Tài chính tiêu dùng

Chậm ban hành quy định về sandbox cho fintech: Lúng túng vì thiếu tự tin

(VNF) - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc chậm ban hành cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho fintech chứng tỏ sự thiếu tự tin của các cơ quan quản lý. Các bộ ngành gồm Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp rất lúng túng trong vấn đề phê chuẩn sandbox, nguyên nhân lớn đến từ trình độ hi-tech còn thấp của Việt Nam.

Chậm ban hành quy định về sandbox cho fintech: Lúng túng vì thiếu tự tin

(Ảnh minh hoạ)

Chậm trễ ban hành sandbox cho fintech

Dự thảo về nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng được khởi động từ năm 2021. Sau khoảng 3 năm, nghị định này vẫn đang trong quá trình xây dựng và đã trải qua 7 phiên bản dự thảo. Ở dự thảo mới nhất của NHNN, các giải pháp Fintech được cho phép thử nghiệm đã thu hẹp từ 6 còn 3 giải pháp.

NHNN cho biết việc rút gọn này được thực hiện căn cứ trên nguồn lực triển khai, ý kiến thẩm định lần 1 của Bộ Tư pháp và trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật có liên quan.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, cửa khó qua nhất của nghị định này là Bộ Tư pháp. Dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng đã qua được nhiều cửa, đi từ bộ này đến bộ kia nhưng đang dừng lại ở Bộ Tư pháp vì lo ngại vấn đề về rủi ro.

Đơn cử như giải pháp cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ, giải pháp được đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro và đã bị loại khỏi cơ chế thử nghiệm. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc loại bỏ giải pháp này là hành động đúng đắn, vì việc cho vay liên quan đến rất nhiều hồ sơ, giấy tờ, trong khi đó nền tảng công nghệ giống như mạng ảo, không có người kiểm soát do đó mức độ rủi ro càng cao.

TS Nguyễn Trí Hiếu kỳ vọng, các cơ quan ban ngành sẽ sớm hoàn thành việc nghiên cứu và phê chuẩn để sớm đưa ra chương trình thử nghiệm, trễ nhất là tới giữa năm 2024. Theo ông, việc chậm trễ ban hành chứng tỏ sự thiếu tự tin của cả hệ thống.

“Các bộ ban ngành bao gồm NHNN và đặc biệt là Bộ Tư pháp rất lúng túng trong vấn đề phê chuẩn sandbox. Sự lúng túng này có thể được tác động bởi nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là trình độ hi-tech của Việt Nam còn thấp”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này còn đề cập tới vấn đề bảo mật - một trong những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực tài chính, bao gồm cả công nghệ tài chính (Fintech). Hệ thống bảo mật của Việt Nam được đánh giá là còn lỏng lẻo và mong manh.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, phải giải quyết vấn đề bảo mật trước, rồi mới bàn tới các kĩ thuật cao cho công nghệ tài chính.

“Bảo mật thông tin là vấn đề hàng đầu trong tất cả sandbox. Nếu chúng ta không đủ khả năng xây dựng những bức tường lửa, làm phát sinh những lỗ hổng bảo mật thì những người xây dựng, phê chuẩn sandbox phải chịu trách nhiệm”, TS Nguyễn Trí HIếu cho hay.

Phải hết sức cẩn thận với mô hình P2P Lending

Cẩn thận với P2P Lending

P2P Lending (cho vay ngang hàng) là một trong 3 giải pháp Fintech dự kiến được cho phép thử nghiệm khi nghị định về sandbox được ban hành. Giải pháp Fintech này đã xuất hiện ở Việt Nam từ nhiều năm trước, từng trải qua giai đoạn nở rộ với sự góp mặt của khoảng 100 công ty cho vay ngang hàng khác nhau trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, việc thiếu khung pháp lý đã làm mô hình này biến tướng, là nơi núp bóng cho tín dụng đen, đưa người dùng vào nhiều rủi ro đối với cả bên cho vay và bên vay.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc sớm ban hành nghị định về sandbox, sớm có khung pháp lý cho hoạt động P2P Lending là điều tốt, nhưng phải hết sức cẩn thận với mô hình này. Số lượng công ty được phép tham gia thử nghiệm về P2P Lending phải rất hạn chế để cơ quan quản lý có thể quan sát và kiểm soát.

“Trong thời gian thử nghiệm sandbox, chỉ những công ty được cấp giấy phép hoạt động được tham gia, còn những công ty không nằm trong chương trình thử nghiệm phải bị đóng cửa để đảm bảo hoạt động P2P Lending có thể được theo dõi và kiểm soát được rủi ro”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Ngoài ra, chuyên gia cho rằng cần phải bổ sung một số điều khoản vào Luật Dân sự liên quan đến vấn đề cho vay cá nhân để bảo vệ được cả bên vay và bên cho vay.

“Giữa các cá nhân nếu xảy ra tranh chấp trong giao dịch mua bán thì sẽ dễ giải quyết, nhưng tranh chấp trong giao dịch cho vay thì lại khó giải quyết  hơn, chưa kể đến cho vay tín chấp, thế chấp, xử lý tài sản đảm bảo giữa 2 người”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Chuyên gia cho biết NHNN dù là cơ quan soạn thảo nghị định về sandbox cho Fintech nhưng lại không trực tiếp quản lý các công ty P2P Lending mà chỉ quản lý các định chế tài chính, tổ chức tín dụng. Khi xảy ra rủi ro với mô hình P2P Lending, Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nghiệm.

Tin mới lên