ChatGPT: Khởi nguồn 'trận chiến' công nghệ có thể thay đổi thế giới
Minh Ý -
22/02/2023 15:29 (GMT+7)
(VNF) - Trong số những từ khoá nổi bật trên mạng Internet hiện tại, ChatGPT và trí tuệ nhân tạo (AI) chắc chắn là những từ khoá được tìm kiếm hàng đầu. Sự bùng nổ của chatbot được phát triển bởi công ty OpenAI, có tên ChatGPT, dường như đã khơi nguồn cho một “trận chiến” mới trong giới công nghệ, một trận chiến có thể thay đổi cả thế giới.
ChatGPT: Một sản phẩm bùng nổ
Ngày 30/11/2022, OpenAI, công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) đã cho ra mắt một sản phẩm chatbot thế hệ mới với tên gọi ChatGPT. Theo mô tả của công ty, mô hình ChatGPT tương tác theo cách đối thoại. Định dạng đối thoại giúp ChatGPT có thể trả lời các câu hỏi của người dùng, thừa nhận lỗi của mình, phủ nhận các giả định không chính xác và từ chối các yêu cầu không phù hợp.
ChatGPT không chỉ trò chuyện mà còn thành thạo trong nhiều chủ đề. Nó có thể tạo mã, bài đăng trên mạng xã hội và thậm chí cả kịch bản cho chương trình truyền hình. Đối với các thế hệ trước, những người lớn lên với các phòng trò chuyện IRC, một hệ thống nhắn tin tức thời bằng văn bản, giọng điệu cá nhân của các cuộc trò chuyện với bot có thể gợi lên trải nghiệm trò chuyện trực tuyến. Nhưng ChatGPT, công nghệ mới nhất được gọi là “công cụ mô hình ngôn ngữ lớn”, không trả lời cảm tính và không “nghĩ” theo cách các công nghệ trước đó từng làm.
Các bot trò chuyện như GPT được hỗ trợ bởi một lượng lớn dữ liệu và kỹ thuật điện toán để đưa ra dự đoán nhằm xâu chuỗi các từ lại với nhau theo cách có ý nghĩa. Chúng không chỉ khai thác một lượng lớn từ vựng và thông tin, mà còn hiểu các từ trong ngữ cảnh. Điều này giúp chúng bắt chước các mẫu giọng điệu đồng thời cập nhật dữ liệu về các kiến thức .
Chỉ sau 1 tuần phát hành, ChatGPT đã thu hút 1 triệu người dùng. Và theo dữ liệu gần đây nhất được cập nhật bởi công ty phân tích Similar Web, ChatGPT ước tính đã đạt 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 1/2023, tức chỉ 3 tháng sau khi ra mắt. Trong khi đó, Theo dữ liệu từ Sensor Tower, TikTok đã mất khoảng 9 tháng sau khi ra mắt toàn cầu để có thêm 100 triệu người dùng, còn mạng xã hội Instagram mất tới 2 năm rưỡi để đạt được con số này. Như vậy, so sánh về tốc độ phát triển, ChatGPT đang đạt mức độ mở rộng nhanh hơn cả mạng xã hội nổi danh TikTok.
Không chỉ vậy, con số 100 triệu người dùng chắc chắn cũng chưa phải đích đến cuối cùng của ChatGPT, bởi chatbot này hiện vẫn chưa được tung ra trên toàn thế giới và chưa được hoàn thiện hẳn. Chắc chắn rằng ChatGPT có những hạn chế. Nó có thể biết cách tạo thành các câu giống con người, nhưng không thể phân biệt liệu chúng có chính xác hay không. Tính chính xác cũng là thứ mà OpenAI đang cố gắng cải thiện cho sản phẩm này. Tuy nhiên, sự bùng nổ của ChatGPT và trí tuệ nhân tạo (AI) nhìn chung vẫn rất ấn tượng với giới công nghệ nói chung.
Khơi nguồn “trận chiến” giữa các ông lớn công nghệ
Nhìn chung, ChatGPT không phải sản phẩm nổi bật đầu tiên của trí tuệ nhân tạo, và cũng không phải tới hiện tại, AI mới có sức hút với con người. Nhưng ChatGPT, với sự bùng nổ của mình, là một trong những sản phẩm có tính ứng dụng cao đầu tiên của AI khiến con người cảm nhận được tốc độ phát triển chóng mặt của lĩnh vực công nghệ và “sức nóng phả vào gáy” về một tương lai máy móc thay thế dần các công việc sử dụng nhân lực hiện tại.
Do đó, không khó hiểu khi hàng loạt quốc gia và công ty công nghệ lập tức muốn “tham chiến” vào lĩnh vực đầy “béo bở” này. Các công ty công nghệ lớn đang tích cực theo đuổi các khoản đầu tư và liên minh với các công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo thông qua nhánh điện toán đám mây, đặt ra các câu hỏi pháp lý về vai trò của họ với tư cách là nhà cung cấp và đối thủ cạnh tranh trong cuộc chiến phát triển “AI thế hệ mới”.
Ở thời điểm hiện tại, mức độ quan trọng của việc nghiên cứu và ứng dụng AI vào đời sống là vô cùng lớn, bởi công nghệ này vừa cực kỳ mạnh mẽ vừa có nhiều khiếm khuyết: Nó có xu hướng cung cấp thông tin không chính xác một cách tự tin. Điều này có nghĩa là bước đầu tiên trong quá trình biến công nghệ này trở thành xu hướng chủ đạo là xây dựng nó, và bước thứ hai là giảm thiểu số lượng lỗi mà nó không thể tránh khỏi.
