Diễn đàn VNF

'Đặt ra một luật mới để ban hành cơ chế thử nghiệm thì không còn là sandbox'

(VNF) - TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng sandbox là không gian được tạo ra để doanh nghiệp tự do làm và thí điểm, cơ quan quản lý đứng ngoài theo dõi, đánh giá và trên cơ sở đó ban hành quy định điều chỉnh.

'Đặt ra một luật mới để ban hành cơ chế thử nghiệm thì không còn là sandbox'

TS. Nguyễn Đình Cung

Tại hội thảo công bố báo cáo "Dòng chảy Pháp luật Kinh doanh 2021" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều vướng mắc về không gian thử nghiệm pháp lý sandbox đã được đơn vị này nêu lên, trong đó đáng nói là loại văn bản pháp luật ban hành sandbox.

Theo VCCI, hiện chưa có một chuẩn chung, một “mô típ” cụ thể cho việc ban hành khung khổ thử nghiệm pháp lý. Việc ban hành sandbox đang phụ thuộc vào trường hợp, cách tiếp cận và quan điểm của từng cơ quan soạn thảo.

Một số dự luật không hề đề cập hoặc dự liệu việc thiết lập sandbox như dự thảo Luật Giao thông đường bộ không có quy định liên quan đến cơ chế thử nghiệm xe không người lái, hay đề xuất xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng không đề cập đến vấn đề ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nhà ở, bất động sản (protech) và cơ chế, chính sách cho hoạt động này.

Trong khi đó, một số dự luật khác đã bước đầu tiếp cận khi quy định cho phép xây dựng cơ chế sandbox như đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Về vấn đề này, các chuyên gia tại hội thảo "Dòng chảy Pháp luật Kinh doanh Việt Nam 2021" đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều.

TS Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng nếu đặt ra 1 luật mới để thực hiện cơ chế thử nghiệm thì không còn là sandbox. Theo ông, sandbox là không gian được tạo ra để doanh nghiệp tự do làm và thí điểm, cơ quan quản lý đứng ngoài theo dõi, đánh giá và trên cơ sở đó ban hành quy định điều chỉnh.

Việc ban hành nhiều quy định trước khi thực hiện cơ thế thử nghiệm đã dẫn đến kết quả là nhiều năm qua Việt Nam vẫn chưa có sandbox.

Đồng quan điểm, TS Chu Thị Hoa, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, cũng cho rằng cách hiểu và làm về sandbox như trong báo cáo của VCCI hiện nay là không đúng, cụ thể là việc đưa sandbox vào các dự thảo luật. 

“Nếu chờ quy định trong luật cho phép, sau đó Quốc hội uỷ quyền cho Chính phủ và ban hành nghị định thì bao nhiêu năm nữa mới thí điểm sandbox đúng nghĩa?”, bà Hoa nói.

Sandbox không chỉ là nơi để doanh nghiệp thử nghiệm các sản phẩm mới, giải quyết vấn đề công nghệ mới mà còn là nơi để cơ quan quản lý học để hiểu rõ về các vấn đề này.

TS Chu Thị Hoa cho rằng bản thân cơ quan quản lý ở thời điểm thí điểm sandbox cũng chưa thực sự hiểu hết về các sản phẩm đó và phải đồng hành trong quá trình thí điểm để sau đó ban hành văn bản điều chỉnh.

Bà cũng nhấn mạnh về việc không sợ có quá nhiều sandbox vì hiện tại Việt Nam vẫn chưa chính thức ban hành một cơ chế thử nghiệm nào.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, lại cho rằng việc cần quá nhiều sandbox đang một phần thể hiện sự hạn chế, yếu kém của pháp luật Việt Nam, chưa khuyến khích, bảo vệ được hoạt động sáng tạo và đổi mới công nghệ.

“Những hạn chế này bắt buộc chúng ta phải đưa ra biện pháp để thí điểm. Nếu chúng ta có một hệ thống pháp luật tốt, có thể bảo vệ được quyền kinh doanh, quyền tự do sáng tạo, quyền tự do làm những điều pháp luật không cấm thì sẽ không cần nhiều cơ chế thí điểm”, ông Lê Duy Bình cho hay.

Theo ông, cách tiếp cận sandbox là hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, giúp cho các doanh nghiệp cũng như chủ sở hữu của doanh nghiệp mới tự tin sáng tạo mà vẫn phù hợp với quy định của pháp luật chứ không phải đi tìm biện pháp, đưa ra quyết định, đề án mới để thử nghiệm sandbox.

Theo báo của VCCI, cho đến thời điểm tại thì các cơ chế thử nghiệm vẫn đang trong quá trình xây dựng và Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ cơ chế thử nghiệm nào được ban hành đúng nghĩa. Báo cáo của VCCI nêu rõ việc ban hành cơ chế sandbox ở Việt Nam chậm hơn so với các nước khác.

Cụ thể trên thế giới, 73 sandbox đã được thông báo thiết lập trong lĩnh vực fintech tính đến tháng 8/2020, riêng khu vực Đông Nam Á, 6 quốc gia đã thiết lập sandbox gồm có Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines.

 

Tin mới lên