Tài chính quốc tế

Châu Âu đề xuất giới hạn giá khí đốt trên sàn giao dịch lớn nhất khu vực

(VNF) - Cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch đề xuất một cơ chế để hạn chế sự biến động giá trên thị trường khí đốt lớn nhất của khối và ngăn chặn sự tăng vọt giá cực mạnh trong giao dịch phái sinh để kiềm chế cuộc khủng hoảng năng lượng trong khu vực.

Châu Âu đề xuất giới hạn giá khí đốt trên sàn giao dịch lớn nhất khu vực

EC đề xuất áp giới hạn giá động cho mặt hàng khí đốt trên trung tâm giao dịch Hà Lan.

Cơ chế tạm thời do Ủy ban Châu Âu (EC) đề xuất sẽ áp đặt giới hạn giá động (dynamic price cap) cho các giao dịch trên trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) của Hà Lan, có chỉ số chính là điểm chuẩn cho tất cả khí đốt được giao dịch trên lục địa này.

Giới hạn giá động có nghĩa là mức trần giá khí đốt trên TTF sẽ không cố định mà được thay đổi theo nhu cầu và nguồn cung của thị trường.

“Điều này sẽ giúp tránh biến động cực mạnh và tăng giá, cũng như đầu cơ có thể dẫn đến khó khăn trong việc cung cấp khí đốt tự nhiên cho một số quốc gia thành viên”, ủy ban cho biết trong một tài liệu được Bloomberg trích dẫn.

Biện pháp này cũng sẽ bao gồm một cơ chế giới hạn giá tăng đột biến tạm thời trong ngày để tránh biến động mạnh trên thị trường phái sinh năng lượng, theo dự thảo. Mục đích là “đảm bảo cơ chế hình thành giá hợp lý hơn”, bảo vệ các công ty năng lượng trong khu vực khỏi mức tăng đột biến lớn và giúp họ đảm bảo nguồn cung trong trung hạn.

Dự thảo này nhiều khả năng sẽ được thông qua vào ngày 18/10, trước khi được chuyển tới bàn thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh giữa các lãnh đạo EU tổ chức ngày 20 – 21/10 tại Brussels (Bỉ).

Theo Blomberg, sau giới hạn giá động cho khí đốt, EC sẽ làm việc để tạo ra một tiêu chuẩn bổ sung mới cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Chỉ số giá mới sẽ được áp dụng vào cuối năm 2022, với điểm chuẩn dự kiến ​​sẽ được hoàn thiện khi mùa nạp kho khí đốt tiếp theo bắt đầu vào đầu năm 2023.

Trong thời gian gần đây, EC đã phải chịu áp lực ngày càng lớn từ các chính phủ quốc gia trong việc áp đặt giới hạn giá khí đốt.

Italy, Hy Lạp, Ba Lan và Bỉ tuần trước đã đề xuất giới hạn đối với các trung tâm thương mại lớn nhất trong khu vực, ví dụ như sẽ bao gồm một hành lang cho phép giá dao động khoảng 5%. Các quốc gia này cũng đề xuất phạm vi giá sẽ được thường xuyên xem xét để phản ánh các tiêu chuẩn năng lượng quan trọng khác như giá dầu thô, than và khí đốt ở Bắc Mỹ và châu Á.

Ủy ban cũng đang có kế hoạch áp dụng các công cụ để tăng tính thanh khoản trên thị trường năng lượng bằng cách tăng ngưỡng thanh toán bù trừ cho các đối tác phi tài chính lên 4 tỷ EUR và mở rộng danh sách các tài sản đủ điều kiện có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp trong một năm.

Để tăng khả năng phục hồi và đòn bẩy của mình trong các cuộc đàm phán với các nhà cung cấp khí đốt thay thế, EC muốn củng cố nền tảng mua chung, điều phối việc nạp khí dự trữ. Theo dự thảo, nếu nguồn cung dự trữ cạn kiệt vào cuối mùa đông này, việc đáp ứng mục tiêu lấp đầy 90% vào tháng 11/2023 có thể khó khăn hơn so với mùa đông năm nay.

Kế hoạch này bắt buộc các quốc gia thành viên phải cùng nhau mua khí đốt chiếm ít nhất 15% lượng dự trữ và cho phép các công ty thành lập một tập đoàn châu Âu. Tuy nhiên, các nguồn cung từ Nga sẽ bị loại khỏi vòng xem xét bởi tính bất ổn thường trực từ sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra.

Xem thêm >> Nỗ lực 'cai nghiện' nhiên liệu Nga, EU vẫn chi hơn 100 tỷ euro để nhập khẩu

Tin mới lên