Châu Âu không kịp xử lý, hàng chục tàu chở khí LNG lênh đênh ngoài khơi

Mộc An - 18/10/2022 16:08 (GMT+7)

(VNF) - Trong bối cảnh các nước châu Âu đang loay hoay với bài toàn thiếu hụt nguồn cung năng lượng thì hàng chục tàu chở khí hóa lỏng (LNG) đang bị ùn ứ ngoài khơi Tây Ban Nha và các nước châu Âu khác do các cảng tiếp nhận quá tải.

VNF
Ảnh minh họa.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết tính đến ngày 17/10, có khoảng 35 tàu chở LNG đang phải thả neo ngoài khơi bờ biển Tây Ban Nha và khu vực Địa Trung Hải. Trong đó, ít nhất 8 tàu chở LNG đang đậu ngoài khơi vịnh Cadiz của Tây Ban Nha do không tìm được chỗ cập cảng để dỡ hàng.

Nguồn tin của Reuters cũng cho hay còn hàng chục tàu chở LNG đang neo ở gần các nước châu Âu khác.

Theo ông Oystein Kalleklev, CEO công ty quản lý tàu chở khí đốt FLEX LNG Management, hiện tại có khoảng 2,5 triệu tấn LNG đang mắc kẹt trên các tàu chở khí đốt ngoài khơi châu Âu

Các công ty năng lượng cho rằng sẽ phải tạm dừng quá trình vận chuyển khí đốt để đối phó với tình trạng tắc nghẽn trên. Nếu việc tắc nghẽn này không được giải quyết sớm, số tàu này có thể phải tìm cảng khác bên ngoài châu Âu để dỡ hàng.

Sở dĩ xảy ra tình trạng tắc nghẽn là do năng lực "tái khí hóa" của Châu Âu hiện vẫn còn nhiều điểm yếu. Các nhà máy xử lý LNG của châu Âu, chịu trách nhiệm chuyển đổi LNG từ dạng lỏng về lại dạng khí, đã hoạt động tối đa công suất trong những ngày qua.

Với 6 nhà máy, Tây Ban Nha hiện có năng lực tái khí hóa lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU), chiếm 33% tổng lượng LNG và 44% công suất lưu trữ LNG. Tuy nhiên, hiện các nhà máy này chỉ đáp ứng được 20% số tàu chở LNG đang chờ dỡ hàng.

Giới chức Tây Ban Nha cho biết công suất hiện tại của các nhà máy tái khí hóa sẽ chưa thể thay đổi ít nhất là đến tuần đầu tháng 10. Công ty vận hành mạng lưới khí đốt tại Tây Ban Nha Enagas cho biết sẽ từ chối một số chuyến tàu LNG đang thả neo ngoài khơi do không có đủ công suất xử lý khí đốt.

Theo Alex Forley, nhà phân tích về LNG tại hãng nghiên cứu dữ liệu ICIS, bên cạnh việc thiếu công suất xử lý, tình trạng tắc nghẽn cũng xảy ra do nhu cầu khí đốt của ngành công nghiệp châu Âu đang sụt giảm trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại.

Ngoài ra, theo ông Forley, một số tàu chở LNG cũng thả neo ở vùng biển châu Âu để đợi tới mùa đông, thời điểm nhu cầu tiêu thụ khí đốt lớn, khiến giá mặt hàng này tăng mạnh, bù lại chi phí vận chuyển phát sinh vì mắc kẹt.

Giá khí đốt giao vào cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 thường cao hơn 2 USD/1 triệu đơn vị nhiệt Anh so với giá khí đốt hiện tại.

Xem thêm >> Lầu Năm Góc tính trả phí để Elon Musk tiếp tục cung cấp Internet cho Ukraine

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác