông Đà - Thăng Long đã bị đình chỉ giao dịch.

Theo Nhịp sống thị trường
Cùng chuyên mục
Tin khác