Một trong những cuộc chiến cam go đang gây được nhiều sự chú ý nhất hiện tại là màn cạnh tranh giữa Microsoft và Alphabet, công ty mẹ của Google. Microsoft đầu tư thêm hàng tỷ USD để nâng cổ phần trong OpenAI, “cha đẻ” của ChatGPT, nhằm nghiên cứu về mảng trí tuệ nhân tạo và tuyên bố sẽ tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing cũng như trình duyệt web Edge. Google cũng không chịu thua kém khi tuyên bố cho ra mắt Bard, một chatbot tương tự ChatGPT nhưng được cho là sử dụng mô hình ngôn ngữ linh hoạt và rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, theo diễn biến mới nhất, Alphabet dường như đang ở thế yếu so với Microsoft, sau khi chatbot Bard bị phát hiện cung cấp kiến thức sai lệch trong chính đoạn quảng cáo ngắn mà Google đăng tải. Trong khi đó, ChatGPT hiện vẫn đang được OpenAI hoàn thiện từng ngày, và duy trì được sức hút lớn với người dùng mạng.
“Cuộc chiến” cũng không chỉ gói gọn trong số các công ty Big Tech, mà còn được nâng tầm quốc gia và khu vực. Tại châu Á, Trung Quốc cũng là quốc gia đang tích cực tham gia vào quá trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ít nhất 5 công ty công nghệ, từ gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba của Jack Ma đến nhà điều hành công cụ tìm kiếm Baidu của Robin Li, đều đưa ra thông báo sẽ tạo ra những công cụ tương tự như ChatGPT.
Ngày 8/2, một phát ngôn viên của Alibaba đã xác nhận rằng công ty hiện đang tiến hành các thử nghiệm nội bộ trên một chatbot kiểu ChatGPT, trong khi Baidu hôm 5/2 cũng mới tuyên bố sẽ tung ra một chatbot có tên Ernie vào tháng 3. Chi tiết về các dịch vụ mới chưa được tiết lộ, nhưng điều rõ ràng là các công ty này đang tận dụng sự quan tâm đột ngột đối với các công nghệ AI.
Tại Hàn Quốc, một cường quốc khác về công nghệ và mạng Internet, chưa có cuộc chiến gay gắt nào diễn ra. Tuy nhiên, Kakao, nhà điều hành ứng dụng nhắn tin số 1 Hàn Quốc KakaoTalk, cho biết hôm 10/2 rằng họ có kế hoạch mở rộng các dịch vụ trí tuệ nhân tạo dựa trên ngôn ngữ tiếng Hàn, dựa trên mô hình ChatGPT. Mô hình mới, có tên KoGPT, dự kiến sẽ được ra mắt trong năm 2023.
Giám đốc điều hành Kakao Hong Eun-taek cho biết: “Sự trỗi dậy của các mô hình AI siêu quy mô như ChatGPT vừa là cơ hội vừa là khủng hoảng đối với Kakao. Các công ty công nghệ toàn cầu với nguồn vốn và công nghệ dồi dào có “lợi thế cạnh tranh rõ ràng” so với các công ty nhỏ hơn trong cuộc đua phát triển mô hình AI siêu quy mô vì công nghệ này không thể đạt được chỉ với những ý tưởng sáng tạo”.
Thay đổi tương lai thế giới?
Những sáng tạo trí tuệ nhân tạo (AI), dù dưới bất kỳ hình thức nào, cũng giúp công nghệ đi sâu hơn vào mọi mặt đời sống hiện tại. Không chỉ giúp trả lời các câu hỏi của chúng ta mà các công nghệ này còn biết làm bài tập, viết bài phát biểu của chúng ta hoặc thậm chí sáng tác thơ và tác phẩm nghệ thuật. Điều này dẫn tới việc con người sẽ dần thay đổi hành vi, hoặc thói quen học tập, thậm chí là nhiều thói quen khác trong đời sống.
Do đó, một câu hỏi lớn đã từng được đặt ra, nhưng gần đây mới trở nên thiết thực hơn bao giờ hết, đó là: Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thay đổi cách con người làm việc hay không, và thay đổi như thế nào? Trong bài phỏng vấn gần đây với Forbes, tỷ phú công nghệ Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft, đã bày tỏ: “Hầu hết những người theo chủ nghĩa tương lai đã nhìn vào sự xuất hiện của AI đều nói rằng những công việc chân tay lặp đi lặp lại sẽ là những công việc đầu tiên bị ảnh hưởng bởi AI. Điều đó chắc chắn đang xảy ra, và mọi người không nên mất cảnh giác trước điều đó”.
Như vậy, với tốc độ phát triển hiện tại, trí tuệ nhân tạo không chỉ có thể thay đổi thói quen và hành vi của con người, mà thậm chí còn có thể thay thế vị trí của con người trong một số công việc. Đây rõ ràng là “chìa khoá” thay đổi cục diện thế giới hiện tại, và cũng mở ra rất nhiều bài toán nan giải trong tương lai. Và rồi, sau khi tất cả những nghi vấn, tò mò, háo hức về những công nghệ mới mẻ qua đi, con người sẽ phải tự hỏi: “Làm thế nào để không bị AI thay thế?”
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone