Chân dung tân Chủ tịch Cuba: Thích nhạc rock, đạp xe và iPad

Chu La - 20/04/2018 08:23 (GMT+7)

(VNF) – Ông Miguel Díaz-Canel, tân Chủ tịch của Cuba, thích nhạc rock, đạp xe và thường sử dụng iPad nên trông ông luôn có dáng vẻ hiện đại và được lòng giới trẻ.

VNF
Chủ tịch Cuba Raúl Castro (phải) và người kế nhiệm Miguel Díaz-Canel.

Chính phủ Cuba ngày 19/4 xác nhận ông Díaz-Canel, Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba, đã chính thức thay ông Raul Castro giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Trước đó, ông từng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy tại các tỉnh Villa Clara và Holguín, cùng chức Bộ trưởng Bộ Đại học.

Ông sẽ là vị Chủ tịch đầu tiên của Cuba không mang họ Castro. Ông Raul Castro, 86 tuổi, vẫn là người đứng đầu đảng Cộng sản, được hiến pháp chỉ định "là lãnh đạo tối cao của lực lượng xã hội và nhà nước" và "có quyền trong những quyết định quan trọng nhất cho hiện tại và tương lai của quốc gia".

Ông Diaz Canel sinh ngày 20/4/1960, tại thành phố Placetas ở Villa Clara. Sau khi tốt nghiệp Đại học miền Trung Las Villas năm 1982, ông tham gia Lực lượng Vũ trang Cách mạng Cuba trong 3 năm.

Ông Miguel Díaz-Canel thường xuyên xuất hiện cùng vợ, bà Lis Cuesta.

Từ đầu tháng 4/1985, ông giảng dạy tại trường Đại học Santa Clara. Đến năm 1987, ông tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản Cuba và thăng tiến nhanh chóng. Đến năm 1994, ông được bầu làm Bí thư Thứ nhất Tỉnh ủy Villa Clara.

Đến năm 2003, ông Diaz Canel được bầu làm Bí thư Thứ nhất Tỉnh ủy Holguin và có tên trong Bộ Chính trị Cuba. Tháng 5/2009, ông được chỉ định làm Bộ trưởng Bộ Đại học.

Sau khi được bầu làm Phó chủ tịch nước Cuba vào năm 2013, ông Diaz-Canel trở thành "cánh tay phải" của Raul Castro. Raul Castro từng đánh giá đánh giá ông Diaz-Canel là người "vững vàng về lý tưởng".

Chính trị gia được lòng giới trẻ

Ông Diaz-Canel có dáng người cao, vai rộng và có diện mạo được đánh giá là giống tài tử điện ảnh. Ông có thói quen sử dụng iPad và là fan hâm mộ của The Beatles, The Rolling Stones.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, ông Miguel Díaz-Canel thường đạp xe quanh thị trấn Santa Clara quê hương ông. Điều này không chỉ giúp ông xây dựng hình ảnh một cán bộ gần gũi mà còn là cách giúp ông lặng lẽ quan sát các trung tâm nơi người lao động làm việc.

Ông Miguel Díaz-Canel có lối sống giản dị và gần gũi với người dân lao động.

Người dân ở Villa Clara nói về ông Diaz-Canel là một nhà kỹ trị mẫn cán và sống giản dị, tận tâm cải thiện các dịch vụ công cộng của vùng.

USA Today dẫn nguồn truyền thông Cuba cho biết, ông là một trong những quan chức cấp cao đầu tiên trong chính phủ Cuba mang laptop tới dự hội nghị và thúc đẩy việc đưa công nghệ vào trường học ở nước này.

Trong suốt thời gian làm chính trị, ông Diaz-Canel vẫn duy trì một con đường sự nghiệp riêng biệt. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông về làm giáo sư kỹ thuật cho Đại học Santa Clara. Sau này, ông cũng có thời gian lên làm Bộ trưởng Giáo dục bậc Đại học và thường xuyên tới thăm các trường học trên khắp đất nước.

Nhiều thách thức phía trước

Giới quan sát nhận định một trong những thách thức lớn nhất mà ông Diaz-Canel phải đối mặt sau khi lên cầm quyền là vấn đề kinh tế.

Sau khi Liên Xô sụp đổ và chấm dứt viện trợ, kinh tế Cuba gặp nhiều khó khăn, trong khi các hành động và lời lẽ thù địch của Mỹ không ngừng tăng lên. Mặc dù người dân Cuba được hưởng y tế và giáo dục miễn phí, lại được bao cấp lương thực và chỗ ở, thì hàng hóa tiêu dùng tại đây lại rất khan hiếm.

Ông Miguel Díaz-Canel đã đến Triều Tiên gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un năm 2015.

Mức lương nhà nước ở Cuba trung bình chỉ là 20 USD, và chỉ có 173.000 ô tô trong tổng số 11 triệu người dân của nước này. Tăng trưởng kinh tế đã chậm lại trong những năm gần đây, sau khi có tăng lên một chút vào thời điểm Raul Castro áp dụng một số cải cách kinh tế theo hướng thị trường tự do hồi năm 2011.

Không còn tự do thương mại với Mỹ, Cuba sẽ phải cải thiện năng lực sản xuất nông nghiệp để có thể tự túc lương thực. Cuba hiện nhập khẩu tới 80% lượng lương thực họ tiêu dùng.

Không có kinh nghiệm cách mạng, ông Díaz-Canel sẽ phải huy động lòng dân và nhiều yếu tố khác để có thể giải quyết những thách thức trong giai đoạn mới.

>> Nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới: ‘Tôi đã từng nghĩ tới việc tự tử’

Cùng chuyên mục
Tin khác