Tài chính quốc tế

Châu Âu ngấm đòn đau: Quên dần cuộc sống xa hoa, xếp hàng mua đồ cận 'date'

(VNF) - Liên tiếp những “đòn đau” từ dịch Covid-19, cuộc chiến Nga – Ukraine cùng tốc độ già hóa dân số nhanh chóng mặt khiến người dân châu Âu đang phải đối mặt với một thực tế tàn khốc.

Châu Âu ngấm đòn đau: Quên dần cuộc sống xa hoa, xếp hàng mua đồ cận 'date'

Châu Âu không còn xa hoa

Cuộc sống tại châu Âu từ lâu vốn là niềm mong ước của nhiều người với sự xa hoa và giàu có. Thế nhưng, người dân châu Âu đang phải đối mặt với một hiện thực phũ phàng, một thực tế mà họ chưa từng trải qua trong nhiều thập kỷ gần đây. Đó là họ đang trở nên nghèo hơn.

Người Pháp đang ăn ít gan ngỗng và uống ít rượu vang đỏ hơn. Người Tây Ban Nha không dám phung phí dầu ô liu. Người Phần Lan được khuyến khích sử dụng phòng xông khô vào những ngày nhiều gió để tiết kiệm năng lượng. Tại Đức, lượng tiêu thụ thịt và sữa đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ qua trong khi thị trường thực phẩm hữu cơ cũng lao dốc dù từng bùng nổ ở những năm trước. Người Đức đang dần chuyển từ thịt bò, thịt bê sang sử dụng những loại thịt rẻ hơn như thịt gia cầm.

Châu Âu đang nghèo hơn

Nước Ý cũng không khá khẩm hơn là bao. Vào hồi tháng 5, bộ trưởng Bộ phát triển kinh tế Ý, Adolfo Urso đã phải triệu tập một cuộc họp khẩn để bàn về kế hoạch điều chỉnh giá mì ống sau khi mặt hàng chủ lực này có giá tăng gấp 2 lần so với tỷ lệ lạm phát quốc gia.

Người dân “ngấm đòn”

Tình trạng khó khăn hiện tại của châu Âu không phải là câu chuyện mới diễn ra một sớm một chiều mà thực chất đã âm ỉ hình thành từ lâu. Tình trạng già hóa dân số với người lao động ưu tiên việc có thời gian rảnh và công việc ổn định hơn là tăng thu nhập đã khiến năng suất lao động và tốc độ tăng trưởng kinh tế bị trì trệ.

Đại dịch Covid-19 và căng thẳng Nga – Ukraine đã đảo ngược chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá năng lượng và lương thực tăng vọt. Liên tiếp các cuộc khủng hoảng đã làm những “căn bệnh” vốn đã ăn mòn nền kinh tế châu Âu trở nên trầm trọng hơn.

Phản ứng của các chính phủ lại chỉ làm phức tạp thêm vấn đề. Để duy trì việc làm, nhiều chính phủ chỉ tập trung trợ cấp cho các doanh nghiệp, để mặc người tiêu dùng không có tiền mặt dự trữ khi cú sốc giá xảy ra. Trái lại, người Mỹ được hưởng lợi từ năng lượng giá rẻ và viện trợ của chính phủ và duy trì được mức tiêu dùng bất chấp các cuộc khủng hoảng.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mức tiêu dùng cá nhân đã giảm khoảng 1% tại 20 quốc gia sử dụng đồng euro từ cuối năm 2019. Trong khi mức tiêu dùng cá nhân tại Mỹ tăng gần 9% trong cùng kỳ. Mười lăm năm trước, châu Âu và Mỹ mỗi bên chiếm khoảng ¼ tổng chi tiêu tiêu dùng toàn cầu. Giờ đây, Liên minh châu Âu hiện chiếm khoảng 18%, thấp hơn so với con số 28% của Mỹ. Cũng từ năm 2019, tiền lương trung bình giảm 3% ở Đức, 3,5% ở Ý và Tây Ban Nha và 6% ở Hy Lạp. Trong cùng kỳ, tiền lương trung bình tại Mỹ đã tăng khoảng 6%.

Mức lương trung bình hàng năm của một số quốc gia châu Âu

Nhiều quốc gia cắt giảm chi tiêu công sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến các hệ thống phúc lợi, chăm sóc sức khỏe do nhà nước tài trợ của châu Âu bị “bỏ đói”, đặc biệt là Dịch vụ Y tế quốc gia của Vương quốc Anh.

Tầng lớp trung lưu tại châu Âu cũng đang thấm đau. Tại Brussels, một trong những thành phố giàu có nhất châu Âu, nhiều giáo viên và y tá đã phải đứng xếp hàng để mua đồ giảm nửa giá vào buổi tối. Công ty Happy Hours Market chuyên thu gom những thực phẩm sắp hết hạn sử dụng từ các siêu thị để bán lại cho những khách hàng có nhu cầu mua đồ giá rẻ.

Các doanh nghiệp "ngần ngại"

Xuất khẩu từng được xem là trụ cột tăng trưởng khi chiếm khoảng 50% GDP của châu Âu vốn có thể trở thành “cứu tinh” của nền kinh tế. Thế nhưng sự phục hồi chậm chạp của Trung Quốc – một thị trường quan trọng đối với châu Âu – lại đang làm suy yếu ngành xuất khẩu.

Tình hình liệu có tồi tệ hơn trong thời gian tới?

Giá năng lượng trở nên đắt đỏ hơn trong khi lạm phát tràn lan ở mức chưa từng thấy kể từ những năm 1970 đang khiến châu Âu mất dần lợi thế trong mắt các nhà sản xuất trên thị trường quốc tế. Khi thương mại toàn cầu “nguội” đi, sự phụ thuộc vào ngành xuất khẩu lại đang trở thành điểm yếu của lục địa già. Với tình hình thực tế hiện nay, châu Âu cũng đang trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các doanh nghiệp, từ gã khổng lồ tiêu dùng Proter&Gamble cho đến đế chế LVMH.

Tại nhà máy ô tô Stellantis ở Melfi, miền Nam nước Ý, nhân viên đã phải cắt giảm giờ làm việc trong nhiều năm gần đây do phía nhà máy gặp khó khăn trong việc mua nguyên liệu thô và chi phí năng lượng tăng cao. Số giờ làm việc của công nhân tại đây đã giảm khoảng 30% và tiền lương cũng giảm ở mức tương ứng.

Theo báo cáo của Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu, nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, khoảng cách giữa sản lượng kinh tế bình quân đầu người tại Mỹ và châu Âu sẽ lớn bằng khoảng cách giữa Nhật Bản và Ecuador hiện nay.

Tin mới lên